Làm lúa thuận "ông trời"

Cập nhật, 10:48, Thứ Hai, 14/09/2015 (GMT+7)

Để né thời tiết bất lợi khi thu hoạch, nhất là vụ Hè Thu và Thu Đông, hiện nhiều địa phương đã “chạy đua” làm lúa sớm. Thay vì tập trung sạ đợt chính vụ như trước thì bây giờ họ dời thời gian lên trong đợt sớm. Diện tích này cứ thế tăng dần lên qua các năm. Tuy nhiên việc làm này có nên mở rộng hay không?

Dời lịch làm sớm hơn 1 tháng so năm trước, bà con ở xã Nhơn Bình thu hoạch lúa trong mùa nắng, lúa vẫn đạt năng suất cao.
Dời lịch làm sớm hơn 1 tháng so năm trước, bà con ở xã Nhơn Bình thu hoạch lúa trong mùa nắng, lúa vẫn đạt năng suất cao.

Làm lúa theo thời tiết

Vừa thu hoạch vụ lúa Thu Đông hồi đầu tuần, bác nông dân Nguyễn Quang Vinh ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) vui mừng cho biết, “chưa có năm nào thu hoạch lúa mà bà con ở đây lại phấn khởi như năm nay”. Do ở đây dời lịch gieo sạ lên trước 1 tháng so với các năm trước, tức là sạ Đông Xuân trong đợt sớm (ngày 25/8, 10/9 âl), nên kéo theo làm vụ lúa Hè Thu, Thu Đông cũng sớm theo. Nhờ vậy khi vào những vụ thu hoạch của vụ Hè Thu và Thu Đông thì đã rơi vào thời tiết thuận lợi, giá cả giữ mức ổn định và vẫn giữ được năng suất cao. “Bình quân đạt năng suất khoảng 35 giạ/công, cũng bằng vụ này năm ngoái, nhưng đã thuận theo ông trời, không bị mắc mưa dầm nữa”- ông Vinh vui mừng nói.

Theo bà con ở Nhơn Bình, ở những vùng đất gò, chủ động được nước thì đã có kinh nghiệm làm Đông Xuân sớm từ lâu đời, nhưng ở đây chỉ làm được 3 vụ vừa qua nhờ có đê bao khép kín.

Chuẩn bị thu hoạch, anh Trần Hữu Phúc ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cũng cho biết, bà con ở đây chuyển qua sạ trong đợt sớm đã mấy năm nay. Mỗi khi vào vụ là ít khi nào mưa dầm, bởi vậy nên từ lúc làm được bà con chạy theo làm sớm luôn tới giờ.

Theo ông Ôn Thanh Ngân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, một số vùng đất gò cặp QL54 như Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân,… bà con có truyền thống làm lúa chất lượng cao bán trước tết, nên các vụ sau đều làm sớm rất thuận lợi.

Báo cáo của Phòng Nông Nghiệp- PTNT Trà Ôn cho thấy, vụ Đông Xuân vừa rồi có tới 7.500ha bà con sạ trong đợt sớm còn lại làm đợt 1 (25/9, 10/10 âl) là 3.500ha ở Hòa Bình, một phần của các xã Xuân Hiệp, Hựu Thành, Thới Hòa. Do đó, kéo theo vụ Hè Thu, và Thu Đông cũng thực hiện sớm. Cụ thể, số chuyển đổi lịch thời vụ đợt 1 sang đợt sớm tăng gần 3.500ha so với các năm, tập trung ở xã Nhơn Bình, Trà Côn, một phần của 2 xã Thới Hòa, Xuân Hiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp- PTNT cho biết, vụ Thu Đông năm nay có hơn 15.400 bà con làm lúa sớm, đã vượt so kế hoạch (12.000ha), tập trung ở những vùng ven QL54 của Trà Ôn, Vũng Liêm, TX Bình Minh, vùng đất gò ven sông Măng Thít thuộc Tam Bình, ven sông Tiền thuộc Mang Thít. Trong đó Trà Ôn chiếm tỷ lệ cao nhất.

Từ ngăn cản sang… khuyến khích!

Trao đổi về việc một số nơi dần chuyển sang đợt sớm, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm nói, trước đây mình khuyến cáo bà con sạ tập trung trong 2 đợt (đợt 1 và đợt 2 hiện nay), nên trong đợt sớm không đưa vào lịch gieo sạ, thậm chí có lúc mình ngăn cản, nhưng từ năm 2011 đến nay thì mình chuyển sang khuyến khích.

Nguyên nhân chuyển đổi này theo ông là do đúc kết từ thực tế sản xuất của bà con nông dân. Bởi từ lâu, dù mình chưa công bố lịch xuống giống là nhiều nơi đã sạ. Có năm diện tích sạ sớm tới 5.000ha, nhưng có năm xuống còn 2.000ha. Rồi những năm có đợt dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá bùng phát mạnh (2006- 2008) thì mình ngăn cản luôn. Và lúc đó ở khu vực của Trà Ôn, nông dân nào bất chấp sạ sớm là lúa bị ảnh hưởng nặng nhất, khi dịch rầy xảy ra thì ở đó chống rầy cực nhất.

Tuy vậy, qua đợt dịch rầy nâu, ông Nguyễn Văn Liêm mạnh dạn đưa ra sáng kiến “Khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống thích hợp cho từng vùng sinh thái ở Vĩnh Long”. Ông tâm sự: “Lúc đầu tôi đưa ra nhiều anh em cũng ngại, còn ở Bộ Nông nghiệp- PTNT họ nói khó quản lý lịch thời vụ. Nhưng theo kinh nghiệm, tôi thấy mình nên làm vì đất gò, không chịu ảnh hưởng của lũ. Hơn nữa, thu hoạch sớm thì máy móc cũng dễ tìm, giá bán đa số được giá hơn đợt đông ken. Mà vụ Đông Xuân thu hoạch trước tết thì có tiền ăn tết, đặc biệt vẫn đảm bảo công tác phòng bệnh, năng suất, 2 vụ còn lại thì khi thu hoạch đỡ phải lo thời tiết bất lợi”.

Sau khi sáng kiến trên được công nhận, đưa vào áp dụng từ năm 2011, từ đó khuyến cáo ở những vùng cụ thể và đủ điều kiện sẽ làm sớm. Từ khi khuyến khích và đưa vào lịch xuống giống (đưa ra 3 đợt gồm đợt sớm, đợt 1 và đợt 2), số lượng sạ sớm đã tăng dần qua từng năm. Đến nay, qua 4 năm thực hiện thì từ con số 5.000ha nay hơn 15.400ha, vượt kế hoạch đầu năm đề ra.

Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn Nguyễn Thanh Bình nói, qua một thời gian dài làm sớm nhận thấy nhiều điều kiện thuận lợi. Đặc biệt, né được mưa dầm mùng 5/5 âl ở vụ Hè Thu, đến vụ 3 lúa trổ và chín ngay nắng tháng 7 (hạn bà chằn). Trước làm sớm chủ yếu là vùng có địa hình cao ở cặp QL54, còn bên Bắc Trà Ngoa là vùng trũng nên sạ trong đợt sau. Nhưng gần đây đê bao, thủy lợi được đảm bảo, hầu hết các xã đã chuyển đổi sang đợt sớm.

Tuy việc chuyển đổi của bà con không còn bị ngăn cản như trước, nhưng không phải ở đâu muốn chuyển đổi cũng được. Bởi dù đê bao khép kín, chủ động được nước nhưng cũng không nên vội làm. Vì qua kinh nghiệm tại xã Phú Quới (Long Hồ) vừa qua đã xuống giống Đông Xuân sớm khiến năng suất giảm xuống thấp.

Mở rộng ở vùng thích nghi

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT nhấn mạnh, việc mở rộng thì theo những vùng thích nghi, như vùng gò cao ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, chứ không mở rộng hết trên địa bàn của tỉnh. Theo tôi, chỉ có thể mở rộng tối đa đến năm 2020 khoảng 20.000ha là hết mức, tức khoảng 1/3 diện tích. Tùy theo đê bao khép kín, chủ động tưới tiêu, lấn dần dần vùng giáp ranh, nhưng phần còn lại những vùng trũng, chịu ảnh hưởng lũ thì phải chấp nhận, làm sớm quá thì không được. Bởi thường chỉ có vùng đất gò làm đạt năng suất, còn vùng trũng, đất lung làm là dễ thất.

Bài, ảnh: TẤN ANH