Nâng chất nghiên cứu khoa học ở trường ĐH vùng ĐBSCL- chuyện cần làm ngay

Kỳ 2: Bức tranh nghiên cứu khoa học- không thiếu nhưng còn yếu

Cập nhật, 05:30, Thứ Ba, 08/05/2018 (GMT+7)

Tiềm lực nhân lực nghiên cứu khoa học (NCKH) được thể hiện ở số lượng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Theo báo cáo gần nhất của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam 2016, nguồn nhân lực cho nghiên cứu và phát triển là 167.700 người.

Trong đó, tỷ lệ nhân lực nghiên cứu phát triển trong các trường ĐH/ học viện của ngành giáo dục chiếm hơn 50%. Cả nước có gần 17.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Tuy nhiên, những nhà khoa học thuộc hệ thống các trường ĐH đạt giải thưởng cao ở quốc tế còn rất ít.

Sinh viên, học sinh và cả giảng viên cần được thắp lửa đam mê để nghiên cứu, sáng tạo.
Sinh viên, học sinh và cả giảng viên cần được thắp lửa đam mê để nghiên cứu, sáng tạo.

Đông người nhưng thiếu… đủ thứ

Thiếu nhân lực NCKH, thiếu đam mê, thiếu kiến thức, kỹ năng… và thiếu cả những người có khả năng “nhóm lửa” để nhen lên niềm đam mê NCKH từ sinh viên hay các giảng viên, nhà nghiên cứu trong cơ quan, đơn vị mình.

Hậu quả là nhiều trường ĐH có hàng chục GS, PGS mà đề tài NCKH từ cấp tỉnh trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là còn chưa kể đến tính ứng dụng của những công trình đó như thế nào hay nghiên cứu xong thì đành bỏ xó!

GS.TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ- cho rằng: “Trường thật sự cũng đang thiếu những người đam mê NCKH dù đã được khuyến khích, cái gốc vẫn là thực lực và niềm đam mê”.

TS. Võ Tòng Xuân điển hình những đất nước có địa lý tương tự như ĐBSCL nhưng nay đã là cường quốc- đó là Hà Lan. Ông so sánh sự tương đồng giữa 2 nước Hà Lan và Việt Nam.

Tại sao Hà Lan chỉ có 17 triệu dân, diện tích tương đương ĐBSCL, chịu ảnh hưởng lớn về biến đổi khí hậu nhưng giá trị xuất khẩu nông sản lại gấp 3 lần Việt Nam, đạt 94 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ đạt 33 tỷ USD?

Theo TS Võ Tòng Xuân, thành tựu mà Hà Lan đạt được bắt nguồn từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cho nên ông cho rằng “chỉ cho nông nghiệp công nghệ cao mới giúp ĐBSCL thoát nghèo, vươn lên khá giàu, xứng đáng với tiềm năng mà vùng đất này vốn có”.

Trong khi đó, PGS.TS Thái Thành Lượm- Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang- cho biết: Hoạt động NCKH của trường còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là nguyên nhân khách quan.

Nhân lực đã có nhưng không ít trường, nhất là các trường ĐH ngoài công lập gặp khó khăn về vốn NCKH.

Với một đề tài cấp trường được hỗ trợ khoảng 5 triệu đồng thì quả là “một bài toán khó” cho những ai muốn nghiên cứu.

TS. Nguyễn Hoa Bằng- Trưởng khoa Ngữ Văn- Trường ĐH Cửu Long- cho rằng: “Dù nói NCKH bằng niềm đam mê nhưng chi phí và công sức mà người nghiên cứu bỏ ra rất nhiều, có đề tài của trường lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng”.

Nhiều giảng viên có tâm huyết NCKH cũng chia sẻ: Những công trình ứng dụng cao thì vốn đầu tư phải cao trong khi đó chi phí cho NCKH của trường còn hạn chế nên không khuyến khích giảng viên tham gia hoặc có tham gia nhưng còn thiếu đầu tư.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là đăng ký quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được quan tâm, thực hiện tốt.

Và còn yếu nhiều thứ

Chuyện NCKH không phải là chuyện “một sớm một chiều” và để có những ý tưởng đã khó, biến nó thành hiện thực càng khó khăn hơn. Do đó, cần khơi ý tưởng và nuôi ý tưởng đó rồi quyết tâm thực hiện ý tưởng thành hiện thực.

NCKH có phải là việc chỉ có những người có học hàm học vị cao mới làm được? Có rất nhiều nông dân và học sinh đã làm nên những sản phẩm sáng tạo và mang lại hiệu quả cao.

Vấn đề là, nhân lực NCKH ở các trường ĐH phải thể hiện được vị thế của mình, góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Bộ KH-CN, mỗi năm ngân sách nhà nước chi khoảng 2%, tức 13.000 tỷ đồng cho KH-CN. Trong đó, 90% trong số này dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chỉ 10% dành cho hoạt động nghiên cứu.

GS.TS Hà Thanh Toàn- Hiệu Trưởng Trường ĐH Cần Thơ- cho rằng: Phải có NCKH để cập nhật thực tiễn vô bài giảng, thể hiện vai trò của người thầy trong thị trường quốc tế. 

Nghiên cứu đó thành tư liệu cho người dân học, chia sẻ kết quả nghiên cứu cho những người khác.

Một điểm khó khăn khác làm chậm sự phát triển của NCKH ở các trường là do thiếu sự hợp tác từ phía doanh nghiệp.

GS.TS Hà Thanh Toàn nói: “Doanh nghiệp quốc tế thường đến ĐH Cần Thơ đặt hàng đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, giống và quản lý giống,...

Trong khi đó, không có một DN trong nước nào đề cập đến vấn đề này. Chúng ta luôn đi sau doanh nghiệp quốc tế do nguồn lực, tư duy, nguồn lực quản lý yếu”.

“Khi công nghệ luôn đi sau và đi chậm hơn các nước khác thì người dân sẽ là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất và vẫn còn nghèo trên mảnh đất trù phú này”- GS.TS. Võ Tòng Xuân chau mày rồi nói thêm- “Không thể làm giàu bằng cây lúa được, phải chuyển dịch cơ cấu, giảm giá thành nâng cao giá trị nông sản.

Thêm vào đó, cơ sở vật chất cho NCKH vẫn còn thiếu thốn, đa phần các trường có phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu,… nhưng rất ít xưởng sản xuất.

Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực, nhưng NCKH lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.

Những vấn đề mà chúng ta chọn làm mục tiêu nghiên cứu đối với thế giới thường là quá cũ, có khi cũ đến 2-3 hoặc cũng có thể tới 40 năm.

Phải chăng chúng ta đang lãng phí chất xám của nguồn nhân lực có trình độ cao ở 400 trường ĐH, CĐ? NCKH chỉ là “việc làm thêm” và làm hay không làm cũng được… Bài toán cho NCKH phát triển, thiết nghĩ cần sự chung tay và quyết tâm của rất nhiều “nhà”!

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi giảng viên ĐH ngoài việc đảm bảo 900 giờ giảng dạy phải có 500 giờ dành cho NCKH/năm. Đối với GS, PGS và giảng viên chính thì số giờ dành cho NCKH học từ 600- 700 giờ/năm. Tuy nhiên, hiện nay đa số giảng viên các trường ĐH chỉ đào tạo mà không NCKH, việc nghiên cứu chỉ được coi là hoạt động làm thêm.

Kỳ cuối: “Nghiên cứu khoa học- chuyện sống còn”

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN