Nghệ nhân ưu tú Tiểu Yến: "Mỗi bài hát là một bài thơ"

Cập nhật, 08:27, Thứ Bảy, 12/03/2016 (GMT+7)

Là một trong những truyền nhân của danh cầm Ba Đờn- mặc dù nghệ nhân Ba Đờn không muốn con mình theo nghiệp đờn ca, nhưng “cái nghiệp duyên đờn ca tài tử” đã ăn sâu vào huyết quản của những đứa con, để rồi giờ đây đã có những người cũng trở thành nghệ nhân xuất sắc như ông ngày xưa. Trong đó, có Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hào với nghệ danh Tiểu Yến.

Nghệ nhân ưu tú Tiểu Yến (bìa phải) trong một buổi tập luyện cùng CLB.
Nghệ nhân ưu tú Tiểu Yến (bìa phải) trong một buổi tập luyện cùng CLB.

Trau chuốt từng ca từ

Vừa là thành viên nòng cốt của CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT) huyện Vũng Liêm, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long và là người được biết đến với biệt tài xuất khẩu thành thơ, còn trong sáng tác lời mới cho bài ca tài tử thì mỗi câu hát do ông sáng tác là một câu thơ, mỗi bài hát là một bài thơ.

Nghệ nhân ưu tú Tiểu Yến tâm sự: “Được sinh ra trong gia đình “nhà nòi” có truyền thống ĐCTT, nên tôi sớm có điều kiện tiếp cận với loại hình nghệ thuật này trong những lần rót nước, pha trà cho nghệ nhân Ba Đờn và bạn của ông đến nhà giao lưu ĐCTT. Từ đó, tôi am tường được 20 bài bản Tổ của nghệ thuật này”.

Giai đoạn 1970- 1980, phong trào ĐCTT ở Nam Bộ chưa phát triển mạnh bằng sân khấu cải lương, để phù hợp với xu thế, nghệ nhân Tiểu Yến đã vận dụng trong 20 bài bản Tổ ĐCTT sáng tác thành những vở cải lương, nhưng vẫn thể hiện được “hơi thở” của làn điệu ĐCTT như vở Lục Vân Tiên, Nguyên soái Bình Tây… có lồng vào đó điệu Xuân tình, Tây Thi, Lưu thủy trường, Bình bán, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung.

Theo ông, đây cũng là cách hay để truyền tải, quảng bá loại hình ĐCTT đến với người mộ điệu, góp phần thúc đẩy cho phong trào ĐCTT ở địa phương từng bước lớn mạnh và được nhiều khán giả biết đến.

Đến khoảng năm 1990 trở về sau, phong trào ĐCTT được mọi người đam mê và cũng dần trở nên phát triển rộng rãi trong đời sống xã hội, nghệ nhân Tiểu Yến bắt đầu viết lời mới cho nhiều tác phẩm ĐCTT, mà trong số đó có những tác phẩm để đời, trở thành một “gia tài” riêng đóng góp lớn vào phong trào chung của địa phương.

Đặc biệt, với tài xuất khẩu thành thơ, ông đã biết sáng tạo, áp dụng thi ca vào sáng tác lời mới cho các bài ĐCTT, có trên 50 tác phẩm ra đời theo lối này. Theo nghệ nhân Tiểu Yến, để tác phẩm của mình luôn lắng đọng trong lòng khán giả dài lâu, giúp mọi người dễ nghe, dễ hát thì trước khi sáng tác ông phải nghĩ ra lời thơ để gắn kết thành câu thơ.

Câu thơ đó phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu mà vẫn phản ánh đủ những thông tin mình muốn gửi gắm vào bài hát. Những câu thơ được ông sử dụng trong sáng tác lời mới rất đa dạng, nào là thất ngôn tứ tuyệt, lục bát…

Điển hình của hình thức sáng tác này là bài ca cổ “Tình yêu xóm lưới”, đây là bài ca nói về tình yêu của đôi trai gái làng chài mà khi hát lên người nghe cảm nhận được ẩn trong lời thơ, lời ca là một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, sâu đậm.

Quan trọng hơn, những sáng tác của ông đã đáp ứng, phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị, sự kiện trọng đại ở địa phương, nổi bật với tác phẩm “Trời mưa tháng 6” (vọng cổ nhịp 16), “Chiến công đầu tiên” (Bình bán chấn), “Những công trình tiêu biểu” (điệu Long ngâm), “Đồng bằng phát triển bền lâu” (điệu Đảo ngũ cung), “Vũng Liêm nữ kiệt” (điệu Lưu thủy trường), “Nam Kỳ khởi nghĩa” (điệu Nam xuân), “Lê Cẩn- Nguyễn Giao” (điệu Xàng Xê)…

Vun bồi nghệ thuật ĐCTT

Các tác phẩm lời mới ĐCTT của nghệ nhân Tiểu Yến không chỉ đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đam mê nghệ thuật ở địa phương, mà còn được đoàn văn công của huyện Vũng Liêm dàn dựng biểu diễn, tham gia các hội thi, liên hoan ở huyện, tỉnh, góp phần cho phong trào ĐCTT ở huyện hồi sinh, phát triển mạnh.

Hơn thế nữa, nhiều bài trong số này của nghệ nhân Tiểu Yến được các đài phát thanh của địa phương, khu vực ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh sử dụng phát sóng trong các chương trình ĐCTT.

 Nghệ nhân ưu tú Tiểu Yến (bìa phải) cùng với em trai Nghệ nhân ưu tú Quốc Trạch.
Nghệ nhân ưu tú Tiểu Yến (bìa phải) cùng với em trai Nghệ nhân ưu tú Quốc Trạch.

Ngoài sáng tác lời mới theo 20 bài bản Tổ truyền thống, nghệ nhân Tiểu Yến còn sáng tác nhiều bài mới từ các bài bản khác của ĐCTT, chẳng hạn bài “Tư Mã tương tư” (theo điệu Trường tương tư), “Tiếng sáo Trương Chi” (điệu Văn thiên trường), “Thà làm quỷ nước Nam” (điệu Bình sa lạc nhạn)…

Không chỉ dừng lại ở sáng tác lời mới cho nghệ thuật ĐCTT, ông còn tìm hiểu, nghiên cứu và sử dụng được một số loại nhạc cụ truyền thống phục vụ cho việc sáng tác, trong đó có đờn kìm, đờn cò, đờn sến, đờn gáo, ghi ta phím lõm.

Qua hơn 60 năm học hỏi, đam mê, nghệ nhân Tiểu Yến đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho nghệ thuật ĐCTT, như là đáp lại công ơn trời biển của nghệ nhân Ba Đờn truyền dạy lại cho ông và các em của ông. Đó còn là những đóng góp không hề mệt mỏi của ông, nhằm góp phần cho nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, trong đó có Vĩnh Long được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

 

 

Nghệ nhân Tiểu Yến tâm niệm: ĐCTT là loại hình nghệ thuật bác học, nhưng song song với đó nó truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của người dân lao động, phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của đời sống xã hội, có thể nói đây là loại hình nghệ thuật hay, “độc nhất vô nhị” ở Nam Bộ. Cảm khái trước sự độc đáo này, ông đã sáng tác bài “Cung đàn tri âm”, có câu rằng: “Một dây độc huyền chuyển rung trời đất/Tinh túy bao đời gom lại Dạ cổ hoài lang”.

 

 

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- MINH TÂM