Hạn mặn khốc liệt và các giải pháp

Liên kết vùng, giảm diện tích trồng lúa

Cập nhật, 16:34, Thứ Bảy, 16/04/2016 (GMT+7)

Châu thổ sông Mê Công được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Trái đất càng ấm lên, nước biển dâng, ĐBSCL càng phải đối đầu với ngập, bờ biển bị xâm thực và mặn ngày càng thâm nhập sâu. 

Trong bối cảnh bị đe dọa như vậy, thách thức từ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa buộc ĐBSCL phải có sự thay đổi hợp lý trong sản xuất, tăng cường liên kết vùng để thích ứng với BĐKH.

ĐBSCL sản xuất lúa gạo xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng nông dân vẫn còn khó khăn
ĐBSCL sản xuất lúa gạo xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng nông dân vẫn còn khó khăn

Kinh nghiệm từ Campuchia

Campuchia có diện tích tự nhiên khoảng 18 triệu ha, có khoảng 80% (trên tổng số 14 triệu người) sống dựa vào nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa gạo.

Trong 18 triệu ha đất tự nhiên, họ dành khoảng 3 triệu ha để trồng lúa, trên bốn hệ sinh thái khác nhau: đất đồng bằng, đất miền núi, đất nước sâu và đất được tưới tiêu.

Do nằm trong vùng và chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu châu Á gió mùa (nhiệt độ dao động trong khoảng 21-35oC), nên ở Campuchia, chia thành 2 mùa rõ rệt trong năm: mùa nắng (từ tháng 1 đến tháng 4) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 12).

Ông Proem Ratha, Chủ tịch huyện Stoung, tỉnh Kampong Thom, cho biết: Hạn hán như năm nay chỉ gây khó cho người dân là thiếu nước sinh hoạt hàng ngày chứ không ảnh hưởng gì nhiều tới việc trồng lúa của người dân ở đây.

Theo Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia, lúa gạo được tập trung sản xuất chính là vào mùa mưa, chỉ có một số ít là sản xuất lúa vào mùa khô. Như vụ mùa năm 2015, do thời tiết khô hạn nên sản lượng lúa của Campuchia có giảm nhẹ so với năm trước, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu gạo của nước này.

Vụ mùa vừa qua, Campuchia gieo sạ gần 2,6 triệu ha, do khô hạn nên có khoảng 2.500ha bị thiệt hại, nhưng với năng suất trung bình đạt gần 3 tấn/ha, Campuchia vẫn đạt được mục tiêu tổng sản lượng hơn 7 triệu tấn.

Năm 2015, xuất khẩu gạo của Campuchia ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng gần 100.000 tấn so với năm 2014. Theo kế hoạch, Campuchia phấn đấu xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn mỗi năm, sẽ thu về cho quốc gia này khoảng hơn 2 tỷ USD (khoảng 20% GDP) và ngành sản xuất nông nghiệp hứa hẹn sẽ có thể mang lại nguồn thu cao hơn ngành dệt may trong tương lai.

Vấn đề đáng nói ở đây, chỉ sau một thời gian ngắn, Campuchia có thể bắt gần kịp các “cường quốc” xuất khẩu lúa gạo như Thái Lan, Việt Nam… Theo Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia, sở dĩ họ có sự tiến bộ nhanh như thế là vì biết tập trung sản xuất thuận theo tự nhiên (chỉ làm một vụ chính vào mùa mưa).

Gần đây biết đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất lúa nên năng suất có tăng lên (từ 1,3 tấn/ha năm 1990 lên gần 3 tấn/ha vào năm 2015).

Đặc biệt là họ khuyến khích người dân trồng lúa thơm chất lượng cao để xuất khẩu (với giá cao). Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo, Chính phủ Campuchia sẽ bảo lãnh 50% rủi ro cho các ngân hàng thương mại làm nhiệm vụ cho vay vốn để sản xuất, chế biến và dự trữ gạo…

Bài toán nào cho ĐBSCL?

Nhiều thập niên trở lại đây, ĐBSCL liên tục tăng vụ trong sản xuất lúa, nhất là lúa vụ 3, có lúc lên đến 600.000ha/vụ.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập), việc xây dựng rất nhiều đê bao khép kín trong các năm qua để sản xuất lúa vụ ba trong hai túi chứa nước Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm hai túi này không chứa được nước nữa.

Chính việc không chứa được nước, cho nên nước tìm nơi khác, gây ngập lụt nghiêm trọng ở những vùng ngoài đê bao và thoát ra biển nhanh hơn. Hậu quả của việc này là vào mùa khô, hai túi nước này không có nước để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu như quy luật trước đây, và do đó, không thể đẩy mặn trong mùa khô. 

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết giảm diện tích đất trồng lúa từ 3,22 triệu ha xuống còn gần 3,13 triệu ha, như vậy, bài toán sản xuất lúa ở ĐBSCL sẽ được tính như thế nào trong bối cảnh hạn, mặn khốc liệt? 

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Kinh tế (BCĐ Tây Nam bộ) đề xuất: Về lâu dài, để thích nghi với điều kiện BĐKH, hạn, mặn, trước hết cần tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất trong việc thực hiện chủ trương giữ 3,13  triệu ha đất trồng lúa.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL), các cấp cần có sự quan tâm hơn trong đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng trên ba cấp độ, nhằm góp phần tăng cơ hội sinh kế cho người dân, giúp sử dụng tài nguyên hợp lý trước tác động biến đổi khí hậu cũng như thời tiết cực đoan và tái cơ cấu nông nghiệp vùng trong giai đoạn ngắn hoặc trung hạn.

Ở cấp độ 1, đầu tư về giải pháp sinh học là tạo giống cây con thích ứng thời tiết cực đoan, có thị trường tiêu thụ. Ở cấp độ 2, cần thực hiện sâu rộng hệ thống canh tác theo vùng sinh thái gắn chuỗi giá trị ngành hàng.

Cấp độ 3 chính là đẩy nhanh đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra trên địa bàn.

Song, để làm được những phương án trên, một yêu cầu mang tính tất yếu đối với chúng ta hiện nay là phải thực hiện tốt “liên kết vùng”. Đây là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn và lâu dài, cần có tầm nhìn dài hạn, nhưng cũng cần những hoạt động cấp bách trong ngắn hạn.

Tầm nhìn dài hạn và bức xúc trước mắt cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai và nhân tai thì “liên kết vùng” chặt chẽ và phối hợp liên tỉnh cần được xem là yêu cầu quyết định.

Vì như thế sẽ nâng cao được sứng chống chịu, thích ứng trước biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ diễn ra thường xuyên hơn, gay gắt hơn trong thời gian tới.

* Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), dù đã có dự báo từ rất sớm nhưng Cục trồng trọt cũng không lường được cường độ El Nino khiến hạn và xâm nhập mặn lại khốc liệt như hiện nay. Để ứng phó với hiện tượng thời tiết trên, Bộ NN-PTNT đã đưa ra hai giải pháp. 

Một là, bộ đưa ra quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn của ĐBSCL cho riêng năm 2016.

Ngoài ra, bộ cũng đưa ra một loạt giống chịu được hạn, mặn, kết hợp với các biện pháp canh tác, phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho lúa. Vụ xuân hè bộ đã khuyến cáo và chỉ đạo các địa phương không được để nông dân xuống giống, kể cả những vùng không bị xâm nhập mặn. 

Hai là xây dựng các công trình thủy lợi để tích nước ngọt, ngăn mặn, kết hợp với trồng rừng. Tuy nhiên, đây là biện pháp rất tốn kém, theo ước tính phải cần khoảng 34.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp bách. 

Đồng thời, với hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay, bộ cũng sẽ phải rà soát lại quy hoạch sản xuất để đưa ra những kịch bản về nước biển dâng, xâm nhập mặn và hạn hán. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016.

 

Theo SGGPO