Cần có lộ trình giải quyết lối đi dân sinh giao nhau với đường sắt

Cập nhật, 19:55, Thứ Ba, 30/05/2017 (GMT+7)

Ngày 30/5/2-17, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Đóng góp thêm cho dự án luật này, đại biểu cho rằng cho rằng Luật Đường sắt sau khi ban hành phải tạo động lực phát triển ngành một cách toàn diện, do đó phải có chính sách xã hội hóa mạnh mẽ, tạo cơ chế để nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường sắt.

Đại biểu đề nghị cần quy định chính sách đầu tư cụ thể hơn, phải quy định mức tối thiểu đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành giao thông vận tải.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là giải quyết xung quanh lối đi dân sinh, theo một số đại biểu, nên quy định đến năm 2020 phải giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng ngừa được tai nạn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, cũng có đại biểu băn khoăn bởi lối đi dân sinh này là một nhu cầu thực tế, đã là nhu cầu thì đương nhiên phải tồn tại.

Do vậy, đề nghị cần giao trách nhiệm quản lý như thế nào ở các cấp chính quyền địa phương, đồng thời phải ưu tiên nguồn lực, có lộ trình thực hiện từ lúc quy hoạch đến triển khai thực hiện, rồi đến quản lý nhà nước về lối đi dân sinh thì mới giải quyết được bài toán về tai nạn giao thông đường sắt tại các lối đi dân sinh trong thời gian vừa qua.

TÂM- THI