Trở lại vùng bưng

Cập nhật, 15:57, Thứ Hai, 24/08/2015 (GMT+7)

Xe chúng tôi từ TP Vĩnh Long, theo QL 53, ôm nút giao thông ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm) rẽ vào Đường tỉnh 901, hướng tới trung tâm xã Hòa Bình (Trà Ôn). Con đường tuy mở đã lâu, nhưng rất thoáng mát. Hai bên là ruộng lúa, ầm ào gió. Anh bạn ngồi sau yên xe tôi là dân viết lách ở TP Vĩnh Long lâu lâu mới xuống chơi, nói đùa: “Tụi mày ở vùng sâu nên anh em ít tới”.

Vùng sâu Bưng Sẫm giờ trường đủ, điện sáng, đường thông. Ảnh: TẤN ANH
Vùng sâu Bưng Sẫm giờ trường đủ, điện sáng, đường thông. Ảnh: TẤN ANH

Quả thật Bưng Sẫm- Hòa Bình là “vùng sâu” của huyện Trà Ôn, nhưng không phải vì thế mà du khách ít tới. Chẳng qua là vì nó nằm “trái ngã đường”, không thuận hướng đi về miền quê sông nước. Nhưng điều đặc biệt thật sự khi về Bưng Sẫm làm chúng tôi xúc động là lòng mến khách của người Bưng Sẫm, từ các anh ở Đảng ủy, Ủy ban cho đến người dân thường ở các ấp vùng sâu. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy mình không về Bưng Sẫm là có lỗi, lỗi của ai đã quên những ngày gian khổ, khó khăn…

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình là Lưu Nhất Linh bỏ một ngày đưa chúng tôi đi về mấy ấp vùng Bưng Sẫm của xã Hòa Bình. Lúc đi bằng xuồng, lúc xe máy, khi đi bộ, anh chỉ tận nơi cho tôi xem dấu vết các đồn bót địch, cứ 5- 7 trăm mét là một cái đồn. Còn anh Ngọc Sơn- nguyên Xã đội trưởng Hòa Bình- nói anh đã tận mắt chứng kiến cảnh quân giặc mổ bụng, moi gan một người dân vô tội, với tiếng rên la thảm thiết, khiến anh và những người cùng đi, tay bám chặt be xuồng mà chiếc xuồng cứ rung lên từng hồi làm cho mặt nước sông Cái Dứa như dậy sóng! Anh nói ước gì anh có súng trong tay… Và, chúng tôi hiểu vì sao Bưng Sẫm là quê hương của “bưng biền và đánh giặc”…

Chiếc xuồng máy của chúng tôi đang chạy trên dòng sông Cái Dứa. Sông này nối thông ngọn sông Sa Rày (vàm Hòa Bình) theo hướng Tây Nam- Đông Bắc dài gần 4km đến Bưng Sẫm. Nguyên xưa, sông Cái Dứa là một sông tự nhiên, hai bên sông từ đầu vàm Sa Rày đi vào có mọc rất nhiều dứa gai; còn “Cái” là vì sông Cái Dứa nối với sông “cái” là Sa Rày, nên dân gian dần đặt tên cho con rạch. Từ sông Cái Dứa, có nhiều kinh rạch nhỏ chảy vào như rạch Lái Tân (rạch Hội đồng Hòa), rạch Phạm Văn Thâu (nay đã lấp), rạch Trảng, rạch Tư Đằng, rạch Cai Ngoạt. Đến cầu Chữ Y thì chia ra hai ngả, rẽ trái đi ra rạch Bà Soi (xã Xuân Hiệp), rẽ phải đi thẳng vào ngọn Cái Dứa, Bưng Sẫm. Trong 2 cuộc kháng chiến, sông Cái Dứa là tuyến đường huyết mạch để vào khu căn cứ Bưng Sẫm, nên địch cho đóng nhiều đồn bót tại đầu vàm Hòa Bình, trong cầu Chữ Y và bót đối diện phía bên kia rạch, với lực lượng thường trực gần cả tiểu đoàn. Tuy nhiên, với lợi thế là kinh rạch chằng chịt, cây cối mọc rậm rạp, nhất là khu vực ngọn Cái Dứa, Bưng Sẫm, năm 1947- 1949 là căn cứ địa vững chắc, là cơ quan hành chính của tỉnh.

Chiếc đò máy của chúng tôi chui qua dạ cầu Bưng Sẫm. Đây là một cây cầu rất nổi tiếng nối liền 3 ấp Hiệp Lợi, Hiệp Hòa và Hiệp Thuận, dẫn vào Bưng Sẫm, nên được người dân đặt luôn tên này.

Bưng Sẫm là vùng sình lầy rộng lớn, chiều ngang nơi rộng 700- 800m, nơi hẹp thì hơn 300m, dài 2km từ ấp Hiệp Thuận theo hướng Đông Bắc đến ấp Hiệp Hoà (xã Hòa Bình). Trước đây là một con sông tự nhiên, qua thời gian phù sa bồi đắp trở thành vùng đất trũng sình lầy độ lún rất lớn, cỏ hoang dại chằng chịt um tùm phủ kín mặt đất, là nơi trú ẩn của nhiều loài chim, thú, bò sát, có cả heo rừng, gấu, cọp,... Sau này, khi khai thác người dân gặp được cây cột buồm của chiếc ghe lớn nổi trên mặt nước và nhiều gốc tràm có bề hoành khoảng 1m cùng những mảnh ván thuyền vùi sâu dưới mặt đất. Nơi đây là chỗ trú ẩn, vựa chứa quân lương của Chúa Nguyễn Ánh.

Với địa thế hiểm trở, sình lầy, cây cỏ hoang dại, sâu bọ, muỗi, đỉa, vắt, rắn rít…, đi lại khó khăn, nên trong 2 cuộc kháng chiến, Bưng Sẫm trở thành căn cứ hoạt động cách mạng của huyện, tỉnh- nơi được ví như “Đồng Tháp Mười thứ hai”. Với lợi thế trên là cây cối bịt kín, dưới bùn là đường ngầm, cán bộ, du kích ở đây trầm nửa thân người dưới nước để di chuyển, địch cách vài mét cũng khó phát hiện. Nơi đây trở thành căn cứ an toàn cho chiến sĩ, nếu kẻ lạ vào dễ bị sa lầy, càng cựa quậy càng lún sâu dưới bùn (đất không chân). Bọn phản diện còn gọi vùng này là Bưng Sẫm đen (Marecage noir).

Theo hồi ký của nhà cách mạng lão thành Dương Văn Hưng để lại, vùng Bưng Sẫm bao gồm cả Ba Chùa (xã Nhơn Bình ngày nay), đã có chi bộ và sớm có những phong trào yêu nước là nhờ cụ Huấn Quyền tức Nguyễn Quyền- một trong những nhà lãnh đạo của Đông Kinh Nghĩa Thục- bị giặc Phát bắt đày vô Nam. Cụ về sống ở Bến Tre, rồi sang Ba Chùa dạy học. Thời gian ở đây, cụ được nhân dân vùng Hòa Bình quý trọng vì tư tưởng yêu nước, yêu độc lập, tự do. Vì vậy, khi phong trào Đông Du hay Duy Tân khởi xướng thì nhân dân Hòa Bình hưởng ứng mạnh mẽ. Tiêu biểu là gia đình nhà nho yêu nước Trần Phước Định và bà Lê Thị Lăng. Gia đình này đã có 3 người con đều sang Nhật du học. Những người con còn lại đều tham gia cách mạng sau này. Cũng theo nhà cách mạng lão thành Dương Văn Hưng, tháng 4/1929, ở vùng Ba Chùa đã có Chi bộ của Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, gồm 11 đồng chí hoạt động rất mạnh mẽ. Đến tháng 7/1930, Chi bộ Đảng cộng sản chính thức ra đời, gồm 5 đảng viên được tuyển chọn trong số 11 người của Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Từ đó cái nôi cách mạng ở Ba Chùa này không ngừng đào tạo cung cấp cho Đảng nhiều đảng viên ưu tú hoạt động khắp ĐBSCL và vùng Sài Gòn- Chợ Lớn. Trong suốt các cuộc kháng chiến, vùng Bưng Sẫm (Hòa Bình) là nơi nuôi chứa, bảo vệ cách mạng rất an toàn. Đồng chí Tạ Uyên- Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Phạm Hữu Lầu- Ủy viên Trung ương Đảng,… đã từng đến đây hoạt động, được nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn. Vùng “bưng biền” thường sẵn năn, lác, bàng (dùng đươn đệm may nóp thay cho mùng màn vì nghèo quá)... cho nên hình ảnh hào hùng của người kháng chiến Nam Bộ “nóp với giáo mang ngang vai” còn sống mãi với sử xanh... Cho đến hôm nay, Bưng Sẫm mở ra, đánh thức cả vùng đất này và sẽ biến “cô lọ lem” Bưng Sẫm trăm năm cắm mặt xuống đầm lầy thành “nàng công chúa” đẹp đẽ xinh tươi...

Bưng Sẫm- nơi từng được ví như “Đồng Tháp Mười thứ hai” đã chuyển mình phát triển. Ảnh: TẤN ANH
Bưng Sẫm- nơi từng được ví như “Đồng Tháp Mười thứ hai” đã chuyển mình phát triển. Ảnh: TẤN ANH

Vườn quê Bưng Sẫm trồng xen đủ thứ cây ăn trái: vú sữa, sa pô chê, lê ki ma, mãng cầu xiêm, mận, ổi, mít, dâu, quýt, xoài, măng cụt, chuối,… Vú sữa tím, vú sữa vàng, thứ nào cũng ngon. Nhựa sa pô chê dính chuồn chuồn rất tốt. Chuối lá xiêm, chuối lá ta, chuối già hương, chuối già lùn, chuối ngự, chuối cau… cả chuối hột nữa. Chuối hột ăn cũng ngon (trẻ con lứa tuổi ấy, thứ gì mà chẳng ngon, đến ổi xanh chấm muối đựng trong lòng bàn tay, ăn trên cây với người bạn nhỏ hàng xóm cũng nhớ mãi cả đời!)…

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao- nguyên Bí thư xã Hòa Bình thời chiến: Trong suốt 4 năm (1946- 1949), căn cứ Bưng Sẫm đã trở thành “mồ chôn giặc Pháp”, là thành trì an toàn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quân dân và các cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ. Về với căn cứ là về với vùng đất cách mạng, về với “Cái nôi kháng chiến giữa bưng biền”. Ông kéo chúng tôi ra sau hè chỉ mấy cái lu đựng nước mưa nói “ngày xưa, lu này chôn xuống đất cho cán bộ ẩn nấp khi địch ruồng bố”. Ông cũng dắt chúng tôi đi xem vườn, chỉ cây dừa lão đã sống 5- 6 chục năm, vết đạn kẻ thù còn hằn rõ trên thân cây, giờ vẫn còn sống và cho trái ngọt… Rồi ông thò tay hái những chùm nhãn vừa chín cây bỏ ra đĩa mời chúng tôi. Trong gian nhà trống bên chái bếp của ngôi nhà kiên cố, ông kể chuyện làm ăn khấm khá mấy năm nay… Mấy bạn viết trẻ thích thú ra các chậu kiểng trước sân nhà, bẻ khế và khoe khế ngọt lắm, rủ tôi cùng ăn. Còn tôi, tôi xin một ly nước mưa trong lu “hai mắt”- thứ nước mưa trong vắt, thơm mùi lá dừa nước trên chái bếp, thoang thoảng khói củi vườn…

