Long Hồ

Giải pháp "nhà lưới cho rau màu"

Cập nhật, 05:19, Thứ Tư, 31/05/2017 (GMT+7)

Nhà lưới trồng rau màu không phải là mới, tuy nhiên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi- ngoại trừ vùng xà lách xoong ở TX Bình Minh, huyện Bình Tân và vẫn còn nhiều nông dân chưa “chấp nhận”.

Trong khi đó, có 2 nông dân ở xã Phước Hậu (Long Hồ) đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng làm nhà lưới cho rẫy màu, mỗi người có cách làm riêng nhưng cùng hướng tới mục đích chung là: hiệu quả kinh tế và rau sạch cho người tiêu dùng.

Chị Mai Kim Cương trong vườn rau nhà lưới.
Chị Mai Kim Cương trong vườn rau nhà lưới.

Giấc mơ rau sạch

Cơ ngơi của đôi vợ chồng trẻ- anh Hồ Tấn Việt và chị Mai Kim Cương (ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu- Long Hồ)... đăng đăng đê đê công việc.

Chúng tôi gọi đùa là mô hình nuôi trồng liên đa ngành gắn với công nông phối hợp. Chị Kim Cương thấy chồng vốn là thợ cơ khí lành nghề có hơn chục năm kinh nghiệm, nên sau khi lập gia đình, đã đề nghị chồng nghỉ việc về mở xưởng riêng đồng thời tập trung cho ruộng rẫy.

Cái xưởng làm đồ sắt của anh Việt nằm giữa những đám ruộng lúa, rẫy màu cùng với chuồng bò 5 con và lũ khũ gà, vịt. Còn chị Kim Cương là giáo viên mầm non, ở trường thì thôi, về đến nhà là nhảy ra ruộng làm không ngơi tay cho đến tối mịt.

Có 6 công đất, cộng với thuê mướn tổng cộng là 22 công, quanh năm quay vòng, thâm canh, chuyển vụ đủ các loại rau, nhưng giấc mơ lớn nhất của vợ chồng anh Việt là làm sao sản phẩm mình làm ra được đưa đến tận tay người tiêu dùng đúng nghĩa là “rau sạch” và mình phải được thụ hưởng xứng đáng với thành quả, công sức làm ra mà không phải bị “chặn đầu, ép giá”.

Do đó, dù khó khăn mấy cũng phải đầu tư nhà lưới khép kín trồng rau sạch, thử nghiệm ban đầu với 700m2 trồng ngò, có chen thêm cải xanh, xà lách.... Tổng chi phí đầu tư các trụ xi măng, lưới bao khép kín, hệ thống bơm tự động... đã đứt nghiến 25 triệu đồng.

Trước mắt đã thấy hiệu quả rõ ràng, khi mà giống rau ngò khó tính “nắng không ưa, mưa không chịu” đã có thể phát triển tốt trong nhà lưới, trong khi các rẫy ngò xung quanh đều xệp lá.

Với giá ngò mùa này 70.000- 80.000 đ/kg, lời khá cao. Chỉ là cách làm tự phát, cũng không có đầu ra nào bảo đảm ổn định giá cao, nên chị Kim Cương bộc bạch: “Làm sao mà bà con mình cùng liên kết lại quyết tâm làm rau sạch, để có đủ năng lực tạo được niềm tin, để rau sạch mình được vào siêu thị, cung cấp cho các bé ăn trong trường học.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà nông dân mình cũng bán được giá cao, thoát cảnh bị tiểu thương ép giá nhiều lúc tức muốn rớt nước mắt luôn”.

Cái lợi của nhà lưới trước tiên là giảm ảnh hưởng của nắng, mưa đối với các loại rau mỏng lá, kế đến là hạn chế mầm bệnh từ đó mới không bị quá lệ thuộc vào phân bón, thuốc trừ sâu, để có được sản phẩm sạch thật sự.

Không đủ sức tạo thương hiệu, quảng bá sản phẩm, chị Kim Cương tự tiếp cận những người quen để cung cấp rau sạch hàng ngày đến tận gia đình.

Thiết nghĩ, nếu được... hà hơi tiếp sức, có sự phối hợp bài bản thì cách làm này chắc rằng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có lợi cho người tiêu dùng và cho cả nông dân.

“Từ đôi bàn tay trắng”

Cải xanh phát triển rất tốt khi được che lưới của gia đình ông Sua.
Cải xanh phát triển rất tốt khi được che lưới của gia đình ông Sua.

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng ông Nguyễn Văn Sua và bà Âu Thị Mỹ Lệ (cùng 54 tuổi) ở ấp Phước Lợi B. Nhà nằm sâu khuất trong con rạch cùng của vùng rau Phước Hậu.

Ông Thái Quang Sang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hậu- giải thích: “Ấp này cũng được ưu tiên đầu tư nhiều về đường sá giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi tốt nên giờ mới được thế này, hồi trước còn khó khăn lắm”.

Bà Mỹ Lệ tiếp lời: “Cái hồi năm 1994, khi vợ chồng tôi trắng tay vì nuôi vịt, phải quay về đây, khổ thôi khỏi nói, con đường hổng có mà đi, nhà mới có 2- 3 hộ nên điện nước đâu có mà xài”.

Câu chuyện làm giàu của vợ chồng ông Sua chỉ từ 2 công ruộng ban đầu từ tiền vay mượn, rồi nhờ đồng cam cộng khổ, kiên trì làm ăn và cũng do xác định đúng hướng đi.

Gia đình ông Sua hiện có hơn 6 công đất, nhưng... nằm ở 3 nơi và đều được trồng rau màu trong nhà lưới. Hồi mới đầu tư làm cột bao lưới cho rẫy màu, họ còn bị nhiều người trong xóm cho là... tào lao.

Nhưng qua những vụ mùa đầu tiên, ông Sua kết luận chắc nịch: “Cải ngọt, cải xanh người ta trồng ở ngoài hễ thu hoạch được 100kg thì rẫy tui chắc ăn 400kg đổ lên.

Giá cải ngọt 12.000 đ/kg, cải xanh 14.000 đ/kg, thử tính sơ sơ coi, mình đầu tư có mấy chục triệu làm giàn lưới có xứng đáng hông? Thêm phần hạn chế được nhiều sâu bệnh, nên đâu tốn chi phí phân thuốc, càng lời nữa”.

Bà Mỹ Lệ kể đứa con trai năn nỉ mẹ dành dụm tiền mua xe máy, bà tuyên bố một câu xanh rờn: “Khỏi đợi để dành con, ngày mai ra cửa hàng, mẹ lấy chiếc SH về cho con!”

Câu chuyện của bà Mỹ Lệ đã chân thực chứng minh cho hiệu quả chỉ cần 6 công rẫy, nếu biết cách làm ăn vẫn có thể làm giàu, bởi “một công rẫy bằng bảy công lúa mà”.

Cũng là cách để nhớ lại cái thời không đồng xu dính túi, nhớ ơn bà Út Tiến- vợ của ông Nguyễn Văn Mười Một (nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Hậu) đứng ra bảo lãnh cho vay nợ hơn 1 lượng vàng mua 2 công đất “nái”, rồi chỉ sau 2 vụ rẫy đã trả hết nợ nần.

Chúng tôi hỏi, vậy những lúc rau màu xuống giá bị ảnh hưởng nhiều không? Bà Mỹ Lệ giải thích: “Mình làm rau sạch mà, chủ yếu tốn công, tiền giống có mấy chục ngàn đồng, bán tệ lắm cũng được triệu bạc, làm sao mà lỗ? Mười mấy năm làm rẫy, tôi chưa sẩy vụ nào”.

Giờ đây, các con thì đi làm việc công ty, vợ chồng ông Sua sức khỏe không còn như xưa, nên đã chuẩn bị chuyển hướng qua trồng cây lâu năm. Ông chỉ những cây giống nhãn Idor, da bò Thái đang giăm xung quanh rẫy vài năm tới để dành “vợ chồng già nghỉ hưu”.

Chuyện gia đình ông Sua hay chuyện của đôi vợ chồng trẻ Hồ Tấn Việt cho thấy, nông dân có thể “tự quyết” trên mảnh ruộng của mình bằng những lối đi riêng, dám nghĩ, dám làm, để tăng giá trị nông sản, đặc biệt là cái tâm mong muốn đưa đến tận tay người tiêu dùng sản phẩm sạch nhất.

Nếu cùng hợp sức lại, cùng tâm huyết làm rau sạch, thì nông dân sợ gì người tiêu dùng quay lưng với những rẫy màu, với nông sản sạch.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG