Nhiếp ảnh Vĩnh Long: Gắn bó cùng hơi thở cuộc sống

Kỳ cuối: Những "ánh chớp vinh quang"

Cập nhật, 07:12, Thứ Hai, 13/06/2016 (GMT+7)

Bản thân sản phẩm nhiếp ảnh đã mang cái “chất” của nghệ thuật, nhằm nắm bắt, lưu giữ và “phản ảnh” cuộc sống, con người dưới một dạng thức khác. Nhưng chỉ có tư duy, cảm xúc có ý thức của tâm hồn nghệ sĩ mới thực sự tạo nên tác phẩm để đời.

Những tác giả trẻ đạt giải của CLB Nhiếp ảnh báo chí.
Bình ảnh cuối năm của CLB Nhiếp ảnh báo chí.

Đó là cái thuở ban đầu của nhiếp ảnh nghệ thuật Vĩnh Long, với những con người dám lăn xả vào cuộc chơi, để mày mò và tìm đến những “ánh chớp của vinh quang”- cái thời tập hợp để hình thành Phân hội Nhiếp ảnh Vĩnh Long. Từ đây hình thành nên đội ngũ cầm máy chuyên nghiệp và thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ.

Đội ngũ cầm máy chuyên nghiệp

Để bắt đầu một cuộc chơi nghệ thuật nào, điều trước tiên đó là sự đam mê, còn muốn phát triển và đi dài lâu cùng nó đòi hỏi phải có năng khiếu, tài năng; sau đó là sự học hỏi và lao động nghiêm túc với nghề.

Riêng đối với nhiếp ảnh nghệ thuật, đòi hỏi không nhỏ ban đầu đó là “sự tốn kém”, kể cả cái thời còn chụp máy phim cho đến ngày nay- khi mà máy ảnh kỹ thuật số (KTS) đã đạt đến một mức độ phát triển mạnh mẽ.

Thậm chí những chiếc iPhone giờ đây cung cấp đầy đủ những chức năng thỏa niềm đam mê chụp ảnh. Vĩnh Long giờ đây đã có những tên tuổi nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) ở tầm quốc gia, quốc tế; bên cạnh đó là lực lượng nhiếp ảnh bán chuyên nghiệp, không chuyên đã tạo nên phong trào nhiếp ảnh phát triển khá cân đối ở đẳng cấp đỉnh cao và phong trào không chuyên.

Ở thời kỳ còn sử dụng máy cơ chụp bằng phim, đòi hỏi người chơi ảnh nhiều kỹ thuật công phu từ sấy hình, rọi ảnh, tráng phim rồi mới học kỹ thuật và sau đó mới học cầm máy, học về bố cục, ánh sáng.

Vào thời kỳ kinh tế khó khăn những năm đầu sau ngày giải phóng, đa số những người cầm máy đều lo chuyện làm kinh tế là chủ yếu, nên lâu lâu có một vài ảnh đẹp kỷ niệm là vui rồi.

Nhiếp ảnh Vĩnh Long thật sự phát triển bài bản kể từ sau khi thành lập Phân hội Nhiếp ảnh, tiếp nối thế hệ đi trước trưởng thành trong kháng chiến như: Trần Lâm, Đoàn Hải Nhân (Phù Sa), Quốc Hội, Vương Trạm,... và những cái tên mới tham gia sau này như: Huyền Thanh, Nguyễn Việt Trường, Dương Thu, Ngọc Hiệp, Nguyễn Văn Cuôn,...

Họ đã có được những tác phẩm tạo nên tên tuổi của mình trong làng nhiếp ảnh khu vực và cả nước. Cùng với đó là lực lượng đông đảo thế hệ cầm máy nổi lên ở cả hai lĩnh vực chuyên đi sáng tác “săn ảnh” và chụp hình kinh doanh.

Từ hơn chục năm nay, đội ngũ cầm máy chuyên nghiệp Vĩnh Long đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ với những NSNA mà đẳng cấp và tên tuổi đã được khẳng định ở tầm quốc gia và thường xuyên có được những giải thưởng lớn, uy tín của quốc tế.

Đặc biệt với sự ra đời của máy ảnh KTS, đã xuất hiện đội ngũ nhiếp ảnh trẻ, năng động, ứng dụng kỹ thuật tốt xử lý ảnh. Những NSNA chuyên nghiệp là đội ngũ tạo nên “thương hiệu” cho nhiếp ảnh Vĩnh Long; đồng thời cũng chính là lực lượng thúc đẩy phong trào sáng tác ảnh phát triển rộng khắp.

Tạo nền tảng cho phong trào

Đóng góp vào phong trào nhiếp ảnh Vĩnh Long, phải kể đến lực lượng phóng viên Báo Vĩnh Long. Ngoài 2 NSNA Nguyễn Vinh Hiển và Dương Thu với mỗi bộ máy hàng trăm triệu đồng, thì hầu hết các anh em phóng viên tùy điều kiện, mỗi người tự trang bị cho mình một máy ảnh, tầm khoảng trên chục triệu đồng đến vài chục triệu đồng, với các dòng máy KTS từ bán chuyên nghiệp đến cận chuyên nghiệp.

Họp mặt ngày truyền thống ngành nhiếp ảnh Việt Nam.
Họp mặt ngày truyền thống ngành nhiếp ảnh Việt Nam.

Có phần khác với nhiếp ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí luôn luôn tôn trọng tính thời sự, gắn với người thật, việc thật, hàm lượng thông tin trong tác phẩm khá đầy.

Đội ngũ nhiếp ảnh báo chí xem như tác nghiệp thường xuyên nhất do nhu cầu chuyên môn, tuy nhiên về tay nghề vẫn còn khá khiêm tốn. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cùng với Chi hội Nhà báo Báo Vĩnh Long và CLB Nhiếp ảnh báo chí mà trong đó đa phần đều có sự tham gia của các tay máy chuyên nghiệp, nên đã tạo lực đẩy cho nhiều phóng viên trẻ ngày càng có ý thức cao về kỹ thuật cầm máy, từ đó cũng đã xuất hiện một số tác phẩm tốt.

Trong đó, có thể kể đến một số phóng viên như: Trần Phước, Khánh Duy, Thanh Liêm, Nguyễn Thịnh, Hùng Hậu, Thanh Tâm, Thúy Quyên,... Họ cũng đã có một số tác phẩm lọt sâu vào các vòng trong ở những đợt bình ảnh đẹp cuối năm do CLB Nhiếp ảnh báo chí tổ chức.

Thành viên của CLB như: Nguyễn Bách Thảo, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thanh Hải, Phạm Trí Nhân, Dương Thu, Huỳnh Thanh Thiện, Trần Nhành, Nguyễn Hoàng Kha, Nguyễn Đức Liêm,… đã có trên 50 tác phẩm đoạt giải thưởng trong tỉnh, trong nước và đoạt 2 giải thưởng cùng 4 tác phẩm triển lãm quốc tế.

Hàng năm, CLB đã tổ chức cuộc bình chọn ảnh đẹp báo chí với từng chủ đề riêng, như: “Tự do”, “Tam nông”, “Nét đẹp Vĩnh Long”, “Quê hương đổi mới”, “Đất nước con người Việt Nam và xây dựng- phát triển nông thôn mới”,... Mỗi kỳ tổ chức có trên 300 tác phẩm màu và trắng đen của các tác giả tham dự.

Ngoài ra, CLB Nhiếp ảnh báo chí còn tổ chức những lớp tập huấn- bồi dưỡng nghiệp vụ, nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho các tác giả- nhất là những gương mặt trẻ; tổ chức những chuyến sáng tác và sau đó về bình ảnh, rút kinh nghiệm.

Đáng quý nhất là nhiếp ảnh người cao tuổi. CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi hiện có gần 30 tay máy, tuy tuổi cao, nhưng đầy nhiệt huyết và luôn là “đàn anh” để các tay máy trẻ học hỏi.

Khác với các lực lượng nhiếp ảnh trong tỉnh, CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi lại là nhóm tổ chức những chuyến sáng tác thường xuyên, thậm chí có những chuyến đi xa sáng tác như: Tây Nguyên, miền Trung, Bắc Bộ, những vùng biển đảo xa hay tận tuyến đầu Tổ quốc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Pác Bó,…).

CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi tổ chức cuộc triển lãm giao lưu hàng năm với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và trở thành sinh hoạt truyền thống trên 10 năm qua.

Trong điều kiện kinh tế hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào lĩnh vực nhiếp ảnh, đã thúc đẩy phong trào phát triển tự phát khá rộng khắp ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi.

Những tác giả trẻ đạt giải của CLB Nhiếp ảnh báo chí.
Những tác giả trẻ đạt giải của CLB Nhiếp ảnh báo chí.

Điển hình ở TP Vĩnh Long đang hình thành một nhóm bạn trẻ, nhiều bạn đang là sinh viên tự thành lập nhóm, tự tổ chức những chuyến sáng tác và mày mò học hỏi. Nhóm hoạt động thường xuyên trên 10 người, do bạn Quốc Việt làm trưởng nhóm.

Họ mong muốn được tham gia vào các hoạt động nhiếp ảnh, các lớp tập huấn chuyên môn để ngày càng nâng cao tay nghề hơn.

Từ đỉnh cao đến phong trào, những người cầm máy ngoài niềm đam mê cá nhân, họ cũng thực hiện nhiệm vụ chính trị tùy vào hoàn cảnh, công tác của mình, góp phần làm đẹp cho đời thông qua những tác phẩm của mình.

Qua hơn 23 năm hoạt động (1993- 2016), CLB Nhiếp ảnh báo chí Vĩnh Long có 46 thành viên, trong đó có 8 NSNA Việt Nam. Năm qua 2015, CLB đã gửi về 17.639 trong số 28.732 tác phẩm báo chí, nhiều hơn năm trước 3.922 ảnh, góp phần cho trang báo giấy và báo điện tử Vĩnh Long thêm phong phú.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- SẮC THÁI