Cần mạnh tay hơn nữa với thực phẩm bẩn

Cập nhật, 10:54, Thứ Ba, 31/05/2016 (GMT+7)

Trong những năm gần đây “thực phẩm bẩn” đã, đang là đề tài bàn tán, tranh luận xôn xao và là nỗi lo của toàn xã hội. Sự nguy hại của thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng trước mắt tới sức khỏe của cộng đồng, mà về lâu dài nó còn ảnh hưởng tới cả giống nòi của dân tộc.

Hầu hết các loại thực phẩm bấy lâu nay mà người dân chúng ta ăn vào miệng đều “bẩn” một cách đáng lo ngại. Rau quả thì có người đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại một cách tràn lan vô tổ chức, không theo một quy trình nào.

Các loại thịt gia súc, gia cầm, tôm, cá nuôi người ta cũng vì tiền làm lóa mắt để đưa vào trong quy trình chăn nuôi rất nhiều loại chất cấm cực kỳ nguy hiểm. Ngay cả với nguồn hải sản đánh bắt ngoài biển cả cũng đáng lo ngại về chất lượng khi một số người đã dùng urê ướp để làm sao cho các loại hải sản để được càng lâu càng tốt.

Các loại gia vị như nước mắm, tương ớt, mì chính, thậm chí là cả dầu ăn... người ta cũng sản xuất hàng dỏm, hàng giả một cách tinh vi với nguồn nguyên liệu bẩn, độc để đánh lừa người tiêu dùng. Nói tóm lại là các loại thực phẩm bẩn tràn lan đã, đang làm người tiêu dùng lo ngay ngáy, và như vậy là người dân ta đang đầu độc, giết chết chính đồng bào mình theo kiểu... chết từ từ.

Thế nhưng, dẫu có lo ngại thì dân vẫn phải ăn, bởi theo như nhiều người giải thích là: “Với thực phẩm bẩn tràn lan như bây giờ thì ăn cũng chết vì... độc, bẩn, mà không ăn cũng chết vì... đói!” Chính vì vậy mà đại đa số phải ăn theo kiểu... liều!

Theo như tôi được biết thì trong vài năm gần đây các cơ quan chức năng, các tổ chức giám sát chất

lượng an toàn thực phẩm, các nhà khoa học... đã phanh phui ra rất, rất nhiều các cá nhân và tập thể sản xuất, chăn nuôi và cung ứng thực phẩm bẩn. Trên thực tế mà nói thì vô số các vụ phanh phui ấy cũng chẳng thấm vào đâu khi mà thời nay hầu như tất cả cá nhân, tập thể đang đua nhau chạy theo đồng tiền, miễn sao có lợi nhuận cao, còn sự an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm thì không cần biết.

Chính mắt tôi đã từng chứng kiến một hộ nông dân ở ngoại thành Hà Nội, khi đầu ruộng này người vợ đang thu hái đậu đỗ để mang bán, còn đầu ruộng kia người chồng đang phun thuốc trừ sâu. Cảnh báo họ như thế khi ăn đậu vào sẽ nguy hiểm lắm, thì người vợ thản nhiên bảo: “Đậu đỗ không phun mỗi ngày 1 lần là sâu phá sạch, vì vậy phải phun liên tục... Mà ăn vào có chết ngay được đâu mà sợ chứ...”.

Vâng, đúng là ăn vào thì sẽ không thể chết ngay được, nhưng chắc chắn người ăn sẽ chết từ từ bởi các loại chất hóa học độc hại sẽ ngấm vào cơ thể để rồi sinh ra nhiều bệnh tật...

Hay như chất cấm tạo nạc trong thịt heo mà vài năm nay người chăn nuôi đã đang âm thầm đầu độc người tiêu dùng cũng cực kỳ nguy hiểm. Biết là độc hại, nguy hiểm đấy, nhưng nuôi heo kiểu có chất cấm đó, thì nhanh xuất chuồng, có lợi nhuận cao nên dù các cơ quan chức năng có vào cuộc thì vẫn có không ít người dân vẫn bất chấp để làm liều...

Khi bắt được cá nhân, tập thể làm ra nguồn thực phẩm bẩn, độc hại thì biện pháp xử lý là... phạt hành chính, cùng tiêu hủy số thực phẩm bẩn ấy! Còn nếu không phát hiện ra nguồn thực phẩm bẩn thì hiển nhiên số lượng thực phẩm vẫn được tung ra thị trường và âm thầm đầu độc người dân. Đó là

một vấn đề đáng lo ngại bởi số vụ phanh phui ra nguồn thực phẩm bẩn dẫu tăng nhiều trong mấy năm nay song vẫn chỉ là “muối bỏ biển” so với vô vàn thực phẩm bẩn hàng ngày trôi nổi trên thị trường.

Thiết nghĩ, để nguồn thực phẩm an toàn và không còn là nỗi lo của người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay và kiên quyết hơn nữa trong việc ngăn ngừa vấn nạn thực phẩm bẩn. Ngoài biện pháp xử lý là phạt thật nặng các cá nhân, tập thể nuôi trồng, sản xuất ra nguồn thực phẩm bẩn thì có thể áp dụng hình thức cứng rắn hơn nữa mang tính chất răn đe, đó là truy tố, tùy theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ.

ong song với biện pháp mạnh tay trên, cơ quan chức năng cũng cần phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi hội thảo tập thể để tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu về tác hại và hậu quả cực kỳ nguy hiểm của thực phẩm bẩn, nhiễm độc để người dân thấy sợ và không lóa mắt, bất chấp vì tiền nữa.

Mặt khác, việc thiết lập các số điện thoại “đường dây nóng” tại các địa phương, các chợ là rất cần thiết để khi phát hiện cá nhân, tập thể nuôi trồng, sản xuất hay tung ra thị trường các loại thực phẩm bẩn thì người dân có thể gọi thông báo, tố giác.

Khi người dân tố giác cá nhân, tập thể cung ứng thực phẩm bẩn ra thị trường nên giữ bí mật danh tính cho họ để tránh bị trả thù, đồng thời khuyến khích người thông báo, tố giác bằng phần thưởng nhỏ, có thể là tiền. Khi có chính sách khuyến khích như vậy thì việc cộng đồng chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng sẽ có tác dụng cực kỳ lớn...

TRỊNH VIẾT HIỆP