Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Vài vấn đề cần sửa đổi, bổ sung

Cập nhật, 09:27, Thứ Tư, 26/10/2016 (GMT+7)

Qua 6 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.

Những tác dụng tích cực của Luật Giao thông đường bộ là điều không thể phủ nhận nhưng cũng cần sớm chỉ ra những tồn tại, vướng mắc của luật cũng như hướng sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp với tình hình thực tế, luật pháp quốc tế và những công ước về giao thông đường bộ năm 1968 và công ước về biển báo- tín hiệu đường bộ để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế là điều cần thiết, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của xã hội.

Cần đưa đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ để có sự quản lý, bảo trì... Ảnh: HÙNG HẬU
Cần đưa đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ để có sự quản lý, bảo trì... Ảnh: HÙNG HẬU

Tồn tại, vướng mắc

Có thể nhận thấy, các văn bản hướng dẫn thi hành luật ban hành chậm so với hiệu lực của luật, nhiều văn bản tính khả thi chưa cao, thiếu sự ổn định; ý thức của người tham gia giao thông nói chung còn thấp, tình trạng ùn tắc giao thông và TNGT có giảm nhưng vẫn cao.

Về công tác quy hoạch, tính dự báo chưa cao; nhiều đô thị chưa đảm bảo quy định về tỷ lệ phần trăm diện tích đất dành cho đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, tính kết nối và tính đồng bộ chưa cao;

đặc biệt các vùng nông thôn, vùng miền núi. Việc tổ chức giao thông nhiều nơi còn bất hợp lý, trong đó có hệ thống biển báo hiệu, công tác thẩm định ATGT chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng sử dụng trái phép hành lang ATGT đường bộ còn phổ biến. Nguồn kinh phí từ

Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện công tác bảo trì hệ thống quốc lộ đáp ứng được 45% nhu cầu, đối với đường địa phương còn khó khăn hơn.

Vận tải đường bộ đảm nhận tỷ trọng lớn (90%), phương tiện cá nhân tăng mạnh; vận tải công cộng (đô thị) chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chưa bao quát được hết địa bàn và thời gian, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế.

Sửa đổi luật phải đảm bảo sự tương thích với Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 và Công ước về biển báo- tín hiệu đường bộ

Cần thiết bổ sung các quy tắc giao thông của Công ước, phù hợp với thực tế Việt Nam nhưng chưa được quy định như vị trí đường xe chạy, quy tắc đi bộ...

Đồng thời bổ sung hành vi cấm người điều khiển ôtô sử dụng di động vì hiện tại không có điều luật quy định hành vi này nhưng tại Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ- CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về công tác xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định:

Hành vi người điều khiển ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 600.000- 800.000đ, chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2017 nên việc bổ sung là vô cùng cần thiết. Hay như cần bổ sung quy định bắt buộc phải thắt dây an toàn tại tất cả các vị trí trên ôtô; bổ sung quy tắc cho người đi xe đạp (2 hoặc nhiều hàng tùy thuộc vào điều kiện tổ chức giao thông…);

sửa đổi các hạng giấy phép lái xe và mẫu giấy phép lái xe quốc gia; xem xét các nội dung khác như hệ thống báo hiệu đường bộ, điều kiện, kỹ thuật của phương tiện, ký hiệu quốc gia trên xe rơ moóc.

Sửa đổi các nội dung chưa phù hợp với thực tế

Cần sửa đổi các quy định về chính sách phát triển với đặc thù chuyên ngành đặc biệt là về xã hội hóa dịch vụ hành chính công, quản lý, khai thác hạ tầng giao thông;

quy định các vấn đề liên quan đến đường cao tốc (hiện nay chỉ có một điều về quy tắc, các nội dung khác được quy định ở nghị định); sửa đổi, bổ sung các khái niệm để đảm bảo cách hiểu thống nhất giữa các luật như trọng lượng, tải trọng, khối lượng, người điều hành vận tải...

Xem xét việc phân loại đường bộ (hiện nay chưa đề cập đến đường giao thông nông thôn); các quy định về quy tắc giao thông cần điều chỉnh để hiểu thống nhất như sử dụng làn đường; lùi xe, dừng đỗ; xe kéo theo xe khác, vật khác. Bổ sung đầy đủ các nội dung của công tác bảo trì đường bộ (phù hợp với thực tế và Luật Xây dựng).

Về giấy phép lái xe: Hiện nay phân hạng theo số chỗ ngồi trong khi thực tế có chỗ đứng, nằm; chưa quy định cách quy đổi tương đương.

Nghiên cứu quy định phân loại theo số tự động và số sàn; hiện chỉ có quy định trách nhiệm đối với lái ôtô vận tải hành khách, chưa có quy định trách nhiệm đối với xe vận tải hàng hóa; bổ sung trách nhiệm của chủ phương tiện, hiện chỉ dừng lại trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa khi yêu cầu người làm công thực hiện trái quy định;

một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang được quy định tại nghị định chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định Hiến pháp năm 2013;

một số quy định về trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, cơ chế thu phí, lệ phí, giá cước không còn phù hợp với thực tế; chưa xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; chưa có hành lang pháp lý đối với việc áp dụng, phát triển công nghệ thông tin, các phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải (Uber, grab taxi...).

Về hệ thống đường bộ, quy định gồm 6 hệ thống nhưng không có giao thông nông thôn? Còn đường cao tốc thuộc hệ thống nào?

Vì vậy cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cần thiết và mang tính cấp bách để Luật Giao thông đường bộ thực sự phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường bộ, để tham gia giao thông được thông suốt, an toàn.

HỒ MINH TRUNG