Về nguồn, thêm yêu đất nước

Cập nhật, 19:45, Thứ Sáu, 06/05/2016 (GMT+7)

Như những con sông luôn tìm về biển lớn, trong mỗi chuyến về nguồn ở từng địa danh lịch sử, chúng tôi càng hiểu và thêm yêu quý, tự hào, trân trọng những gì mà cha ông đã đổ máu xương để gìn giữ cho hôm nay và muôn đời sau.

Nhà tù Phú Quốc- nơi trước đây những người tù cộng sản trui rèn ý chí.
Nhà tù Phú Quốc- nơi trước đây những người tù cộng sản trui rèn ý chí.

Bài ca không quên

2 lần đến nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) cho tôi 2 cảm giác khác nhau, cách nhìn và cách nghĩ khác nhau. Lần đầu tiên đến đây, xem những hình ảnh, những bức tượng và những bộ phim tư liệu, tôi rợn người. Rồi cố gắng lau nhanh giọt nước mắt, khi xem mô hình tra tấn của cai ngục dành cho người tù cộng sản.

Tôi không phải là đứa “mít ướt” nhưng tôi không thể nén lòng khi biết dưới đòn thù tra tấn, những người chiến sĩ kiên trung như thế nào.

Lần thứ 2 đến đây, tôi vẫn đi theo chị thuyết minh suốt chuyến hành trình quen thuộc. Trí tưởng tượng làm cho tôi có cảm giác như mình đang chịu sự tra tấn: bị “nhốt chuồng cọp” hay bị đóng đinh, bỏ vào nước sôi,…

Một chút sợ hãi và nhiều căm hờn với câu hỏi “sao con người nỡ đối với con người như vậy?” Lời hát “Bài ca không quên” du dương theo làn khói hương mà khách viếng thắp cho liệt sĩ tại nhà tù Phú Quốc.

Có người đã khóc. Một bạn trẻ nói: “Đến đây, tôi tự thấy càng phải phấn đấu hết mình, phải xứng đáng hơn nữa”.

Về với địa đạo Củ Chi, chúng tôi bị mê hoặc bởi bóng mát của rừng. Khi đứng trước những cửa vào địa đạo, không ít bạn trẻ lo lắng: vào hay không vào?

Cô bạn đi trước mặt tôi đã bước xuống thang lại quay lên vì “lúc này lên còn kịp, chui vào đó thì sợ không ra được nữa. Mình sợ ngộp”. Thật lòng, tôi cũng sợ! Rồi dặn mình đã đến đây mà không vào địa đạo thì coi như chưa biết Củ Chi!

Con đường địa đạo đã thông thoáng hơn xưa gấp mấy lần nhưng người đi vẫn có cảm giác ngột ngạt bởi thiếu không khí. Hơi đất, hơi người rất khó chịu.

Cửa hầm lấp lóa, các bạn phía trước ùa ra thật nhanh, hít không khí trong lành. Giọng anh thuyết minh “đường bây giờ mở rộng cho khách tham quan chứ ngày xưa nhỏ lắm em à”. Mới biết, các chú, các anh đã phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ như thế nào.

Về tình yêu Tổ quốc

Bài học tôi và các bạn rút ra sau mỗi chuyến đi có thể không giống nhau nhưng điều chung nhất là sau mỗi chuyến về nguồn đã giúp chúng tôi vun bồi tình yêu Tổ quốc.

Tôi yêu cái bình dị, giản đơn ở Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, yêu những ngôi nhà thờ Bác ở Trà Vinh, Đồng Tháp,… với nỗi niềm “miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Tôi thích nghe những câu chuyện hào hùng mà các chị thuyết minh thường kể. Ở Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, tôi tự hào về một ông “Vua vũ khí” chỉ cần đọc qua vài lần là nhớ ngay những tài liệu của Pháp.

Một con người tốt nghiệp 5 trường đại học nước ngoài, biết 5 thứ tiếng,… với mức lương cao vút, đời sống tiện nghi lại rời Paris về với Việt Nam, về với cách mạng đang rất nhiều gian nan, thử thách.

Không gian mở ở Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt như một khu vườn miền Nam bốn mùa hoa thơm, trái ngọt với những hình ảnh, tư liệu cho thấy tâm huyết và những việc bác Sáu Dân đã làm vì nước, vì dân.

Tôi ngưỡng mộ vị lãnh đạo dám nghĩ, dám làm đã tạo nên những công trình lịch sử: đường điện 500KW Bắc Nam, đào kinh rửa phèn cho vùng tứ giác Long Xuyên,… Phải quyết đoán, táo bạo và thương dân lắm mới có những quyết định lịch sử như vậy.

Tôi muốn được đi khắp đất nước này, muốn ra tận Trường Sa, Hoàng Sa để thêm yêu những vùng biển, vùng trời Tổ quốc.

Bài, ảnh: CAO THỤY