Người lưu giữ quá khứ qua tem

Cập nhật, 14:23, Thứ Tư, 30/09/2015 (GMT+7)

Sưu tầm tem thư là một môn chơi được nhiều người quan tâm. Nhưng sưu tầm, tập hợp, xâu chuỗi thông tin lại rồi mở CLB hướng dẫn học sinh, định hướng học sinh niềm đam mê khám phá, tiếp cận kiến thức văn hóa lịch sử là việc mà không mấy người thực hiện được.

Ở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn- An Giang) có một người mà ngót 50 năm qua đã cần mẫn như con ong ngày ngày sưu tầm tem thư và tổ chức lớp học hướng dẫn học sinh, truyền cho các em niềm đam mê và cách khám phá kiến thức vô tận trong từng con tem nhỏ bé. Tên ông là Trần Hữu Huệ.

Bộ tem quý về Hoàng Sa- Trường Sa

Ông Trần Hữu Huệ bên bộ tem về Bác Hồ cùng Hải quân Nhân dân Việt Nam và bộ tem “Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ”.
Ông Trần Hữu Huệ bên bộ tem về Bác Hồ cùng Hải quân Nhân dân Việt Nam và bộ tem “Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ”.

Trong suốt 50 năm qua, ông Huệ đã cất công sưu tầm bằng nhiều cách khác nhau. Cụ thể như tham gia nhiều CLB để trao đổi tem thư và học hỏi cách chơi, xu thế chơi tem mới của Việt Nam và thế giới. Theo ông Huệ, chơi tem thư cũng như làm báo, phải có tính thời sự bên cạnh tính lịch sử, văn hóa. Người chơi tem cũng phải có tầm nhìn xa và có sự nhạy cảm với thời cuộc. Nói đoạn, ông mang ra cho tôi xem bộ tem về Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ. “Bộ tem này được bưu điện nước ta phát hành từ năm 1988 và chỉ phát hành duy nhất một lần”- ông cho biết. Trên con tem mệnh giá 100đ có in hình bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên dưới ghi chú tên bản đồ là “Đại Nam nhất thống toàn đồ”. “Đại Nam nhất thống toàn đồ” là bản đồ địa lý nước Đại Nam (tên nước Việt Nam dưới thời Nguyễn, cụ thể là vào thời vua Minh Mạng) do Quốc sử quán triều Nguyễn ấn hành năm 1838. Theo từ điển mở Wikipedia.org thì bản đồ này được Chính quyền Việt Nam cộng hòa công bố trong sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa năm 1975 và cho rằng đây là bản đồ của Phan Huy Chú xuất bản năm 1838. Tờ bản đồ này cũng được Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sử dụng làm căn cứ lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền nước ta đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trên con tem có mệnh giá 10đ in hình chiếc tàu gỗ đang hướng mũi ra khơi, một binh phu đang thổi chiếc tù và với hình ảnh của Hoàng Sa, Trường Sa cùng 2 chữ “Thuận Hóa” và phía dưới được ghi chú “Đôi Hoàng Sa, thế kỷ XVII- XVIII”.

Bộ tem “Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ”.
Bộ tem “Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thì bộ tem về Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ là bộ tem rất quý, góp phần củng cố cứ liệu về chủ quyền biển đảo nước ta. Còn theo ông Huệ, khi được sở hữu bộ tem này ông đã rất trân trọng. Khi chủ quyền biển đảo bị xâm lấn, ông đã rớt nước mắt khi nâng niu bộ tem thư của mình và đã viết bài về nó đăng trên các website về tem thư như một cách thể hiện quan điểm, cung cấp thông tin và cứ liệu. “Khi hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa được in trên tem thư từ năm 1988 thì tức là nó đã được đi khắp thế giới rồi”- ông Huệ khẳng định.

 

Từ niềm đam mê du lịch…

Hàng ngày, ông Huệ cần mẫn phân loại nhiều phong thư có các loại tem được bạn bè gửi tặng, và cả những con tem theo chủ đề để làm quà cho học sinh trong CLB tem thư của mình. Ông tâm sự, từ nhỏ đã đam mê du lịch, nhưng gia đình khó khăn nên ước mơ xê dịch của ông khó thực hiện được. Một lần, khi nhìn thấy các con tem trong bưu điện có hình phong cảnh cùng chú thích cặn kẽ, ông đã nảy sinh ý định sưu tầm thật nhiều tem thư, xem như là mình đang đi du lịch thông qua tem. “Chơi tem như là đi du lịch mà không tốn tiền. Mình chỉ cần ngồi tại nhà, sưu tầm nhiều con tem và tổng hợp kiến thức lại thế là vừa có được tem, vừa có kiến thức và cũng như đã được đi đó đây”. Đó là chia sẻ của ông về động cơ sưu tập tem thư của mình, nó xuất phát từ một lý do mà theo ông là không liên quan nhau như thế.

Tuy nhiên, dần dà, kho tem của ông nhiều lên. Cũng từ đây, ông bắt đầu sưu tầm theo chủ đề và cũng gửi đi dự thi cả trong lẫn ngoài nước. Đến bây giờ, những chủ đề mà ông thích và sưu tầm nhiều nhất là về Bác Hồ, về Quân đội nhân dân Việt Nam, phong cảnh làng quê Việt Nam, biển đảo Việt Nam. Hiện tại ông có tất cả 20 bộ sưu tập tem hoàn chỉnh với 1.600 tờ tem, 200.000 con tem có phong bì và hàng triệu con tem khác. Cũng trong thời gian qua, những bộ tem mà ông cất công sưu tầm đã mang về cho ông hàng chục giải thưởng cả trong và ngoài nước.

 

... Đến mở CLB
học trò chơi tem

Không dừng lại ở công tác sưu tầm, giữ gìn, 9 năm qua, ông Trần Hữu Huệ còn mở một CLB chơi tem tại Trường THCS thị trấn Núi Sập để truyền thụ niềm đam mê khám phá kiến thức, lòng tự hào dân tộc từ thú chơi này.

Từ CLB chơi tem này, nhiều bạn trẻ đã có thêm kiến thức phục vụ cho việc học, cho cuộc sống.
Từ CLB chơi tem này, nhiều bạn trẻ đã có thêm kiến thức phục vụ cho việc học, cho cuộc sống.

Và thế là, CLB của ông đã thu hút hàng trăm học sinh của trường tham gia. Em Huỳnh Đăng Khoa (học sinh lớp 7) cho biết: Được tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa qua tem thư là một niềm tự hào. Lớn lên, em sẽ cố học thật giỏi để được đóng góp cho biển đảo quê hương. Còn em Võ Thị Huỳnh Như (học sinh lớp 9) thì chia sẻ: Chơi tem đối với em là thu nạp thêm kiến thức như là một môn ngoại khóa. Có điều khác là kiến thức ở tem rất phong phú, em có thể tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, về Bác Hồ, về các nguyên thủ quốc gia và có thể đi du lịch các nước qua tem thư.

Ông Huệ cho biết, 50 năm chơi tem của ông sẽ là vô nghĩa nếu những kiến thức từ những con tem đó không được học sinh tiếp thu, mở rộng. Từ CLB chơi tem này, nhiều bạn trẻ đã có thêm kiến thức phục vụ cho việc học, cho cuộc sống. Và quan trọng hơn, từ CLB này, chủ quyền quốc gia luôn được các em nuôi nấng để phát triển thành niềm tự hào mang tên Dân Tộc.

Phan Trường Sơn