Thầy giáo "ảo thuật" mê làm thiện nguyện

Cập nhật, 07:42, Thứ Hai, 28/05/2018 (GMT+7)

Trưởng thành từ những khó khăn, thầy Dương Hữu Tài (giáo viên môn Quốc phòng, Trường THPT Mang Thít) xem niềm vui sống và sự sẻ chia là nghị lực để vươn lên.

Đón nhận thử thách của cuộc đời bằng nhiệt huyết của một người thích mang nụ cười đến cho mọi người bởi “chiêu trò” ảo thuật, người thầy ấy từng ngày vẫn lặng lẽ góp công sức để giúp đỡ những cảnh đời khó khăn.

Thầy giáo Dương Hữu Tài luôn mang đến tiếng cười khiến mọi người thích thú bởi màn “trổ tài” ảo thuật.
Thầy giáo Dương Hữu Tài luôn mang đến tiếng cười khiến mọi người thích thú bởi màn “trổ tài” ảo thuật.

Thầy giáo “ảo thuật”

Khác hẳn một thầy giáo nghiêm túc trên bục giảng cũng không giống một ảo thuật gia hoạt ngôn nhanh nhẹn, tay thoăn thoắt xòe bài rồi bất ngờ biến ra những bông hoa trên sân khấu, thầy Dương Hữu Tài thường trực nụ cười chất phác trên môi, kể cho tôi nghe những thăng trầm trong cuộc đời cũng bất ngờ như… ảo thuật.

Thầy kể, thầy tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán ở ĐH Cần Thơ nhưng không có duyên gắn bó với “nghề dạy những con số”.

Hành trình đến TP Hồ Chí Minh học văn bằng 2 về Quốc phòng chính là ngả rẽ bất ngờ để thầy đến với ảo thuật, đeo đuổi đam mê “từ thời còn nhỏ xíu, không rời mắt khỏi màn ảo thuật trên truyền hình trắng đen”.

Cùng là đồng hương, ảo thuật gia Lư Phong trở thành người thầy, người bạn đồng hành, “truyền nghề” cho thầy Tài từ những bài học ảo thuật đầu tiên.

Thổi hồn vào những lá bài vô tri, gây bất ngờ với đồng tiền hay làm bạn với những con thú thấy rất dễ. Tuy nhiên, đứng trên sân khấu với tâm lý vững vàng, thần thái, giọng nói thu hút, tay chân linh hoạt để đánh lừa thị giác của khán giả là điều không phải ai cũng làm được.

Thầy Tài cho biết ảo thuật không đơn thuần là một trò chơi: “Nó là bài học lớn, rèn luyện cho những người đam mê tính kiên trì, tỉ mỉ”.

Ảo thuật gia không chỉ cần đam mê, năng khiếu mà chi phí để mua đạo cụ là một vấn đề lớn. “Đạo cụ có giá vài triệu đồng đến những trò lớn có khi tốn đến 40- 50 triệu đồng.

Đôi khi những vật nhỏ như đồng xu, muốn tìm cũng phải lang thang cả ngày trong mấy tiệm đồ cổ”- thầy Tài chia sẻ.

Kỷ niệm “dở khóc dở cười” đáng nhớ nhất đối với thầy là khi biểu diễn, có người đứng từ cánh gà quan sát thấy mẹo ảo thuật nên hô to “đồ lừa đảo”.

Thầy hài hước nói: “Lúc đó vừa buồn vừa tủi muốn bỏ về nhưng nhìn thấy nụ cười, tiếng vỗ tay tán thưởng, vả lại cũng đúng là mình lừa thị giác của mọi người nên lì lợm diễn hoài không bỏ”.

Ảo thuật gia phải là người không ngừng sáng tạo, phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu để “sinh ra” được một màn trình diễn ảo thuật mới. Ảo thuật là bí mật, dạy ảo thuật cho người khác thì coi như “bán” ngón nghề biểu diễn, nhưng nếu không quảng bá, ảo thuật sẽ bị mai một.

Quan niệm chia sẻ kinh nghiệm là chuyện đáng làm, thầy Tài xin phép Trường THPT Mang Thít thành lập CLB ảo thuật với mong muốn học sinh có hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, rèn luyện những kỹ năng mềm để các em có thể tự tin vào đời như kỹ năng xử lý tình huống, ngôn ngữ giao tiếp.

“Thấy tụi nhỏ thể hiện đam mê, hoạt bát, vui vẻ mà mình hạnh phúc lây”- thầy tự hào khi nhắc đến các bạn trong CLB.

“Cho đi- đâu cần phải là điều lớn lao”

Thời tiết tháng 5 vừa nắng gay gắt lại ào ào cơn mưa như trút nước, lần thứ hai trong tháng gặp thầy Tài, tôi đã rất bất ngờ khi thầy không ngại đường xa đi từ Mang Thít đến TP Vĩnh Long chỉ để “thăm học trò, sẵn ghé làm tấm băng rôn cho đẹp để mai đi trao quà cho trẻ em nghèo”.

Thầy cười hiền, giải thích nguyên nhân làm từ thiện đã 15 năm, thương cảm những hoàn cảnh khó khăn: “Nhà có tới 5 anh em, mùa màng ngày xưa thì thất bát nên cha mẹ phải lo miếng ăn từng ngày.

Thời sinh viên khổ đến mức phải tranh thủ bán vé số để có tiền học. Món ăn “ruột” thời đó là cà tím, cà chua, chỉ vài ngàn đồng/kg hôm thì luộc, hôm nướng ăn cho qua bữa”.

Toàn bộ thu nhập từ những buổi đi diễn ảo thuật, thầy Tài để dành làm từ thiện. Bạn bè hay những người quen biết thầy trên Facebook đều quen với những dòng chia sẻ: “không có “sô” nên bán nha đam, bán gà, bán bồ câu để giúp đỡ các em học trò nghèo”.

“Về vật chất thì không giúp được nhiều nhưng tôi mong các em cảm nhận được niềm vui và sự quan tâm của cộng đồng. Cùng các em làm ảo thuật, chơi đùa, nụ cười hồn nhiên của các em là món quà quý giá khiến chúng tôi quên đi khó khăn, vất vả”- thầy tâm sự.

Là một trong những người hay đóng góp cho chương trình từ thiện ở CLB của thầy- cũng là học sinh cũ của trường, em Trần Thị Tuyết Nhung cho biết: “Em đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật, lên Facebook thì quá cảm động khi thấy thầy đi diễn ảo thuật, bán nha đam để có tiền nên em liền ủng hộ, cùng thầy giúp đỡ các em”.

Vừa theo “học nghề” ảo thuật, vừa đồng hành với thầy Tài trong các chương trình từ thiện hơn 1 năm, bạn Nguyễn Thị Thúy Duy (sinh viên năm nhất Khoa Giáo dục tiểu học, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long) cười tươi, xua tay “phản đối” câu nói của thầy Tài: “chương trình thiện nguyện chỉ là hạt cát nhỏ, không biết có giúp ích gì cho các em”.

Thúy Duy nói: “Dù thầy có khó khăn thì tụi em cũng sẽ không bỏ cuộc. Của cho không bằng cách cho. Cho đi- đâu cần phải là điều lớn lao, ở đó có nhiệt huyết, có tấm lòng của thầy với tụi em nữa”.

CLB ảo thuật- thiện nguyện ở Trường THPT Mang Thít được thành lập gần 1 năm. CLB ra đời nhằm giúp học sinh có hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích ngoài giờ học trên lớp, giúp các em thể hiện niềm đam mê và phát huy năng khiếu ở môn nghệ thuật này. CLB định kỳ sinh hoạt và vận động các nhà hảo tâm đóng góp gây quỹ làm từ thiện, tặng quà cho các học sinh nghèo, trẻ em mồ côi.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY