Để kỳ nghỉ hè đúng nghĩa

Cập nhật, 12:57, Thứ Sáu, 10/06/2016 (GMT+7)

Trong kỳ nghỉ hè, không nên ép trẻ học hè căng thẳng vì đây là thời gian trẻ nghỉ ngơi sau 1 năm miệt mài. Tuy nhiên cũng không nên “thả cửa” mà cũng cần tổ chức cho trẻ ôn tập kiến thức, chuẩn bị bước vào năm học mới. Nghỉ hè quan trọng là cho trẻ “nghỉ”.

Đây cũng là thời gian chuẩn bị “hành trang” cho con bước vào năm học tiếp theo nên ngoài thời gian vui chơi cũng nên khuyên trẻ dành một quỹ thời gian cho việc ôn tập.

Có thể cho trẻ đi học hè nhưng chỉ nên cho học 2 buổi một tuần. Học hè chỉ nên dừng lại ở việc ôn tập lại bài cũ, nắm chắc kiến thức đã học. Các gia đình có thể cho con đi học ngoại ngữ ở các trung tâm, hoặc mời gia sư về nhà bồi dưỡng cho con mình.

Nghỉ hè, ngoài ép học văn hóa, nhiều cha mẹ còn ép con học các môn năng khiếu ở các nhà văn hóa thiếu nhi. Tuy nhiên, học các môn năng khiếu như: võ, vẽ, nhạc, hát, múa... chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân người học có niềm đam mê, sự hứng thú và thực sự có năng khiếu.

Sự áp đặt của cha mẹ khi con không hứng thú và không có năng khiếu sẽ gây ức chế cho trẻ. Dù có tham gia học, các em cũng chỉ học hình thức, đối phó để “vui lòng” cha mẹ.

Các chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, học hè nếu được tổ chức tốt, bố trí thời gian biểu hợp lý sẽ là dịp để học sinh ôn tập, củng cố những kiến thức đã học trong năm học trước, tạo tâm thế tự tin để bước vào năm học mới.

Nhất là đối với những học sinh có học lực yếu, kém, các buổi phụ đạo trong hè sẽ giúp bù đắp lại đáng kể lượng kiến thức bị hổng.

Đối với trẻ có năng khiếu về văn- thể- mỹ, việc tham gia các lớp học năng khiếu ở nhà văn hóa cũng giúp các em phát triển tố chất của mình. Tuy nhiên, nên cho trẻ ôn tập sau một thời gian nghỉ hè 1- 2 tháng.

Cần lựa chọn môn phù hợp, cân bằng hợp lý giữa khoảng thời gian học hè và thời gian dành cho các hoạt động vui chơi. Các lớp ngoại khóa nên lựa chọn từ chính sở thích, năng lực và sức khỏe của trẻ.

Để ngày hè thành niềm vui của trẻ, cha mẹ nên tạo cho trẻ có cơ hội để thể hiện khả năng bản thân. Có thể tổ chức các hoạt động khác nhau nhưng chỉ nên hướng dẫn, còn để trẻ tự làm lấy.

Hành động này giúp trẻ có khả năng tự lập, có thể tự làm được những công việc đơn giản và lâu dần sẽ tạo ra những thói quen tốt.

Ví dụ, với những trẻ học cấp hai trở lên có thể cho trẻ đi chợ mua sắm thực phẩm về nấu ăn hay giặt giũ quần áo, tiếp khách khi cha mẹ vắng nhà. Còn với bé trai thì có thể giúp bố mẹ quán xuyến công việc gia đình, trông coi em, giúp em học bài.

NGUYỄN HOÀNG DUY