Trang viết xanh

Lưu bút học trò

Cập nhật, 21:02, Thứ Sáu, 20/05/2016 (GMT+7)

Mấy ngày hôm nay nắng hạ đã chan khắp mọi nẻo đường. Nắng tràn lên dãy bằng lăng giục những nụ hoa tim tím chớm nở.

Nắng cũng tràn lên những nhành phượng thắp màu đỏ khắp sân trường. Vậy là một mùa hạ nữa sắp đến. Một lớp học trò nữa sắp tạm biệt thời áo trắng. Đã qua rồi tuổi học trò nhưng tôi thấy nôn nao trong người. Tôi nhớ mùa hạ cuối của tuổi học sinh. Nhớ trang lưu bút với những nét chữ yêu thương bạn bè.

Học trò năm cuối cấp bận rộn lắm! Độ tháng 3 là rục rịch chọn trường, chọn ngành, làm hồ sơ rồi. Khỏi phải nói ai nấy đều âu lo đến độ mất ngủ.

Qua đợt chọn trường, lại cắm đầu cắm cổ ôn bài. Thời gian dường như trôi qua nhanh đến không ngờ. Hết tháng 4, lớp cuối cấp đã dường như kết thúc kiến thức bao gồm cả môn phụ và môn chính. Đến lớp, cả lũ đưa môn thi tốt nghiệp, đại học ra làm bài. Và cũng vào khoảng thời gian đó, những cuốn lưu bút tuổi xanh được chuyền tay nhau.

Năm cuối cấp mà! Sắp chia tay nhau rồi. Lưu luyến lắm! Cuốn lưu bút ngày đó coi như báu vật để lưu giữ lại khoảnh khắc thân thương của bạn bè. Mỗi đứa trong lớp đều chuẩn bị cho mình một cuốn sổ dày dặn.

Người cẩn thận, cầu kỳ chọn cuốn sổ có mã khóa, bìa cứng và giấy thơm màu mè. Người đơn giản hơn thì mua một cuốn dạng sổ tay. Công đoạn chuẩn bị trang đầu lưu bút cũng kỳ công không kém. Đó là dòng “tự bạch”; “Lý lịch trích ngang, trích chéo”.

Tất tần tật các thông tin được “khổ chủ” liệt kê vào trang đầu. Nhưng không đơn giản là những nét chữ bình thường mà phải là nét chữ “rồng bay phượng múa”. Thậm chí để có những cuốn lưu bút “độc nhất vô nhị” có người thuê hẳn anh chị dân “Kiến trúc” thiết kế, vẽ vời hoa lá cành bắt mắt.

“Này, nhớ viết cho tao là thật dài vô nghe chưa?”. “Viết lưu bút mà không kể kỷ niệm trong đó thì biết tay nhau nghe không mày?”...

Nhiều lời “hù dọa” như thế được trao khi đưa bạn bè cuốn lưu bút thân thương. Có khi trong một ngày tôi nhận được chục cuốn lưu bút. Về nhà dấm dúi ở bàn học viết cho từng đứa một. Vừa viết vừa lo sốt vó bố mẹ biết chuyện lơ là học tập.

Ừ, thì 12 năm đèn sách. Kỳ thi trước mắt quan trọng thật đấy. Nhưng bạn bè thì… chỉ còn những phút cuối ngắn ngủi bên nhau. Thế là gạt bỏ việc học qua một bên để tạo…cảm xúc trong những trang lưu bút. Tối chong đèn đến khuya học… bù.

Viết lưu bút cho bạn, đọc những dòng bạn viết cho mình và cho những bạn bè khác mới thấy bao nỗi niềm bâng khuâng. Tôi rớt nước mắt khi đọc dòng tâm sự của một người bạn trước kia khá thân.

Vì một hiểu lầm và cái “tôi” quá lớn chúng tôi đã không còn nói chuyện với nhau. Nhưng lời cuối trang lưu bút tôi với bạn mới chợt nhận ra cả hai đã để vuột trôi những phút giây bên nhau quý giá đến tiếc nuối ngỡ ngàng.

Rồi những trở trăn của những bạn vì hoàn cảnh mà phải sớm từ bỏ ước mơ rẽ sang một con đường mới. Chỉ còn ít hôm nữa thôi mỗi người sẽ bước vào một ngôi trường khác.

Bây giờ hỏi những đứa cháu thế hệ học trò thời @, chúng nó bảo chẳng mấy ai viết lưu bút bằng những quyển sổ như xưa nữa. Mà cả lớp có một fage riêng trên mạng xã hội. Mọi thứ như ảnh hay dòng tâm sự gì cứ up lên trên đó. Ừ, thì mỗi thời đại mỗi khác. Tuổi học trò xưa khác tuổi học trò nay.

Tôi không so bì hay bắt các em phải theo thế hệ chúng tôi ngày xưa. Tôi trân trọng những dòng kỷ niệm ngọt ngào trong trang lưu bút của mình.

Mỗi lần ngồi lật lại từng trang “lưu bút ngày xanh” của những năm tháng cũ, lòng nhẹ bổng, lâng lâng bởi tôi vừa nhận ra rằng: dù cuộc sống có thay đổi đến thế nào đi nữa thì dưới những mái trường, trong tâm hồn học trò, tình bạn bè vẫn tinh khôi như lũ chim sẻ lích chích dưới nắng vàng.

Quyền Văn