Khám sức khỏe "tiền hôn nhân" tự nguyện hay bắt buộc?

Cập nhật, 17:11, Thứ Ba, 30/08/2016 (GMT+7)

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là nội dung trọng tâm của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ khám cho cặp nam nữ sau này trở thành vợ chồng mà còn là khám cho đứa con trong tương lai.

Theo số liệu quản lý của ngành dân số, tỉnh Vĩnh Long hiện có 1.095.902 người trong đó nhóm tuổi vị thành niên (15- 24), chiếm 35%.

Với cơ cấu dân số như hiện nay, Vĩnh Long đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên như: quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, tình trạng nạo phá thai có chiều hướng gia tăng, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục,… ở mức độ ngày càng cao. Hầu hết các nguyên nhân trên cho thấy các đối tượng vị thành niên- thanh niên do thiếu kỹ năng sống và kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Chính vì lẽ đó mà việc tuyên truyền, vận động và tư vấn cho những đôi nam nữ chuẩn bị kết hôn khám sức khỏe trước khi kết hôn là một điều rất cần thiết và hữu ích.

Hiện nay, theo khảo sát của ngành dân số- kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ khá cao.

Theo khảo sát của ngành dân số- kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ vô sinh hiện nay của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 10%, trong đó 40% do người chồng, 40% do người vợ, 10% do cả hai người và 10% chưa rõ nguyên nhân.

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân thì sẽ biết vô sinh do ai và từ đó tiến hành điều trị trước khi kết hôn.Bên cạnh đó, người chồng và người vợ có thể mang gien bệnh là gien lặn nên không phát bệnh ra.

Thế nhưng khi sinh con thì một tỷ lệ nào đó mang cả hai gien bệnh của cha mẹ và phát bệnh, ví dụ như bệnh thiếu máu tán huyết di truyền thể nặng (β-Thalassemia). Các bệnh truyền nhiễm mà người mẹ mắc khi mang thai có thể khiến cho thai nhi bị dị tật rất nặng, điển hình là bệnh Rubella.

Ngoài ra, các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể truyền từ mẹ sang con như HIV/AIDS, viêm gan B, giang mai. Trong đó, giang mai là bệnh có thuốc đặc trị. Nếu có vi khuẩn giang mai trong máu sẽ tiến hành điều trị trước khi kết hôn 3- 6 tháng để tránh đứa bé sinh ra bị bệnh bẩm sinh.

Hiện nay, khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc và người đi khám phải tự chi trả chi phí. Tuy nhiên, năm 2014 có chính sách đặc thù dành cho nam, nữ thanh niên thuộc thành viên hộ nghèo theo Thông tư 20/2013/TTLT-BTC-BYT ngày 20/2/2013.

Quy định quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia dân số- kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012- 2015.

Cụ thể: Thành viên hộ nghèo được miễn 100% khi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Vì lẽ đó, muốn thanh niên tự giác chi tiền khám sức khỏe trước khi lập gia đình mà không có chính sách hỗ trợ thì đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhằm nâng cao kiến thức và ý thức về ích lợi của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn.

Vận động nam, nữ trước khi kết hôn phải khám sức khỏe để bảo vệ giống nòi tương lai là việc làm thể hiện tính nhân văn. Khi các cặp vợ chồng biết đang mang bệnh thì họ biết cách phòng chống, đồng thời quyết định sinh con hay không. Việc làm này mang lại lợi ích trước mắt cho chính cặp vợ chồng.

THÁI SƠN