Quê hương nghĩa trọng, tình cao

Cập nhật, 07:59, Chủ Nhật, 05/06/2016 (GMT+7)

Năm nay tròn 105 năm kể từ ngày lãnh tụ Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 với cái tên Nguyễn Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu buôn Latouche-Tréville của Pháp tại Bến cảng Nhà Rồng, làm nghề phụ bếp, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc.

1. Sau ba mươi năm bôn ba xứ người, lao động đủ nghề, tiếp xúc với giới cần lao, Người "ngộ" ra con đường cứu nước, cứu dân là con đường cách mạng, và chuẩn bị bồi dưỡng những người yêu nước làm cách mạng, trước hết là thành lập một tổ chức chính trị để lãnh đạo cách mạng. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là kết quả kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam, đánh dấu cách mạng Việt Nam đã chuyển từ tự phát sang tự giác. Để rồi, mùa Thu năm 1945, Người và các đồng chí của Người đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc biến đổi xã hội to lớn chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Đó là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Thành quả Cách mạng Tháng Tám là người dân thực sự làm chủ đất nước, thời đại dân quyền và nhân quyền được hình thành, mở ra thời đại mới ở Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh.

Hành trang Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước là lòng yêu nước, thương dân sâu đậm. Tới đâu Người cũng quan sát cuộc sống của người dân lao động và trăn trở về vận nước và thân phận người dân nước ta bị thực dân, phong kiến đè nén, bóc lột thậm tệ. Người dày công trải nghiệm, học tập trong đấu tranh để cuối cùng kết luận rằng “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không con đường nào khác, ngoài con đường cách mạng vô sản, mà lực lượng cách mạng vô sản trong tư tưởng của Người là đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân lao động, đoàn kết những người yêu nước. Khi cách mạng thành công, Người luôn đau đáu chăm lo, suy nghĩ làm gì, làm thế nào để nhân dân tự do và hạnh phúc. Người nhắc nhở cán bộ, nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì.

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Vùng quê ấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thường xuyên đương đầu với muôn vàn thử thách, khó khăn do thiên tai, giặc giã. Nhưng trong khổ đau vẫn kiên cường, trong hy sinh vẫn bền bỉ. Một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra không ít hiền tài như Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Vương Thúc Mậu, và các vị túc nho như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân đã nhen lên trong tâm khảm Người lòng yêu nước nồng nàn.

Tình yêu quê hương, đất nước luôn trăn trở trong trái tim Người. Kể từ năm 1911, rời Tổ quốc, gần 50 năm sau, một người yêu nước, thương dân hết mực, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng dân tộc, giải phóng con người; một lãnh tụ xuất sắc của cách mạng Việt Nam, một hiền tài của dân tộc, mới có dịp trở về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình vào năm 1957 với bao cảm xúc bồi hồi. Gặp lại bà con làng quê, Người xúc động nói:

 

Quê hương nghĩa trọng, tình cao
Năm mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình.


Thân sinh Người, cụ Nguyễn Sinh Sắc, dù đậu Phó bảng, được bổ làm quan vẫn trước sau tâm niệm: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ” (quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ nên càng nô lệ hơn). Bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, là chị ruột, anh ruột Người đều được học hành chu đáo, tham gia các hoạt động yêu nước, đều bị chính quyền thực dân, phong kiến cầm tù, quản chế. Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi ấu thơ của Người, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức của Người.

2. Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới; được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát triển và gắn truyền thống yêu nước với cách mạng của dân tộc, của quê hương. Tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết là hồn cốt của cách mạng giải phóng dân tộc. Luôn đề cao con người là nhân tố quyết định của lịch sử; sức mạnh dân tộc phải gắn liền với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với sức mạnh thời đại. Đặc biệt, Người coi trọng vai trò của con người “là gốc”, “là chủ”, “làm chủ” đất nước. Vì thế, Hồ Chí Minh đã nói, cái gì lợi cho dân, khó mấy cũng làm, cái gì hại cho dân phải hết sức tránh. Lời dạy đó đến hôm nay còn nguyên giá trị và đòi hỏi các công bộc của dân ghi nhớ để làm theo lời Bác.

Mấy chục năm bôn ba xứ người, xa quê khi còn trai trẻ, nhưng Người luôn khắc khoải về quê hương, đất nước. Người nhớ da diết những làn điệu hát ví, hát giặm, hát phường vải của quê nhà, cái nôi ru tâm hồn tuổi thơ của Người. Nơi đất khách quê người, một đêm Người thốt lên: 

 

“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con” 

 

Càng nhớ quê, thương nước, Người càng tranh đấu bằng mọi vũ khí, việc làm thơ, viết văn, viết báo, chụp ảnh, ký họa vừa là để mưu sinh, nhưng cao hơn là để tố cáo đế quốc, thực dân. Người khẳng định, thơ văn phải tham gia đấu tranh góp phần cứu nước, cứu dân: “Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, nhà thơ Xô viết Ôxíp Manđenstan đã viết về Nguyễn Ái Quốc - tên Người lúc đó, trên Tạp chí Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) số 39: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa Châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”. “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.

Cống hiến vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh là mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam, một thời đại dân quyền và nhân quyền được đề cao, con người là nhân tố quyết định mọi thành bại. Cuộc đời và nhân cách của Người đối với công việc tận tụy và hiệu quả, với kẻ thù kiên quyết mà vị tha, với đồng chí thẳng thắn mà chân tình, đối với nhân dân kính trọng, tin cậy và lắng nghe. Từ lãnh tụ Hồ Chí Minh toát lên một tố chất nhân bản, nhân văn, nhân đạo có sức lan tỏa của một tấm gương thanh tao về nếp sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, “dĩ công vi thượng, dĩ dân vi thượng”. Tấm gương đạo đức của Người vẹn toàn nguyên khí hiền tài của non sông đất nước ta, của dân tộc ta. Nếu mỗi “công bộc” cùng nặng nghĩa, cao tình với quê hương, đất nước thì nước sẽ mạnh, dân sẽ giàu và cũng sẽ xứng đáng với công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Nhiều năm qua, bên cạnh những đồng chí, học trò của Người, người dân nước Việt đã rất tự nhiên thẩm thấu, bồi lắng, tiếp nhận nhân cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận “công bộc” còn xa Bác quá! Xa Bác là vô cảm với vận mệnh đất nước, là vô ơn với đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì đất nước này. Vì vậy, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tầm cao mới để tấm gương đạo đức của Người thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nguồn lực phát triển đất nước, là nhiệm vụ và phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người Việt Nam.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng (Đại học KHXH&NV Hà Nội)

Theo HNM