Sổ tay phóng viên

Chuyện tự chủ đại học

Cập nhật, 06:19, Chủ Nhật, 06/05/2018 (GMT+7)

Nhớ cách đây gần 10 năm, đám học trò lớp 12 lúc nào cũng cắm đầu vào học các môn mà các em đã chọn cho khối thi chính vào ĐH, các môn còn lại chỉ học để có điểm học bạ và thi tốt nghiệp THPT- khi đó là 6 môn thi.

Khi vượt qua vòng tốt nghiệp, các em có khoảng 1 tháng để ôn tập và dự thi ĐH, CĐ theo nguyện vọng, khi đó, nhiều nhất là 4 nguyện vọng chính thức, cũng đủ để các em nhức đầu, mệt óc khi ôn tập.

Các trường ĐH, CĐ thời đó thì đưa ra mức điểm sàn để tuyển sinh, lấy từ cao xuống thấp tới khi tuyển đủ chỉ tiêu. Tất nhiên, khi đó, đậu vào các trường ĐH là niềm vinh dự lớn.

Thí sinh nào không đậu ĐH, có thể xét tuyển qua CĐ, khi đó, trường CĐ vẫn còn rất “oai” khi có những trường điểm sàn là “mười mấy điểm”.

1. Hôm biết được kết quả của Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia 2018, chúng tôi liền gọi điện cho lãnh đạo của một trường THPT để chúc mừng khi biết có học sinh của trường đạt giải.

Dù khi đó, giải của em để xét tuyển thẳng thì chỉ tuyển ở bậc CĐ nhưng chúng tôi vẫn chúc mừng vì đó không chỉ là thành tích của trường mà là thành tích chung của tỉnh. Người thầy ấy cảm ơn nhưng không quên nói lại, “năm nay có em nào rớt ĐH đâu, xét chi CĐ?”

2. Quy chế tuyển sinh cũng như quy định xét các nguyện vọng, “các cửa” tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, một thí sinh có tới “mấy chục cửa” để vào học ĐH.

Mang câu chuyện này tâm sự với lãnh đạo của một trường CĐ, cô thở dài rồi buông lơi “trường CĐ đợt này vớt hết ruốc, tép với cá… hủn hỉn, không bỏ sót cái gì”.

CĐ còn vậy thì đừng nghĩ đến tương lai của các trường trung cấp. Chỉ mới có mấy năm, điểm sàn của CĐ từ “mười mấy điểm” nay chỉ còn “vớt hồ sơ”.

3. Trong khi đó, ngành chức năng đã chỉ rõ hiện nay còn mấy chục ngàn cử nhân thất nghiệp- đó là con số thống kê được.

Còn tại các doanh nghiệp, con số “cử nhân cất bằng ĐH để đi làm công nhân” là một con số đầy mơ hồ và chưa được kiểm chứng.

Trong khi tình trạng “thừa thấy thiếu thợ” vẫn còn là vấn đề nhức nhối, vậy mà, nay học ĐH dễ như vậy, liệu tình trạng này còn đi đến đâu…?

Đó chỉ là một vài trong hàng tá vấn đề trong ngành giáo dục, đào tạo. Lãnh đạo Bộ GD- ĐT có thể có nhiều niềm vui vì các thành tích được quốc tế công nhận, nhưng cũng sẽ có nhiều “rối rắm” vì còn nhiều chuyện giải quyết chưa xong.

Ấy vậy mà hiện nay, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn chuyện tổ chức thi tốt nghiệp THPT rườm rà, tốn kém mà thay vào đó là xét tốt nghiệp hoặc cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình phổ thông.

Còn chuyện các em có học được ĐH, CĐ, thì nên để các trường ĐH, CĐ lo. Phải chăng câu chuyện tự chủ ĐH nên cần được xem xét?

KHÁNH NGUYỄN