Một nhà khoa học nặng lò̀ng vớ́i quê hương

Cập nhật, 11:10, Thứ Ba, 05/02/2019 (GMT+7)

Chúng tôi “chìm” trong những câu chuyện hấp dẫn của TS. Nguyễn Thanh Mỹ- Chủ tịch của Rynan Technogies (tỉnh Trà Vinh) về những sáng chế khoa học, về nhân lực đồng bằng, về chuyện khởi nghiệp,… dù còn nhiều trăn trở, ông thanh mỹ vẫn sáng ngời một niềm tin vào sự phát triển của ĐBSCL

NGƯỜI CÓ 200 BẰNG SÁNG CHẾ

TS. Nguyễn Thanh Mỹ xuất hiện giản dị với quần sọt, áo thun, mái tóc bạc trắng, nụ cười tươi và bắt tay hết những người có mặt. Nếu không trực tiếp gặp gỡ, khó thể tin được đây chính là Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (nổi tiếng trong sản xuất thiết bị ngành in ở Canada). Điều lý thú là ông trùng tên xã Thanh Mỹ- nơi ông được sinh ra. Đó có phải là lý do mà dù mấy chục năm xa quê, ông vẫn nặng lòng muốn quay về góp sức?

TS. Nguyễn Thanh Mỹ.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ.

Ở tuổi 60, ông cùng những kỹ sư trẻ nghiên cứu, sản xuất phao quan trắc để đo độ mặn, ngọt của nước sông; đồng hồ nước thông minh và phân bón thông minh phục vụ cho nông nghiệp an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, chuyện ứng dụng điện toán đám mây, Internet vạn vật vào canh tác lúa nghe có vẻ lớn nhưng thực chất lại rất gần gũi với nhà nông.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, nhà nông đã có thể ứng dụng tốt chuyện làm lúa thông minh. Không cần phải ra đồng, ở bất cứ đâu, nông dân đều có thể quản lý được mực nước, kiểm soát được độ mặn, chủ động tưới tiêu trong mùa màng. Đặc biệt, với phân bón thông minh thì mỗi vụ lúa chỉ cần bón một lần, tiết giảm được từ 30- 40% chi phí lẫn nhân công, giảm khí thải nhà kính hơn 50%.

Không gian xanh của Tập đoàn Mỹ Lan.
Không gian xanh của Tập đoàn Mỹ Lan.

Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Sử dụng phân bón chậm tan giúp giảm 45% đạm, lân và kali, góp phần giảm chi phí, giảm vận chuyển và giảm phân thừa làm ô nhiễm môi trường; đặc biệt chỉ bón 1 lần trước khi làm đất lần cuối, giảm công lao động từ 2- 3 lần.

Bên cạnh đó, phân chậm tan được vùi vào đất nên được đất giữ lại, giảm bốc hơi, rửa trôi, phân được vùi nên giúp bộ rễ ăn xuống sâu, giảm đổ ngã.

Nông dân Lê Văn Năm (huyện Cầu Kè- Trà Vinh) cho biết: “Khi cấy, mình dùng phân bón thông minh này bón vùi 1 lần thì thấy lượng giống, lượng phân cũng giảm. Trước rải theo kiểu truyền thống thì thấy sâu bệnh nhiều hơn, giờ canh tác theo phân bón thông minh thấy khỏe re, giảm rất nhiều chi phí và năng suất cao hơn”.

Bên cạnh, công ty tập trung vào bao bì, đóng gói khí cải tiến tức là mình không dùng hóa chất mà dùng không khí để bảo quản, tăng thời gian tồn trữ nông sản, thực phẩm lâu hơn 3-5 lần. Phân phối thương mại điện tử và máy bán hàng tự động, công ty ông còn làm máy in phun mã vạch để chống giả, truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

“Nông dân hay bị trường hợp được mùa mất giá, thì mình phải cố gắng làm sao để giúp nông dân được mùa mà giá cao hơn. Do đó, mình phải làm sao quan hệ với đối tác từ nước ngoài mua gạo giá cao, để nông dân có thu nhập tốt hơn”- TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết.

NHẬN DIỆN CƠ HỘI, THÁCH THỨC CỦA ĐỒNG BẰNG

TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ: Muốn thay đổi nền nông nghiệp thông minh hơn thì mình phải thay đổi cả một chuỗi giá trị nông nghiệp. Vấn đề trước mắt mà nông nghiệp Việt Nam hiện nay gặp phải là vật tư đầu vô thì gặp phân bón giả, không đủ chất lượng; nước thì bị mặn, biến đổi khí hậu.

Canh tác sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng quá dư thừa thuốc bảo vệ thực vật; rồi khi canh tác lúa lại phát thải khí nhà kính nhiều. Khi chế biến thì hơn 43% nông sản mình bị hư hỏng (là do thu hoạch, vận chuyển, tồn trữ, đóng gói bao bì không đúng cách).

Còn trong phân phối, nông dân gặp quá nhiều tầng lớp trung gian. Nông dân tạo ra nhiều nông sản nhưng lại được hưởng ít nhất. Còn người tiêu dùng thì không biết xuất xứ, nguồn gốc nông sản mình mua, sợ lo bị nhiễm chất bảo vệ thực vật.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ trăn trở: “Việt Nam là quốc gia mà lúa gạo là hàng xuất khẩu chủ lực nhưng gạo Việt chưa có mặt trong danh sách những loại gạo có giá trị trên thế giới. Mặt khác, sản xuất lúa ở Việt Nam gây ra lượng phát thải khí nhà kính chỉ đứng thứ hai sau sản xuất năng lượng”.

Dù còn nhiều trăn trở nhưng TS. Nguyễn Thanh Mỹ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vì “mấy mươi năm trở lại quê hương, tôi thấy đất nước mình phát triển quá nhiều và Nhà nước có những chính sách rất hay”.

Ông cũng đánh giá cao nhân lực ĐBSCL: “Các cháu rất giỏi, tôi tin vào người trẻ, công ty của chúng tôi và những phát minh, sáng chế có được cũng nhờ các cháu hỗ trợ. Chỉ là các cháu còn thiếu cơ hội và thiếu môi trường để phát huy”.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ, muốn có nhân tài, doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư. Trong việc gầy dựng chuyện làm nông nghiệp thông minh, lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo được xem là nguồn tài nguyên quý.

Đa số đều được tuyển chọn từ các trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh, với độ tuổi trung bình 25. Nhân viên Trịnh Ân cho biết: “Nếu chú có ý tưởng về một sản phẩm nào thì chú về trình bày và như truyền cảm hứng với tụi em về sản phẩm đó sẽ giúp bà con được những gì. Nên khi đó, tụi em hăng say làm việc để khi sản phẩm làm ra sẽ giúp ích cho nông dân”.

Môi trường làm việc thân thiện, giúp người trẻ sáng tạo.
Môi trường làm việc thân thiện, giúp người trẻ sáng tạo.

Phải hành động để những người nông dân ở ĐBSCL trù phú này không còn nghèo trên thửa ruộng của mình. Đưa công nghệ vào ruộng đồng là việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hạt gạo Việt Nam một cách khoa học. Qua đó, sẽ giải phóng nông dân và giảm tác động tiêu cực của thương lái, giúp nông dân thoát nghèo.

 

TS. Nguyễn Thanh Mỹ (Việt kiều Canada) quê ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Thuở nhỏ, ông mưu sinh bằng cách bán cà rem và bánh mì, thời gian còn lại thì đi học lóm. Năm 1978, tốt nghiệp Trường ĐH Phú Thọ (nay là ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Năm 1979, ông sang Canada, làm đủ nghề rửa chén, bồi bàn, làm bếp,… để kiếm sống và đi học. Sau 7 năm, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và nghiên cứu sinh tiến sĩ về “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”.

 

 

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN