Không chủ quan với bệnh dại

Cập nhật, 14:48, Thứ Sáu, 08/03/2024 (GMT+7)

 

Nơi sinh hoạt, vui chơi chung tại các công viên, bờ kè… thường xuất hiện những chú chó không rọ mõm và được thả rông tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người dân.
Nơi sinh hoạt, vui chơi chung tại các công viên, bờ kè… thường xuất hiện những chú chó không rọ mõm và được thả rông tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người dân.

Gần 2 tháng đầu năm, cả nước có 18 người chết vì bệnh dại, gần 70.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại. Thời tiết nắng nóng, chó dại dễ bị kích động, cắn người. Người dân cần nâng cao cảnh giác với bệnh dại.

Gia tăng số người chết vì bệnh dại

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, tình hình bệnh dại động vật trên cả nước diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Năm 2023, bệnh dại làm 82 người chết trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố, nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên.

Từ đầu năm đến ngày 20/2, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, nguyên nhân bệnh dại gia tăng chủ yếu do địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo, chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.

Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó chưa đạt hiệu quả, như năm 2023 tỷ lệ tiêm ngừa dại trên đàn chó mới đạt hơn 50%. Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó theo quy định. Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng chống bệnh dại còn hạn chế...

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long (CDC), trong 2 tháng đầu năm nay, ghi nhận trên 4.000 lượt người bị chó, mèo cắn đã đến tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đáng lưu ý, riêng tháng 2, ghi nhận 2.083 lượt người bị chó, mèo cắn đã đến tiêm vaccine phòng bệnh, tăng 374 lượt người so với cùng kỳ năm 2023 (1.709 lượt người). Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận có ca tử vong do bệnh dại.

Đưa con đi chích ngừa bệnh dại tại CDC tỉnh, chị Lê Phương Thảo (Phường 1, TP Vĩnh Long) than vãn: “Đi quán cà phê, thấy chó xù khách uống nước đem theo tụi nhỏ lại nựng thì con chó cắn vào chân. Dù chỉ có tí dấu răng, không chảy máu nhưng tôi cũng đưa con đi chích và xin số điện thoại kêu chủ theo dõi tình trạng con chó”.

Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Công viên, bờ kè… là nơi công cộng, nên cùng nhau giữ gìn sạch đẹp để những lần đi dạo, tập thể dục của mọi người không bị ám ảnh bởi nỗi lo bị chó cắn. Đa số những chú chó này không có dây xích, không rọ mõm và được thả rông, tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người dân đang tập thể dục. Thậm chí, nhiều người còn vô tư để thú cưng phóng uế ra công viên gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan và gây bức xúc.

“Tôi thường xuyên đi bộ ở Công viên THVL nên thấy không ít người dân mang chó vào đây. Trong đó, chỉ có số ít người mang theo xích, còn lại là đều thả rông khiến tôi rất bức xúc. Công viên nhiều người, có cả trẻ con, chạy giỡn. Chó thả rông vậy lỡ nó cắn người thì sao?”- chị Mai Anh bức xúc.

Theo ThS.BS Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc CDC tỉnh Vĩnh Long, bệnh dại là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khi người nhiễm virus bệnh dại lên cơn thì tỷ lệ tử vong gần như 100%.

“Hiện bệnh dại không có thuốc đặc trị, mà chỉ có phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine. Người bị chó, mèo cắn, cào, liếm nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tiêm vaccine hoặc huyết thanh phòng bệnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc” - BS Thanh Tân khuyến cáo.

Tiêm ngừa là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa nguy cơ tử vong khi bị chó dại cắn.
Tiêm ngừa là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa nguy cơ tử vong khi bị chó dại cắn.

Đáng chú ý, các quan niệm như không tiêm vaccine dại vì lo ngại vaccine sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sức khỏe và tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp chưa được Bộ Y tế công nhận khi bị chó, mèo hay vật nuôi cắn là điều hết sức sai lầm bởi hầu hết các trường hợp tử vong vì dại đều do không đi tiêm ngừa vaccine.

Trong mùa nắng nóng, nguy cơ phát sinh bệnh dại là rất cao, việc người dân tuân thủ tiêm ngừa dại cho vật nuôi gia đình không chỉ bảo vệ cho chính mình mà còn cho cộng đồng. Mọi sự chủ quan có thể trả giá bằng tính mạng con người.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm ngừa đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà bông liên tục trong 15 phút, nếu không có xà bông thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm ngừa dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG