Dân kêu khổ vì công trình hạn mặn Vàm Lịch- Mỹ Long "ì ạch"

Cập nhật, 05:21, Thứ Năm, 03/08/2017 (GMT+7)

Công trình nạo vét kết hợp đắp bờ bao kinh Vàm Lịch- Mỹ Long (xã Chánh An- Mang Thít) khi mới bắt đầu, được nhiều nông dân nhiệt tình ủng hộ. Bởi, nông dân ở đây chủ yếu sống bằng vườn cây, ao cá…

Có bờ bao vừa ngăn mặn vừa ngăn lũ, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, công trình “ì ạch” làm giao thông khó khăn và ảnh hưởng đến cầu Phao Lô, khiến việc đi lại trở thành nguy hiểm.

Qua cầu “tử thần”

Dọc theo Đường tỉnh 902, chúng tôi đến ấp Vàm Lịch, một thanh niên chỉ đường cho biết không thể đi con đường cũ vào vườn vì xáng cạp đất làm đê hết đường đi rồi. Sau đó, anh chỉ chúng tôi đi tới chợ xã rồi hỏi đường đi vòng trong vườn “cho chắc”.

Con đường nhỏ gần chợ xã dẫn vào những khu vườn ấp Vàm Lịch và Mỹ Long càng trở nên lầy lội qua mấy ngày mưa thúi đất. Mới chạy được một đỗi, chúng tôi phải nín thở qua cầu Phao Lô.

Nín thở qua cầu…
Nín thở qua cầu…

Đây là cây cầu bắc qua kinh Phao Lô nằm vắt ngang 2 tuyến bờ bao của công trình nạo vét kết hợp đắp bờ bao kinh Vàm Lịch- Mỹ Long. Anh bạn đi chung rồ máy vô số 1 cho xe chậm chậm qua cầu, tôi nhát gan không dám ngồi sau nên đi bộ “cho chắc ăn”.

Thật ra đi bộ cũng không chắc chút nào vì nhịp giữa cầu cao cả chục mét so với mặt nước, lại rung rinh như cầu khỉ. Chị Lê Thị Bích Hảo ở nhà đối diện cầu nói với theo: “Ai đi qua cây cầu này cũng muốn... tắt thở vì sợ”. Một em bé chừng 6 tuổi đang đi dọc bờ sông nói ngọng nghịu góp vô “ây là cây cầu ử hần”- (đây là cây cầu tử thần- PV).

Trưởng ấp Vàm Lịch- ông Nguyễn Văn Lanh cho biết: “Cây cầu này bị xáng làm công trình đê bao va đập vào nhịp giữa nên bị hư hỏng nặng, sửa lại rồi nhưng chỉ tạm bợ.

Dân kêu “khổ” vì công trình làm nham nhở từng đoạn.
Dân kêu “khổ” vì công trình làm nham nhở từng đoạn.

Hai cây đà của nhịp giữa ở một đầu đã gom vào nhau thành như hình chữ V, mấy tấm đan lót thì nghiêng lắc như bập bênh mỗi lần có xe qua. Mấy cô chú qua nhớ chạy cẩn thận ở nhịp giữa, coi chừng lật đan lọt sông chết luôn à nghen”.

Cầu Phao Lô nối liền đường đi đến trường của nhiều học sinh, đường đi chợ, đi thăm vườn, vận chuyển trái cây, đi làm… của người dân nên vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt nơi đây.

Mỗi lần có xe máy chạy qua cầu là cả nhịp giữa rung lên, những tấm đan lót tạm không có gì níu kéo với đà kêu rầm rập.

Hai bên mép đan vảnh lên như thách thức, vì những tay lái xe “thứ thiệt” mới qua được. Cầu Phao Lô giờ được bà con qua lại đặt nhiều cái tên “cười ra nước mắt” như cầu nín thở, cầu tử thần, cầu tắt thở, cầu đám giỗ,…

Ông Nguyễn Văn Phúc (ấp Vàm Lịch) cho biết: “Có chủ trương xây cầu Phao Lô rồi, có kinh phí hỗ trợ rồi và cũng khảo sát năm lần bảy lượt rồi đó chứ, nhưng chừng nào làm thì chúng tôi không biết”.

Đường đá bất đắc dĩ

Lần đầu đến Vàm Lịch, chúng tôi cứ ngỡ “đặc trưng” ở đây là những con đường trải đá luồn trong những vườn nhãn, vườn dừa xiêm mát rượi, không ngờ đây là con đường tạm bà con tự hùn tiền đổ đá để đi lại chờ công trình đê bao.

Chị Nguyễn Thị Yến Oanh có con học lớp 6 đang ngao ngán vì sắp tựu trường: “Mỗi lần chở con đi chợ đã lấm lem, đi đường vườn thì xa, đi đường đê thì toàn sình lầy, lùm cỏ, đoạn cao, đoạn thấp mà mưa thì sình ngập lút đi bộ còn khó”.

Anh Nguyễn Tuấn Minh cũng ở ấp Vàm Lịch đứng khoanh tay nhìn ra mé bờ bao, thở dài “cái đường này… thôi hết nói…”

Hết nói vì con đường đan ngày nào nay thành con đường đất trơn trợt nham nhở chỗ cao, chỗ thấp. Hết nói vì anh có 2 đứa con nhỏ phải đưa đi học mỗi ngày và toàn đi bộ vì không thể chạy xe. Muốn đi xe, anh phải lội bộ một đỗi rồi lấy xe gửi ở nhà người quen, sau đó chạy luồn trong vườn nhãn ra xã.

Ông Nguyễn Văn Lanh cũng lắc đầu, bởi ông là trưởng ấp từng vận động bà con hiến đất làm bờ bao, giờ nhiều người gặp ông chỉ than “biết vậy hồi đó tui không đồng ý cho làm đê bao chi ráo” là ông lại thấy xốn xang.

Ông Lanh nhẩm tính: “Công trình thi công gần 5 tháng rồi, chỗ thi công trước cỏ đã mọc cao tới đầu, mấy gốc điên điển đã sống lại và trổ bông luôn”.

Ông Lanh và nhiều người dân ở 2 ấp này đều biết công trình thực hiện trong 9 tháng. Tuy nhiên, công trình cứ “khi lặn khi hụp” và đào đắp nham nhở khắp nơi. Nhiều chỗ đất nhô cao, nơi thì thấp. “Khổ nhất là khâu vận chuyển trái cây rồi sắp tới là tựu trường tụi nhỏ đi học lấm lem hết”-ông Lanh nói thêm.

Để tạo đường đi tạm thời, bà con nơi đây đã hùn tiền, hùn công để đổ đá theo những con đường mòn trong vườn để đi. Mới 4 tháng mà con đường đã “ngốn” hơn 6 triệu đồng tiền đá.

Sắp tới, con đường đá bất đắt dĩ này phải thêm đá nữa mới đi được vì nhiều chỗ đã lầy lội bùn sình sau mỗi trận mưa. Người đi bộ thì trợt ngã lấm lem, còn xe chạy thì như làm xiếc.

Trong khi những tấm đan cũ còn tốt bị móc lên bỏ lăn lóc hai bên đường.
Trong khi những tấm đan cũ còn tốt bị móc lên bỏ lăn lóc hai bên đường.

Nhìn mấy tấm đan nằm chỏng chơ rơi rớt trên đê, dưới sông, anh Ngô Thanh Sang tiếc nuối: “Hồi đó, đường này được làm đan dày và tới lúc đập vẫn còn ngon lắm, giờ đan nằm lăn lóc khắp nơi. Phải chi bên công trình họ san lấp cho bằng rồi để đan lại cho tụi tui nhờ”.

Anh Nguyễn Tuấn Minh thì cho rằng: “Làm đê bao thì dân cũng mừng nhưng phải làm nhanh, làm theo kiểu cuốn chiếu cho dân có đường đi”.

Trưởng ấp Nguyễn Văn Lanh đại diện cho bà con bị ảnh hưởng bởi đê bao chỉ mong “công trình đê bao sớm hoàn thành để trả đường đi lại cho nhân dân.

Thêm vào đó là nhanh chóng xây dựng cầu Phao Lô để chúng tôi yên tâm đi lại, chứ mỗi lần đi ngang phải nín thở, khổ lắm”.

Công trình nạo vét kết hợp đắp bờ bao kinh Vàm Lịch- Mỹ Long (xã Chánh An- Mang Thít) gồm 1 tuyến chính kinh Vàm Lịch- Mỹ Long dài hơn 7.800m. Nhánh phụ kinh Phao Lô dài 855m, đắp bờ 2 bên. Công trình chính thức thi công từ đầu tháng 2/2017, thời gian thi công 9 tháng. Kinh phí xây dựng gần 5,6 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng ấp Vàm Lịch có hơn 83ha vườn chịu ảnh hưởng bởi công trình, trong đó có hơn 100 hộ dân có đường đi là bờ bao chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN