Nâng chất nghiên cứu khoa học ở trường ĐH vùng ĐBSCL- chuyện cần làm ngay

Cập nhật, 05:43, Thứ Bảy, 05/05/2018 (GMT+7)

Nâng chất lượng, số lượng các công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng là cách các trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo. Đi tìm lời giải cho bài toán NCKH ở các trường ĐH, là tìm cách giải bài toán cho xã hội phát triển bền vững.

NCKH là con đường phát triển bền vững của mỗi vùng miền, quốc gia. Các trường ĐH có 2 sứ mệnh là: đào tạo nguồn nhân lực và NCKH chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; là nơi bồi dưỡng, khơi dậy niềm đam mê NCKH. Bên cạnh những thành tựu, việc NCKH ở Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Đâu là nguyên nhân, khi đội ngũ các nhà khoa học ngày càng đông nhưng những công trình NCKH, đặc biệt là những nghiên cứu có tính ứng dụng cao lại rất ít? Đó là hệ lụy từ việc thiếu kinh phí, thiếu trách nhiệm, thiếu say mê sáng tạo… hay đơn giản là chưa được thắp lửa “đam mê”.

Kỳ 1: Nghiên cứu khoa học, chuyện của trường ĐH

NCKH là hoạt động thiết yếu của các trường ĐH song hành với nhiệm vụ đào tạo nhân lực. Thực tế cho thấy, NCKH gắn liền với chất lượng đào tạo vì nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo ra những con người sáng tạo, làm ra cái mới.

Trường ĐH cần gắn với địa phương để nghiên cứu khoa học theo “đơn đặt hàng”.
Trường ĐH cần gắn với địa phương để nghiên cứu khoa học theo “đơn đặt hàng”.

Trên thế giới, các trường ĐH đóng vai trò là một trung tâm văn hóa và nhân văn, với chức năng giảng dạy, nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới và chuyển giao công nghệ cho nền kinh tế. NCKH là một chỉ tiêu định hình và phân biệt một ĐH đẳng cấp quốc tế với một ĐH “dạng thường”.

Hoạt động NCKH ở các trường ĐH ĐBSCL đang được đẩy mạnh, không chỉ tăng uy tín cho trường mà còn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội khu vực và cả nước.

Vai trò NCKH

Đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH là một trong những lực lượng hùng hậu phục vụ NCKH. Hoạt động NCKH đặt trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo sau ĐH.

Các sản phẩm từ hoạt động khoa học- công nghệ (KH-CN) của các trường ĐH góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề thách thức của các ngành kinh tế ở nước ta hiện nay như tạo ra giống mới cho phát triển nông nghiệp; giải pháp công nghệ thông tin,…

Theo nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội về hoạt động KH-CN trong giai đoạn 2011- 2016 do PGS.TS Vũ Văn Tích làm trưởng nhóm, thì KH-CN đã đóng góp khoảng 30- 40% vào tăng trưởng nông nghiệp.

Trong công nghiệp, hoạt động NCKH hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển: nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Các trường ĐH khối kỹ thuật- công nghệ đã tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế- xã hội cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước.

Khối nông- lâm- ngư- y giai đoạn 2011- 2016 đã có 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra, 17 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Các trường ĐH khối khoa học xã hội và nhân văn với nhiều kết luận làm cơ sở soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ chương, chính sách của Nhà nước.

Điểm sáng trong các trường ĐH ở ĐBSCL về NCKH là Trường ĐH Cần Thơ với hơn 52 năm xây dựng và phát triển.

Trường ĐH Cần Thơ luôn tham gia tích cực các chương trình NCKH, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật của quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề về KH-CN, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng.

Ngoài ra, thông qua các dự án hợp tác quốc tế, trường cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm và các quy trình công nghệ phục vụ sản xuất, với nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống của người dân trong vùng đồng thời tạo dựng được thương hiệu và uy tín nhà trường trong nước, khu vực và quốc tế.

GS.TS Hà Thanh Toàn- Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ- cho rằng: “Những nhà khoa học đa số được đào tạo ở các trường ĐH trên thế giới và đem về trường rất nhiều đề tài”.

Cũng theo ông thì “ông thầy ngoài việc dạy học còn đến địa phương để lắng nghe, để nghiên cứu và đem cái mình nghiên cứu dạy cho sinh viên mình”.

Trường ĐH Cần Thơ đang thực hiện “đơn hàng” của huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) về phát triển kinh tế nông hộ cho đồng bào dân tộc ở biên giới.

Kết quả sinh sản nhân tạo cá tra thành công của trường đã đóng góp lớn vào phát triển cá da trơn đặc thù của vùng ĐBSCL. Ngoài ra, các mô hình canh tác lúa với cây trồng cạn và nuôi trồng thủy sản kết hợp,…

Nghiên cứu khoa học gắn bó mật thiết với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt với ĐBSCL là nâng cao giá trị nông sản, đời sống người dân.
Nghiên cứu khoa học gắn bó mật thiết với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt với ĐBSCL là nâng cao giá trị nông sản, đời sống người dân.

Hợp tác cùng phát triển

Hoạt động NCKH đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật đào tạo trong nước đã có thể làm chủ công nghệ, thực hiện nhiều công trình lớn, phức tạp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Theo xếp hạng về trình độ sáng tạo KH-CN của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO năm 2015 đối với 143 quốc gia thì Việt Nam đứng thứ 71/143.

Trường ĐH Cần Thơ có 1.969 cán bộ, trong đó có 1.145 giảng viên. Về trình độ đào tạo có 347 TS (250 cán bộ viên chức đang là nghiên cứu sinh tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước) và 837 thạc sĩ, có 7 GS và 115 PGS.

Việt Nam là một trong 33 quốc gia có thu nhập trung bình thấp (xếp thứ 31/33 về GDP), tuy nhiên trình độ sáng tạo KH-CN xếp hạng thứ 5/33.

Xác định NCKH là thước đo vị thế trường ĐH và gắn với nhiệm vụ đào tạo, nhiều trường ĐH tỉnh, ĐH vùng phát triển NCKH với nhiều hình thức khác nhau dựa trên những thế mạnh sẵn có của mình.

TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu- cho rằng: “Chức năng của trường ĐH là đào tạo và NCKH.

Trường ý thức được chuyện đó và có sự quan tâm của nội tại nhà trường về đội ngũ, cơ sở vật chất”. Hiện nay, trường ký kết hợp tác với huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai,…

Ngoài ra, trường có hợp tác với ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ để phối hợp thực hiện những đề tài mà trường khó thực hiện.

“Cho giảng viên của mình đi học ở trường bạn; hướng họ chọn đề tài liên quan đến địa phương, có thể chuyển giao ứng dụng cho địa phương để tận dụng kinh phí nghiên cứu, gắn nghiên cứu với thực tế sản xuất”- ông Trần Mạnh Hùng nói thêm.

TS. Lâm Tâm Nguyên- giảng viên Khoa Thủy sản của trường- là chủ một cơ sở sản xuất cua giống ở Bạc Liêu và cũng là doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập, tuyển dụng sinh viên.

Ông chia sẻ: “Từ lý thuyết giảng dạy, tôi NCKH rồi chuyển những gì mình nghiên cứu thành thực tiễn sản xuất và mỗi năm cho ra lò hàng triệu con cua giống”.

Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị thu hoạch và thiết bị sấy cây lác ở tỉnh Vĩnh Long là đề tài Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nghiên cứu theo đơn đặt hàng địa phương.

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Cao Hùng Phi cho biết: “Nhà trường đăng ký thực hiện đề tài này trước hết là thể hiện trách nhiệm với địa phương, thêm vào đó, đây cũng là cơ hội cho giảng viên gắn nghiên cứu với ứng dụng thực tiễn, phát triển năng lực”.

Tùy theo khả năng và tiềm lực kinh tế của đơn vị mình, các trường ĐH Việt Nam đang cố gắng hết sức để nâng cao trình độ NCKH, đào tạo nhân lực.

Có thể thấy, vai trò NCKH của các trường ĐH là hết sức quan trọng, cần được quan tâm đầu tư một cách đột phá, giúp cho phát triển kinh tế gắn với KH-CN, phát triển hệ thống giáo dục trong điều kiện hiện nay.

Thông qua công bố khoa học với số lượng bài báo quốc tế và các bằng chứng nhận về sở hữu trí tuệ đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của các trường ĐH và tiềm lực KH-CN của quốc gia. Theo kết quả xếp hạng cuối năm 2017 khu vực Châu Á được tổ chức giáo dục QS Star công bố, có 5 trường ĐH của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Kỳ 2: Bức tranh nghiên cứu khoa học- không thiếu nhưng còn yếu

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN