Trung Thành Tây- chan chát mùa khát

Cập nhật, 07:36, Chủ Nhật, 10/04/2016 (GMT+7)

 

“Nguồn nước” sinh hoạt của gia đình chú Tám và chị Hương cũng cạn xìu giữa các liếp vườn.
“Nguồn nước” sinh hoạt của gia đình chú Tám và chị Hương cũng cạn xìu giữa các liếp vườn.

Dưới cái nắng gay gắt, chúng tôi đi từ Rạch Ất xuyên cánh đồng vừa mới thu hoạch lúa khô khốc cuống rạ để đến “mấy xóm đồng khát nước”- như cách nói của anh Bùi Văn Út- Trưởng ấp Trung Hậu (xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm), bởi “ở đây bà con khó nước sạch dữ lắm”.

Nước sạch bây giờ đang là thứ quý hiếm nên nhiều hộ dân khẳng định “ai xin cơm thì cho, chớ xin nước chưa chắc cho đâu”.

Do ảnh hưởng hạn, mặn, hầu hết người dân Vũng Liêm được dự báo sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Nước ao mương…cạn xìu

Chị Đặng Thị Quế Hương ở Tổ 5 cho biết, gia đình dùng nước ở con mương nhỏ trước nhà. Trước nó rất cạn, năm nay nhờ nạo vét nên đến giờ vẫn còn chút nước để xài.

Con mương lấy nước từ Rạch Ất bằng đường nước nhỏ nhưng đường nước giờ đã khô queo, nước không vào được nên mương mỗi ngày một cạn, đục ngầu nên xách lên lu lóng phèn chỉ để rửa ráy. Ăn uống phải mua nước đóng bình, còn tắm giặt bơm nhờ nước mương của hàng xóm vào 2 cái lu.

Theo đường ống, chúng tôi tới cái mương chị Hương bơm nước nhờ của nhà chú Bùi Văn Tám. Chú Tám nói “gia đình nó ngại nên cũng ít bơm nhờ”. Hóa ra, cái mương đặt máy bơm mà 2 gia đình lấy nước dùng sinh hoạt, cũng chỉ là mương vườn nhỏ, cạn xìu chưa tới đầu gối.

Chỉ 3 cái lu xi măng lớn, chú Tám bảo: “Mùa khô khát nước chan chát. Nước mưa hết từ tết rồi, phải bơm nước mương lên lóng phèn, xử lý xài thôi”. Mà muốn “bơm nước phải chờ thời cơ, khi cống xả nước vô”- nhưng giờ đang mùa thu hoạch lúa nên nước gần như không vô đồng.

Theo kinh nghiệm của chú Tám, người ở “xóm đồng” mỗi năm có 3 vụ lúa, nên những thời điểm sạ lúa và lúa chín thường không có nước sạch.

“Người dân ở đây bức xúc nhất chuyện nước nôi”- Trưởng ấp Bùi Văn Út bảo vậy rồi đưa chúng tôi qua “xóm đồng khát nước” khác. Trời nóng như đổ lửa, lúa vừa thu hoạch xong, chúng tôi chạy xe máy trên ruộng để vào “xóm đồng” có 7 nóc nhà thuộc Tổ 8.

Chú Hai Nửa (Bùi Văn Hòa) chưa kịp chào xã giao đã “nói thiệt, kêu chú tắm không dám tắm đâu”, để bắt đầu câu chuyện “nước nôi ở đây khó dữ lắm”.

Cái ao bên nhà cạn nước đục ngầu chỉ để vịt tắm, chú Hai Nửa nói phải bơm nhờ nước từ mương vườn cách nhà chừng 50m, nhưng “nó cũng lạng rồi, tui tính chừng 15 ngày nữa xóm này phải ra đập Rạch Ất múc nước can về xài”.

Vì sử dụng nước trong mương, ao tù, nên chú Hai Nửa cho biết tiền xử lý nước hàng tháng khoảng 40.000- 50.000đ. Nước sinh hoạt đã khó, nước chăn nuôi càng khó nên “tháng này tui bán gà, vịt hết. Tui nói thiệt mấy chú, ở đây xin cơm thì cho, chớ xin nước chưa chắc người ta cho đâu, vì nước rất là hiếm hoi”.

Trưởng ấp Bùi Văn Út thống kê toàn ấp có trên 200 hộ, chỉ khoảng 50 hộ có nước máy sử dụng, còn lại hầu hết trữ nước mưa trong lu, kiệu. Năm nào cũng vậy, tháng 3, 4 nước nôi ở đây rất khắc nghiệt, thậm chí có hộ ở Tổ 8, Tổ 9 phải moi cái khoảnh nhỏ trên ruộng để
lấy nước.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân- Cán bộ nông nghiệp xã Trung Thành Tây, khoảng 80% hộ dân của xã sống trong kinh rạch, tuy hộ nào cũng có lu, kiệu, bể chứa nước mưa dự trữ ăn uống trong mùa khô, nhưng nước sạch vẫn rất khó khăn. Nhất là hộ dân ở các ấp Hòa Hiệp, Trung Hậu, An Hòa, Trường Thọ… do đang mùa thu hoạch, cày ải nên khả năng ít nhất 1 tháng nữa mới có nước vô đồng.

Trong cống lo ô nhiễm, ngoài cống lo mặn

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhân, xã Trung Thành Tây hiện có 2 hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân. Hệ thống do Công ty TNHH 1TV Cấp nước Vĩnh Long cung cấp cho bà con ấp Hòa Nghĩa và một phần Trung Hậu và đang đầu tư 2 đường ống dự kiến cung cấp nước cho 200 hộ dân ấp Quới Hiệp, Tân Hiệp.

Còn hệ thống do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Vĩnh Long đầu tư từ năm 2014, cung cấp nước sạch cho 2 xã Trung Thành Tây và Quới An. Trong khi hệ thống này góp phần giúp 50% hộ dân xã Quới An có nước sạch sử dụng, thì ở xã Trung Thành Tây chỉ khoảng 80 hộ dân ở ấp An Hòa, Trường Thọ được hưởng lợi.

“Mòn mỏi trông cây nước”- đó là mong ước của rất nhiều người dân ở những khu vực này. Hầu hết những người dân chúng tôi gặp quanh khu vực Rạch Ất- con rạch cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt của ấp Trung Hậu và lân cận, đều bày tỏ lo ngại nguồn nước trên rạch này ô nhiễm, vì “tắm thường bị nổi mận”. Nguồn nước ô nhiễm, người dân lo ngại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Gia đình chị Hương sử dụng nước ở cái mương nhỏ, nước cạn, đục ngầu.
Gia đình chị Hương sử dụng nước ở cái mương nhỏ, nước cạn, đục ngầu.

Không chỉ người dân ở “xóm đồng” khát nước, mà theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, trọn tháng 2 và giữa tháng 3 âl năm nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân càng rất khó khăn.

Vì khi ảnh hưởng mặn xâm nhập với độ mặn cao thì các trạm cấp sẽ ngưng hoạt động, dẫn đến hầu hết người dân trong huyện sẽ thiếu nước sinh hoạt- đặc biệt là ở thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Đông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Tây, Quới An và Trung Hiệp, do độ mặn khu vực này rất cao so các khu vực còn lại.

Và trong khi người dân ở nội đồng lo thiếu nước sạch, thì người dân ở gần sông lớn cũng… lo mặn lên nữa.

Cô Bảy Hưng ở xã Trung Thành Tây rầu rầu lo vườn cây ăn trái dù đã được “bí bộng, mặn không vô được, nhưng chỉ hơi hơi thôi cũng ảnh hưởng lắm. Vườn nắng khô nhưng cũng không dám tưới vì sợ mặn. 50 gốc măng cụt mọi năm đầy trái, năm nay không biết có thu được 5kg? Hơn chục công chôm chôm đang có trái, tui rầu lo nó có ruột hay không?”

Chú Sáu có vườn cạnh bên cũng bảo “măng cụt năm nay móc bọc rồi. Nhiễm mặn nên không có trái nào”. Và dự báo: “Chắc nước mặn sắp lên nữa. Vì chiều qua tui tắm nghe mặn mặn rồi”.

 

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vũng Liêm, hạn và xâm nhập mặn gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng hầu hết diện tích đất nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 45.226 hộ dân, có 43.565 hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 28.572 hộ sử dụng từ các trạm cấp nước.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC