Bất ngờ Trường Bắn!

Cập nhật, 06:53, Thứ Bảy, 19/03/2016 (GMT+7)

Xem báo, tôi thấy Trường Bắn đang “thay da đổi thịt”, có tổ hợp tác “Chung sức thoát nghèo”, có nhiều tấm gương nông dân thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, có người đại diện chính quyền phát biểu rất tâm huyết v.v… Tôi lấy máy ảnh bỏ túi, đi vô Trường Bắn.

Hàng me cổ thụ tại Trường Bắn.
Hàng me cổ thụ tại Trường Bắn.

Biết tôi chuẩn bị vô Trường Bắn, bà chị nhà tôi khéo léo bàn ra:

- Chỗ súng đạn, vô đó làm gì…

Tôi giấu nụ cười hiền và lên xe nổ máy…

Không còn khó khăn như trước đây, đường từ TP Trà Vinh hoặc từ TX Duyên Hải đến Trường Bắn bây giờ đều là đường nhựa. Không phải những tấm gương “Chung sức thoát nghèo” mà hàng cây me cổ thụ đã bất ngờ lôi cuốn sự chú ý của tôi khi vừa đặt chân vào Trường Bắn. Tôi cho xe chạy tới chạy lui mấy lượt vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên vừa để đếm những cây me. Bất ngờ thay, có cả thảy 40 cây me cổ thụ cành lá xum xuê mà cây nào cũng có vòng tròn hai người ôm chưa giáp. Bất ngờ của tôi đối với hàng cây me cổ thụ ở Trường Bắn là vì đường 19 Tháng 5 được mang tên đường Hàng Me danh giá ở TP Trà Vinh cũng chỉ còn vỏn vẹn 18 cây me cổ thụ, 58 cây me còn lại mới được trồng dặm sau này.

Cách đây 40 năm, tôi có việc vào Trường Bắn đã thấy hàng me cổ thụ này xanh tốt. Tôi cố tìm hiểu xem hàng me ở Trường Bắn được trồng từ bao giờ mà “bề thế” vậy, nhưng người dân trong Trường Bắn đều lắc đầu, không ai biết. Tôi hỏi ông Dương Văn Hai (77 tuổi) chủ một ngôi nhà bên hàng me cổ thụ:

- Hàng me này bây giờ thuộc của ai đây, thưa ông?

Ông cụ đáp:

- Thuộc của Nhà nước chú à. Cây đứng trên đất ai, người đó hái trái. Mấy năm trước, mỗi năm một cây me có chừng mười mấy giạ trái, bán có tiền lắm. Vài năm nay, me ít trái rồi. Đất nhà tôi có được 4 cây. Thương lái đến hỏi mua hoài, sáu, bảy trăm ngàn một cây me cổ thụ nhưng chánh quyền nói phải để dành lại.

Đang chuẩn bị bơm nước chống hạn cho lúa, anh Trịnh Văn Hoàng (56 tuổi), ở Trường Bắn ngồi kể:

- Má tôi (bà Trịnh Thị Diệp- NV) 81 tuổi. Bà mất năm 2015. Bà thường hay kể lúc bà ngoại tôi mới về làm dâu ở Trường Bắn, đã thấy hàng me này nó to vậy rồi.

Bà Lâm Thị Thòng (77 tuổi) sinh ra tại ấp Trường Bắn, kể:

- Má tôi nói hồi bà còn con gái đã thấy hàng me này xum xuê trước ngõ, trái sai oằn, còn ai trồng bà cũng không biết.

Nhìn hàng me cổ thụ ở Trường Bắn, tôi thầm cảm phục. Tổ tiên ta trồng hàng me này lâu lắm rồi, lại trồng trên một vùng đất giồng cát cu ki giữa khu rừng vắng hoang vu, căn cứ luyện binh của nghĩa quân Đề Triệu, không có bóng dáng của đô thị, con người còn chưa biết mặt chiếc xe hơi. Vậy mà cho đến những trăm năm sau, thế hệ con người hiện tại làm đường nhựa vô Trường Bắn thì khoảng cách hai hàng me ấy vẫn đủ rộng cho hai chiếc xe hơi qua mặt.

Đường dây tải điện 500KV trình Duyên Hải- Mỹ Tho đi qua Trường Bắn.
Đường dây tải điện 500KV trình Duyên Hải- Mỹ Tho đi qua Trường Bắn.

Vô Trường Bắn, tôi còn nghe kể câu chuyện tình yêu vô cùng lãng mạn rằng: Hồi Trường Bắn chưa có điện, vào một buổi chiều tối, tiễn bạn trai ra xã đội dự lễ hội tòng quân, cô gái Trường Bắn vốn quen ruộng rẫy ngày nào đã đứng chờ dưới gốc me đầu xóm, e thẹn đưa cho chàng trai chiếc khăn tay và mảnh giấy trong đó nắn nót ghi dòng chữ giải bày:

Anh đi nghĩa vụ hai năm

Hàng me Trường Bắn vẫn

âm thầm nhớ anh

Bông me trắng nhỏ hiền lành

Trái me chua nhớ, ngày

chúng mình chơi chung!

Biết chuyện, một tác giả là giáo viên ở xã Thạnh Hòa Sơn (Cầu Ngang) đã thức nhiều đêm cần mẫn chuyển nội dung mấy câu thơ của cô gái thành bài ca vọng cổ “Bông me trắng” gửi đài phát thanh. Nghe hát trên radio, ở Trường Bắn ai cũng thích.

Hiện nay nhân dân Trường Bắn đang trong quá trình xây dựng khu dân cư tiên tiến. Các thiết chế về cuộc sống hiện đại từng bước được xây dựng. Các yếu tố về tâm linh như chùa, miễu ở Trường Bắn được nhân dân góp vốn sửa sang trang hoàng. Còn hàng me cổ thụ luôn là niềm tự hào, là điểm tựa tinh thần của các thế hệ người dân Trường Bắn.

Trong quá trình đi lên cuộc sống hiện đại, mong sao người dân Trường Bắn cũng như chính quyền sở tại luôn giữ ý thức “thủ cựu nghinh tân”, cố gắng giữ gìn hàng me cổ thụ ấp mình như báu vật của lớp người đi trước! 

Tuy nằm trong xã nghèo Thạnh Hòa Sơn (Cầu Ngang) nhưng nhân dân ấp Trường Bắn đang cùng nhân dân các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang chung lưng “cõng” đường dây tải điện cao thế 500KV từ Trung tâm Điện lực Duyên Hải về Mỹ Tho, góp phần cho ĐBSCL thêm tỏa sáng.

 

Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN