Phụ nữ Trà Côn- "thêm nụ cười" nhờ đan lác

Cập nhật, 06:06, Thứ Năm, 30/11/2017 (GMT+7)

Xe chúng tôi bon bon chạy trên con đường về xã Trà Côn (Trà Ôn), bên những dòng kinh xanh xanh màu của lục bình, của lác. Trên sân nhà ai, thỉnh thoảng lại thấy mớ dây lác đang phơi.

Những cây cỏ bình dị đồng quê ấy đã trở thành món quà của thiên nhiên giúp cho nhiều phụ nữ nông thôn có thêm việc làm, thêm thu nhập.

Tiền công không nhiều nhưng công việc nhẹ nhàng, phù hợp, nghề đan dây lác đã đem thêm nụ cười cho nhiều phụ nữ ở xã Trà Côn.

Các chị, các cô ở ấp Tầm Vu có thêm thu nhập và thêm niềm vui trong cuộc sống từ việc đan đát.
Các chị, các cô ở ấp Tầm Vu có thêm thu nhập và thêm niềm vui trong cuộc sống từ việc đan đát.

Về Rạch Vẹt

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm về xã Trà Côn khi được Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Trà Ôn giới thiệu đây là địa phương thực hiện tốt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn- nhanh chóng liên hệ 2 ấp là Rạch Vẹt và Tầm Vu vì “2 ấp này làm tốt lắm”.

Con đường đan đến ấp Rạch Vẹt sâu hun hút, rợp bóng cây. Trên sân hay mái hiên trước nhà, dây lác được bó thành những bó lớn. Chị em tay thoăn thoắt, khéo léo đan dây vào chiếc khuôn hình vuông dài hơn gang tay.

Theo chị Hồ Thị Kim Liễu- Phó trưởng ấp Rạch Vẹt, chúng tôi đến thăm nhà chị Phan Thị Minh Thao. Chị Thao vừa ngồi đan vừa tâm sự: “Nhà tui mới bị chập điện cháy hết, không còn cái áo mà bận.

May nhờ biết cái nghề này mà có thể kiếm tiền cho con đi học”. Chị cho biết, trước bán đồ rẫy ở chợ nhưng có con nhỏ nên đành phải bỏ chuyện buôn bán. 7- 8 năm nay gắn bó với nghề đan lác, chị có thể chăm sóc tốt cho con rồi tranh thủ kiếm thêm 500.000- 600.000 đ/tháng.

Chồng chị Thao đi làm hồ, công việc cũng bấp bênh nên số tiền của chị tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho con đi học. Chị Thao cười khoe: “Con tôi học tiểu học, rảnh cũng biết phụ mẹ cắt dây”.

Cả gia đình có thể cùng đan lác để vừa tăng thu nhập vừa gắn kết mọi người với nhau, cùng san sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống.

Chị Hồ Thị Kim Liễu cho biết: “Trong ấp có 25 người làm nghề này, chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi. Chồng con nếu có thời gian cũng đan được tuốt”.

Trẻ nhỏ thì cắt dây, người lớn thì đan trong những lúc nông nhàn, buổi tối trước khi đi ngủ “đều có thể đan kiếm tiền”.

Cùng ở ấp Rạch Vẹt, cô Lê Thị Ngọc Ánh năm nay 60 tuổi và đã gắn bó với nghề hơn 10 năm, từ cái thời “đươn dây chuối tới lục bình rồi dây nhựa”.

Cô Ánh cười hiền khô: “Tui cũng hổng biết người ta mướn mình đươn để làm gì nhưng lớn tuổi rồi, mần được ra tiền mừng lắm”. Ở tuổi này, nên cô Ánh vừa trông cháu vừa “khi nào huỡn thì làm, thêm đồng ra đồng vô”.

Đến ấp Tầm Vu

Cô Lê Thị Ngọc Ánh (trái) có 10 năm gắn bó với nghề “đươn”.
Cô Lê Thị Ngọc Ánh (trái) có 10 năm gắn bó với nghề “đươn”.

Men theo con đường đan quanh co đến ấp Tầm Vu, chúng tôi tìm gặp chị Thái Thị Kim Chi. Chị là cán bộ năng nổ trong phong trào phụ nữ, trẻ em và dân số, chị cũng chính là người “thầy” dạy đan cho chị em trong xóm.

Chị kể, trước khi trung tâm dạy nghề xuống đào tạo, chị phải qua xã khác học. Dần dà rành nghề, chị chở dây lác và dụng cụ về nhà để giúp đỡ chị em khác học.

Từ đầu năm đến nay, ấp của chị đã mở được 4 lớp học cho 140 học viên. Những người học xong đa phần đều theo nghề này, người làm khá mỗi ngày khoảng 12- 15 khuôn thì thu nhập đều đặn hơn 1 triệu đồng/tháng.

“Chị em kiếm được tiền đỡ lắm, phấn khởi sắm sửa trong gia đình. Đươn riết ghiền, có khi làm tới 11 giờ tối mà hổng hay luôn”- chị kể.

Chị Kim Chi cho biết, trong ấp có đến 7 người khoảng 60 tuổi làm nghề đan dây lác này như cô Đời, cô Nhung, cô Tiếu, cô Thu Ba,…

Vừa đúng lúc đó thì cô Nguyễn Thị Út (59 tuổi) chạy xe đạp đến, cùng góp lời: “Tui hay chạy xe đạp lấy dây với giao hàng nè. Lớn tuổi lại ở một mình, buồn lắm.

Bây giờ có việc làm nhẹ nhàng, sống khỏe. Mỗi ngày làm 15 cái khuôn, thời gian rảnh thì tui qua nhà hàng xóm chơi, karaoke vui vẻ với chị em”.

Bên những ngôi nhà xinh xinh kiểu mới, các chị các cô ở ấp Tầm Vu thường cùng ngồi đan và trò chuyện cùng nhau. Những nụ cười, những câu chuyện rôm rả về con bò lai sind mới mua, về cô con gái mới vào đại học,… mà đôi tay vẫn thoăn thoắt đan lác đều đều.

Trong năm 2017, huyện Trà Ôn lên kế hoạch dạy nghề cho 600 lao động nông thôn. Đến nay, huyện đã thực hiện dạy nghề cho 897 lao động, đạt 149% kế hoạch đề ra. Xã Trà Côn là địa phương mạnh phong trào này với 313 lao động được dạy nghề.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn- cho rằng: “Đan lác giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, do qua nhiều trung gian nên tiền công của người lao động còn thấp. Xã chúng tôi mong muốn được đứng ra để ký hợp đồng trực tiếp với công ty gia công sản phẩm để nâng cao giá trị lao động của bà con”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY