Không đợi mùa mưa mới lo phòng sốt xuất huyết

Cập nhật, 14:10, Chủ Nhật, 17/03/2024 (GMT+7)

 

Xử lý kịp thời ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ bằng hình thức phun hóa chất, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.
Xử lý kịp thời ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ bằng hình thức phun hóa chất, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

Dù đang là cao điểm mùa nắng nhưng các trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn xảy ra và từ đầu năm đến nay, Vĩnh Long ghi nhận trên 270 trường hợp mắc SXH. Để khống chế SXH bùng phát thành dịch, ngành y tế Vĩnh Long đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, bệnh SXH xảy ra quanh năm và không còn mang tính chất chu kỳ 3-4 năm mới có dịch lớn một lần. Vì vậy, để dự phòng nguy cơ bùng phát dịch SXH trong thời gian tới thì việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống là hết sức quan trọng.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng các biện pháp phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch SXH nhỏ bằng hình thức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh khống chế nguồn lây. Trong 2 tháng đầu năm, ngành y tế xử lý kịp thời 130 ổ dịch SXH nhỏ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường không để muỗi có nơi sinh sản và phát triển gây bệnh.

Dược sĩ Nguyễn Hồ Thế Phương- Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, cho biết: “Khi phát hiện ca bệnh, nhân viên y tế trung tâm xuống địa phương xác nhận ca bệnh rồi cùng địa phương phun thuốc diệt ổ dịch SXH nhỏ, diệt muỗi cũng như tuyên truyền người dân cách phòng chống. Trong đó quan trọng nhất là diệt lăng quăng”.

Được nhân viên y tế tuyên truyền cách phòng bệnh SXH, ông Lê Văn Thảo (ở xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) cho biết: “Nhà kế bên có người bệnh SXH nên nhà tui dọn dẹp vệ sinh. Cái nào nước đọng dọn hết, lu mình đậy cẩn thận, bụi rậm phát quang sạch sẽ; nhắc con cháu ngủ phải giăng mùng, cả nhà cùng chú ý để phòng SXH”.

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Công tác giám sát ca bệnh, giám sát mật độ muỗi, lăng quăng và đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về các biện pháp phòng bệnh SXH cũng được các cơ sở y tế quan tâm thực hiện. Qua đó, giúp nhiều người hiểu rõ hơn tác nhân truyền bệnh, biểu hiện mắc bệnh và cách phòng chống.

Tại buổi truyền thông phòng bệnh SXH tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, BS Đặng Phúc Vinh- Khoa Kiểm soát bệnh tật CDC tỉnh, khuyến cáo: Hiện nay, chưa có vaccine hay thuốc đặc trị có khả năng điều trị triệt để bệnh SXH.

Bệnh lây truyền chủ yếu do muỗi vằn hút máu và truyền virus từ người bệnh sang người lành. Loại muỗi này có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, cư trú nhiều trong nhà tại những nơi ẩm thấp, có góc tối như gầm giường, gầm tủ.

“Đề phòng bệnh, mỗi gia đình cùng dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để đọng nước trong lu, chai, lọ, vỏ dừa, vỏ xe,… quanh nhà để tránh phát sinh lăng quăng; ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Nếu bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà”- BS Đặng Phúc Vinh cho biết.

Theo thống kê của CDC Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhân trên 270 ca mắc SXH, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Song, theo giám sát dịch tễ của ngành y tế, mật độ muỗi, lăng quăng có chiều hướng gia tăng, dự báo nguy cơ SXH lây lan trong cộng đồng và bùng phát thành dịch rất cao trong các tháng mùa mưa.

BS Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc CDC tỉnh, cho biết: “CDC tỉnh sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ dịch tễ chuyên trách của tuyến huyện cũng như phối hợp với BVĐK tỉnh tổ chức các lớp điều trị nhằm khống chế số ca mắc giảm tỷ lệ tử vong.

Cùng tăng cường hoạt động giám sát muỗi lăng quăng, giám sát ca bệnh, theo dõi diễn biến chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt phát hiện sớm ổ dịch SXH để khống chế xử lý, kịp thời ngăn chặn không để dịch bùng phát lan rộng”.

Theo ngành y tế, bệnh SXH hiện nay không còn là bệnh xảy ra theo mùa mà lưu hành quanh năm và sẽ bùng phát mạnh khi gặp điều kiện thuận lợi để muỗi vằn tác nhân truyền bệnh phát triển. Phương pháp hữu hiệu hiện nay để phòng ngừa SXH vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng và ngừa muỗi đốt từ ý thức của người dân.

“SXH là do virus gây ra, với triệu chứng ban đầu giống như mắc các virus khác. Tuy nhiên, SXH có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong, khi rơi vào tình trạng sốc, chảy máu… Vì vậy, người dân khi có triệu chứng sốt, đau người, mệt mỏi nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhất, theo dõi và tránh được các biến chứng nặng”- BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long, khuyến cáo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN