Tăng cường giám sát cá nhân cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương người đứng đầu

Cập nhật, 17:50, Thứ Sáu, 22/02/2019 (GMT+7)

Đó là một trong những nội dung trọng tâm để giám sát, phản biện xã hội (GS- PBXH) trong năm 2019, được đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về GS-PBXH và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tổ chức ngày 22/2.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Long.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Long.

Ngoài ra, MTTQ các cấp sẽ tập trung giám sát về cải cách thể chế, thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phòng chống tham nhũng…

Đồng thời, phấn đấu 100% ủy ban MTTQ các địa phương tham mưu cấp ủy ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; tăng cường tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên tất cả các lĩnh vực…

Qua 5 năm thực hiện các hoạt động GS- PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp  đã thể hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá cao.

Sau 5 năm, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức trên 82.865 cuộc GS- PBXH; có 47/63 tỉnh- thành đã ban hành quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 47/63 tỉnh- thành đã ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân. Đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các tỉnh- thành thực hiện tốt và thực hiện đến cùng trách nhiệm của mình.

Tin, ảnh: BÙI THANH