Cây bàng đá cổ thụ ở Sóc Trăng hiện ra sao?

Cập nhật, 12:44, Thứ Bảy, 09/04/2016 (GMT+7)

 

Gốc bàng đá “cái”.
Gốc bàng đá “cái”.

 

Chúng tôi trở lại ấp Phụng Từ 1 (xã Song Phụng, huyện Long Phú- Sóc Trăng) để tìm hiểu sự tồn tại của cây bàng đá “cái” đã trên 700 năm tuổi.

Năm 2014, chúng tôi đã đến đây để chứng kiến việc đốn hạ cây bàng đá “đực” bị chết khô rất đáng tiếc do không được chăm sóc chu đáo. Cả hai cây cổ thụ này nằm bên cạnh đình Phụng Tường.

Ông Mai Kiên (66 tuổi ngụ Khóm 2, Phường 5- TP Sóc Trăng) người đã có 42 năm làm nghề kinh doanh gỗ là người đã mua gốc cây bàng chết khô này với giá 35 triệu đồng. Riêng tiền công đốn hạ, vận chuyển từ đình về nhà khoảng 17km là 15 triệu đồng. Quãng đường ngắn, song phải mất 8 tiếng mới hoàn thành việc vận chuyển cây.

Ông Kiên cho biết: “… Đốn hạ, vận chuyển gốc cây khô này rất vất vả vì tàng cây và bộ rễ quá lớn, phải dùng phương tiện cơ giới hạng nặng mới thực hiện được...”.

Còn theo nhiều người dân cố cựu tại đây, đến nay chưa ai xác định được 2 cây bàng đá tại ấp Phụng Từ 1 bao nhiêu năm tuổi. Riêng các nhà khoa học chuyên ngành đến tận nơi nghiên cứu cho rằng 2 cây bàng đá này trên 700 năm tuổi.

Cây bị đốn hạ là cây “đực”, cao khoảng 40m, chu vi cây trên 10m, bộ rễ trên 18m. Sau khi cắt ngọn, thân cây khô còn lại 17m, chu vi trung bình 8m. Năm 2012, cây này bị chết khô do bơm cát khi thi công một công trình giao thông.

Dù được các ngành hữu quan dùng nhiều biện pháp cứu cây nhưng không thành công nên cây chết khô, sau đó ông Mai Kiên mua lại gốc cây “đực” này với mục đích điêu khắc trên rễ cây. Cây “cái” còn lại có hình dáng tương tự vẫn đang sống.

Sau khi đốn hạ cây “đực” (năm 2014), đã có thương lái đến ngã giá 2 tỷ đồng mua cây “đực”, nhưng ông không bán. Chứng kiến tận mắt, chúng tôi thấy bộ rễ khổng lồ có hình thù rất lạ, mang dáng dấp cọp, rùa, rắn; các biểu tượng về đức Phật Thích Ca, Phật bà Quan Âm...

Ông Kiên đã thuê nhân công lột vỏ và nhờ những nhà điêu khắc gỗ chế tác theo những ý tưởng của mình trong thời gian 18 tháng với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để làm kỷ vật riêng cho gia đình. Hiện nay công trình điêu khắc của ông sắp hoàn thành.

Riêng về cây bàng đá “cái”, theo ghi nhận của chúng tôi đã có dấu hiệu “xuống cấp”, khô cằn rất nhiều so với 2 năm trước, đặc biệt trong thời tiết khô hạn, nắng nóng, nước mặn xâm nhập như hiện nay.

Ông Hà Từ Lang (ấp Phụng Từ 1) bức xúc nói: “… Nếu không có biện pháp bảo quản tốt thì cây cổ thụ quý hiếm này sẽ cùng chung số phận với cây bàng đá “đực”. Nếu vậy thì tiếc lắm…”

Vấn đề đặt ra là làm sao bảo vệ được cây bàng đá còn lại. Cây này liệu có đủ chuẩn để được công nhận tiêu chuẩn “Cây di sản Việt Nam”? Câu hỏi này đang chờ các nhà khoa học nghiên cứu, xem xét.

Bài, ảnh: SONG ANH