Ngày ấy, đi qua Đồng Tháp Mười

Cập nhật, 10:44, Thứ Bảy, 18/06/2016 (GMT+7)

Với nhiều người trong chúng tôi, Đồng Tháp Mười không chỉ là một căn cứ lớn của nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn là cánh đồng bao la ẩn chứa bao điều kỳ thú.

Và “ngày ấy” trong bài viết này là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt trước khi kết thúc chiến tranh bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.

Đất
Đất "Sen hồng" ngày nay. Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Đường vào Đồng Tháp Mười

Ngày ấy, lần đầu tiên được đi vào Đồng Tháp Mười chúng tôi mới ngớ ra rằng hai cái tên đẹp trong đoạn đầu của bài ca cổ thường được nghe trên Đài Phát thanh Giải phóng: “… Ai qua Nhị Quý về chốn Ba Dừa, nhớ chăng tàu chuối đong đưa…”, lại là các địa danh trên một cung đường giao liên có từ lâu để vào Đồng Tháp Mười từ hướng tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay) vẫn còn được duy trì, cả lúc chính quyền Sài Gòn phản bội Hiệp định Paris tung hết lực lượng cố lấn chiếm nhiều vùng giải phóng của ta đầu năm 1973.

Thời gian này, từ tỉnh Vĩnh Long muốn về R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam), con đường giao liên du kích gần nhất là từ các “đầu cầu” ở huyện Châu Thành hay Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) vượt sông Cửu Long để vào Đồng Tháp Mười bằng ngã Kiến Phong rồi qua Campuchia vòng đến R đang đóng ở vùng biên giới tỉnh Tây Ninh.

Nhưng cung đường này đã bị tắc do bị địch phát hiện đánh phá, thế nên muốn về R chúng tôi phải đánh một vòng cả tháng trời từ tỉnh nhà xuống tỉnh Trà Vinh vượt sông Cổ Chiên qua tỉnh Bến Tre rồi lại vượt sông Cửu Long đến tỉnh Mỹ Tho mới đến được Đồng Tháp Mười.

Đồng Tháp Mười tiếp chúng tôi vào một buổi tối từ cửa ngõ ở vùng Ấp Bắc (thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy)- nơi diễn ra chiến thắng Ấp Bắc vang dội ngày 2/1/1963.

Để đến đó, chúng tôi phải vượt QL4 (QL1A ngày nay) tại một khu vực có nhiều vườn nhãn thuộc xã Nhị Quý cùng huyện.

Ấn tượng Đồng Tháp Mười đầu tiên đối với chúng tôi không phải là các địa danh hay những khu vườn “thơm mùi nhãn chín” được rào cẩn thận bằng dây thép gai tạo cảm giác là lạ khi đi qua, mà chính là nụ cười của một người phụ nữ mà chúng tôi nhận được lúc chập choạng tối khi vượt lộ.

Chị đi vội vã trên đường nhựa ngược lại hướng chúng tôi, mắt nhìn thẳng vào mọi người và nụ cười ấm áp thay cho lời chào.

Có các cơ sở giao liên vững vàng là những người con của vùng đất thép Ấp Bắc- chúng tôi đoán thế qua nụ cười của chị ấy- nên lần đó chúng tôi qua con lộ được địch canh phòng cẩn mật này rất sớm không cần phải đợi đêm đến.

Đồng Tháp Mười quen mà lạ!

Cũng như nhiều vùng giải phóng ở đồng bằng lúc ấy, người dân Ấp Bắc cất chòi ở lại ngoài đồng trong vườn du kích bám trụ. Chúng tôi dừng chân ở một căn chòi bán lặt vặt vài món thiết yếu.

Tại đây, người giao liên dẫn đường đề nghị đoàn chúng tôi chia thành nhiều tổ và bổ sung thực phẩm chuẩn bị cho chuyến đi vất vả ngày mai. Ghép tổ cùng hai người trẻ chúng tôi ở Vĩnh Long đi R học viết báo là ba anh trung niên ở Bến Tre đi học làm công tác nông hội.

Anh lớn tuổi nhất trong tổ người huyện Ba Tri cười khà khà tự giới thiệu: “Tao làm nông hội gần chục năm bây giờ mới… đi học!”, được cả nhóm bầu là tổ trưởng. Chúng tôi mua thêm mì tôm, bột ngọt và pin đèn.

Đến chừng mua thêm gạo đủ cho bốn ngày đường, chúng tôi mới nhớ tổ chưa có nồi lớn để nấu cơm. Thật căng, giữa đồng như thế này ai mà bán nồi? Anh tổ trưởng sáng trí năn nỉ bà chủ chòi nhường lại cái nồi của gia đình. Có lẽ đây chưa phải là lần đầu mua bán thế này nên bà bật cười to rồi gật đầu.

Đêm Ấp Bắc cũng như mọi đêm rong ruổi theo đường giao liên. Sáng ra, không như chúng tôi quen với địa hình trống trải của các vùng căn cứ ở Vĩnh Long, anh ở huyện Bình Đại cùng tổ tỏ ra lo lắng khi nhìn nơi ở chỉ là dải vườn mỏng dính, chủ yếu là trên tràm dưới… sậy.

Anh tổ trưởng cười hê hê trấn an: “Lo chi, vầy mà trận Ấp Bắc địch nó làm được gì…”. Trận Ấp Bắc địch thảm bại ai mà không biết nên mọi người yên tâm lo… cơm sáng. Có đến đây tận mắt thấy trăm bề đều khó, trong chiến đấu càng cảm phục hơn những con người làm nên chiến thắng đó.

Như chuyện nấu cơm thôi cũng khó, nhờ mấy cây tràm nhỏ có cách tồn tại “một lùi hai tiến”- theo anh tổ trưởng- là vào mùa khô một số nhánh tràm chết đi một đoạn đọt để cầm cự thiếu nước.

Qua mùa nước tức thì vọt đọt mới dài gấp đôi bù lại đoạn chết khô, cứ thế tiếp tục lớn lên nên bọn tôi có cái để nấu cơm, vì trên mặt đất các lá tràm, sậy khô đều đã được các đoàn đi trước vét sạch để nấu nướng.

Đêm kế đó quả là một đêm dài vất vả như đã được báo trước. Không thấy địch đâu nhưng cả đoàn phải băng đồng trống trong đêm tối để tránh máy bay chúng dòm ngó.

Thế mà còn phải nhắc nhau cách nghi trang khi bị trực thăng pha đèn tìm đánh. Vượt qua không biết mấy cánh đồng, mấy con kinh có cả đoạn nước sâu buộc phải mím môi thật kỹ để không bị nước nồng nặc mùi cỏ mục lọt vào miệng.

Ai bảo đồng sen đẹp, mùa này lội qua mấy cái bưng sen tàn khổ không gì bằng. Gai sen cào hai mu bàn chân rát rạt, có người còn bị tứa máu kẽ chân.

Có điều an ủi- theo cách tếu táo của cánh giao liên- là nếu có vết thương hay bị bệnh lát thì bảo đảm rất mau lành vì nước phèn này có công dụng hơn cả thuốc sát trùng chính hiệu!

Sáng hôm sau, cả đoàn yên vị trên một bờ kinh, anh tổ trưởng của chúng tôi cũng là người lần đầu tiên đến Đồng Tháp Mười lân la hỏi nhỏ cô giao liên: “Đến Đồng Tháp Mười chưa cô?”.

Cô giao liên chưng hửng: “Trời đất, chú đang ngồi ở bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp của Đồng Tháp Mười rồi đó!” Anh ta vỗ đùi đánh đét một cái: “ Vậy thì tôi đâu có ngán!” Té ra anh ta nghe nói Đồng Tháp Mười thế nào đó đâm ra ớn mà mấy ngày qua cố giấu!

Qua Đồng Tháp Mười vào lúc này khổ nhất là cái vụ thiếu nước sinh hoạt. Sáng ra, nhìn hố bom- đìa nước- trong vắt tận đáy không có lấy một con cá đã thấy lạ, hớp một hớp nước định xúc miệng chưa kịp sục sạt buộc phải phun phèo ngay vì phèn buốt miệng.

Rất tuyệt vời là cái khó này đã được ai đó bày ra cách giải quyết cực kỳ đơn giản: giữa hai cây tràm gần nhau người ta giăng hai hoặc ba cái võng nhỏ bằng vải bao cát Mỹ chứa đầy tro tràm gần như chồng lên nhau.

Khi cần người ta cho nước phèn vào cái võng trên cùng, nước lần lượt lọc qua mấy cái võng đó là dùng được. Nước này pha trà hay nấu cơm tuy hơi bị chua nhưng cũng khá… ngon!

Khi còn ở nhà, nghe nói Đồng Tháp Mười cá nhiều vô kể, mùa khô ở dưới kinh đặc quánh bùn với… cá, có đoàn đi qua phải dồn ba lô để chiết ra vài cái đựng cá ăn hả hê suốt chuyến đi.

Nhưng có lẽ đoàn chúng tôi không gặp may, mấy ngày đi qua Đồng Tháp Mười toàn gặp nước phèn và ăn cơm với cá khô…

Thế nhưng sản vật của Đồng Tháp Mười thì không thiếu. Tôi nhớ trước đêm giã từ Đồng Tháp Mười bằng hành trình qua các cánh đồng ngập nước bằng xuồng ba lá ròng rã cả đêm và nửa ngày tiếp đó đến nơi có tên Ba Thu để vào đất bạn Campuchia.

Tôi được anh bạn chia cho một trái bình bát chín vàng mà anh bẻ được trên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp. Là dân xứ vườn nhưng món bình bát ướp đường đối với tôi lúc đó đúng là… trên cả tuyệt vời!

Đồng Tháp Mười càng kỳ lạ hơn trong chuyến trở lại của chúng tôi vào cuối tháng 4/1974 khi xong khóa học.

Tại trạm giao liên trước khi vào Đồng Tháp Mười bằng con đường cũ qua ngã Ba Thu, đoàn chúng tôi có “biên chế” đủ một tiểu đội, gồm bốn anh nhà báo ở Vĩnh Long và Trà Vinh và tám anh cán bộ tiểu đoàn của các đơn vị ở miền Tây cũng vừa xong khóa huấn luyện.

Anh Năm Nhứt- tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn ở Trà Vinh được chỉ định làm… tiểu đội trưởng. Nhận nhiệm vụ anh cười rất tươi: “Cha mẹ ơi, tiểu đội gì toàn là súng ngắn như vầy làm sao quýnh giặc?”

Được cái anh rất có duyên kể chuyện nên đến đâu đoàn cũng được các cô giao liên dành cho nhiều ưu ái. Lúc đó, ai cũng cảm nhận lực lượng ta đã rất mạnh.

Ở R, có lần chúng tôi thấy được xe tải của ta chạy ban ngày ở Thiện Ngôn hay mỗi lần máy bay địch dội bom, bộ đội ta bắn cao xạ lên trời nổ như pháo bông.

Còn vào Đồng Tháp Mười lần này chỗ nào cũng thấy bộ đội chính quy của ta súng ống kình kình nên ai nấy cũng muốn nhanh chóng về đơn vị…

Chính sự nôn nóng này khiến cả đoàn một lần lâm vào cảnh dở khóc dở cười: tại một trạm giao liên chuẩn bị vượt qua một con lộ chỉ có ba chiến sĩ trực nhưng họ đều đang lên cơn sốt rét. Anh Năm Nhứt quyết định đêm đó đoàn sẽ tự lực qua lộ nếu có ai dẫn đường.

Một chiến sĩ người miền Bắc trên đường trở về đơn vị tình nguyện làm nhiệm vụ ấy. Việc qua lộ dễ dàng nhưng càng đi sâu vào cánh đồng càng rối. Đến quá nửa đêm anh dẫn đường đành thú nhận không còn tìm ra con đường đến trạm kế tiếp.

Với kinh nghiệm chiến đấu, anh Năm lệnh cho cả đoàn tản ra… ngủ tại chỗ, sáng tính. Hừng sáng, vừa mở mắt chúng tôi hết hồn khi nghe tiếng rít "áo áo" từng cơn.

Ai cũng bật dậy khi một người la lên “Chết cha, tiếng xe chạy trên lộ 4”, nhưng rồi cùng cười xòa, thì ra đó là tiếng gió rít qua các ngọn đưng. Đồng Tháp Mười bao la đang trải dài trước mắt…

Chúng tôi tiếp tục nhắm hướng rặng cây mờ mờ phía trước mà đi, đội hình kéo dài ra phòng khi có máy bay thì vạch đưng mà trốn.

Đến gần trưa, gió Tháp Mười vẫn còn mát rượi nhưng lòng chúng tôi nóng như lửa đốt, bởi đi như thế nếu địch phát hiện thì rất nguy hiểm. Bỗng từ giang cây ở chân trời rền vang tiếng đạn đại bác và bừng lên những vệt khói đen.

Bấy giờ anh Năm Nhứt mới cười khơ khớ: “Tổ cha bây, sao bây giờ mới bắn!” Ai cũng vui hẳn lên, bởi nơi địch bắn phá là nơi có lực lượng của ta. Khi được du kích địa phương hướng dẫn đến trạm giao liên mới biết đêm qua chúng tôi đã bỏ qua một trạm.

Đồng Tháp Mười đối với chúng tôi lúc này có khuôn mặt hoàn toàn mới. Những trận mưa đầu mùa đã khiến các cánh đồng xăm xắp nước, cá và rau đồng nhiều đến cả… sư đoàn quân chưa chắc ăn hết. Với đèn pin và dao lê, tôi có thế bắt được cả cá lóc to…

Nhưng đặc sắc nhất lại là thịt chuột, những con chuột được vỗ béo bằng cỏ non, củ năn mập ú, dậm cù một khoảnh hơn sân bóng chuyền một chút cũng bắt được cả chục con đã khiến các con chim trích dạn dĩ cách con người vài thước không thèm sợ đã không vào được thực đơn của chúng tôi.

Có một chuyện “bây giờ mới kể”, không phải là chuyện mỡ chuột thu được đựng đầy mấy hăng gô đủ dùng cho cả đoàn suốt quãng đường về nhà, mà chính là từ… thịt chuột.

Chẳng là cái bao tử của chúng tôi gần cả năm qua vốn dè sẻn với khô cá mối và mắm ruốc trong rừng miền Đông, bây giờ thịt được tống vào thả ga nên nổi loạn khiến ai nấy đều đổ bệnh kiết, nhẩm ra khoảng đường tới lui để mỗi chúng tôi đến nơi tống nó ra tổng cộng có thể dài đến cả…cây số! Chuyện này cũng liên quan đến chuyện bị lạc trong rừng tràm ngập nước.

Có người trong đoàn đi loanh quanh trạm ỷ y như lúc ở quê nhà là lúc trở vào cứ theo dấu nước đục của lần mình đi ra. Xong việc mới tá hỏa là vệt nước đục của lần ra không còn tồn tại lâu trong nước phèn, còn dấu chân thì cái cũ cái mới đi ngang đi dọc biết dấu nào là của mình. Cuối cùng là đành phải hú một hơi dài cầu cứu…

Đồng Tháp Mười ngày ấy đâu chỉ có thế, đậm nét là cái không khí ta là chủ nhân ông tại Đồng Tháp Mười và các vùng ven rất rõ, có thể thư thả treo mình trên võng lắng nghe tiếng giã bàng thình thịch vang rền khắp nơi lúc trời chưa kịp sáng.

Đâu đó có tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ tại các xóm mà chúng tôi mới được nghe tên lần đầu. Trong các xóm này, nghe nói có những chàng rể là thương binh nói giọng Bắc rất được bà con thương yêu và lạ nhất là đội du kích của một xã có cả cối 60 ly lấy được của địch…

Điều này khiến “nhà quân sự” Năm Nhứt mới nghe qua sướng quá lấy nón cối múc một miếng nước dưới ruộng đánh ực một cái mới sực nhớ la lên: “Chết cha, sao dám uống nước đám mạ!”, nhưng rồi lại quên ngay giả giọng ngọng nghệu hát vang “Xe ta bon bon trên dặm đường…” làm các cô gái đứng gần đó cười nắc nẻ…

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)