Trong khi trò chuyện, tình cờ tôi thấy mấy tờ tin giắt bên vách bếp, chỗ tôi ngồi, liếc xem thì trong đó có in mấy câu thơ! Anh Phương- cháu ông Mười Hai Cao- là Phó Chủ tịch xã vội giật tờ giấy, nhưng tôi nhanh tay hơn, vừa cười vừa giấu nó sau lưng. Anh Phương đành để tôi đọc. Thơ lục bát vần vèo lung tung: “Kháng chiến bao cuộc trường kỳ/ Vẫn trông vẫn đợi bóng người năm xưa… Bao năm mong mỏi đợi chờ / Điện đường chưa thấy bây giờ làm sao”… Tôi trả tờ giấy cho anh, nhớ lại cái bến xuồng lên trụ sở ấp Bưng Sẫm nhỏ hẹp, dừa nước phủ dày che khuất, hệt như một cái “hóc bà tó”, tuy đường vào đã được láng nhựa và sân có cột cờ bay phất phới…; lòng tôi rưng rưng như vừa đọc bức thư tình của cô gái quê gửi người yêu cũ đang ở chốn thị thành…

***

Lâu lâu mới có dịp về xã Hòa Bình, để né tiệc nhậu đang bày ra, tôi lén hỏi thăm vào cầu Lái Tân ở ấp Hiệp Hòa để chụp vài tấm ảnh Bia kỷ niệm trận đánh Mương Khai- Hiệp Hòa của Tiểu đoàn 306. Bởi Tiểu đoàn 306 chính là tiền thân của Trung đoàn 3. Trong tài liệu của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, có ghi lại trận đánh như thế này: “Trong 2 ngày 24- 25/4/1967, Tiểu đoàn 306 phối hợp với Tiểu đoàn 501 tỉnh Trà Vinh đánh tập kích địch ở Mương Khai, xã Xuân Hiệp (sông Măng Thít) diệt Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 16 và 1 giang đoàn hải quân, bắn chìm 8 tàu. Tiếp đó, tiểu đoàn đánh địch phản kích ở Hòa Bình, diệt 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 16, Sư đoàn 9, cùng lực lượng biệt động và bảo an, bắn rơi 12 trực thăng, bắn bị thương 10 chiếc khác, loại khỏi vòng chiến đến gần 800 tên, bẻ gãy kế hoạch bình định sông Măng Thít của địch”.

Ở trận đánh đó, khi ta đánh địch phản kích ở khu vực cầu Lái Tân, trong căn nhà ngay sau vị trí bia kỷ niệm bây giờ, có cậu bé 12 tuổi ở trong cái lu nước quay miệng về phía cánh đồng, quan sát tỉ mỉ diễn biến trận đánh cho đến lúc kết thúc. Dù mình được an toàn, nhưng gia đình cậu có đến 7 người lớn nhỏ bị địch bắn chết trong trận đó. Cậu bé đó giờ là anh Nguyễn Văn Bé (60 tuổi). Bao nhiêu năm qua, anh làm người kể chuyện cho các bạn trẻ, các em học sinh về những gì mà mình đã chứng kiến. Cho đến 2 năm trở lại đây, thấy bệnh tim của mình trở nặng, sợ đi theo ông bà bất tử rồi không ai kể chuyện cho mấy đứa nhỏ, anh đã vẽ lại cụ thể từng chi tiết trên tấm bảng gỗ rồi treo lên vách nhà. Lần đầu tiên tôi thấy có một người không phải là bộ đội, mà trong suốt mấy mươi năm chỉ kể có một trận đánh, mà kể rành rọt, say sưa và hay đến thế. Chỉ cần ghi đúng theo lời anh kể, chúng ta có một thước phim tư liệu vô cùng sống động. Hơn thế nữa, tôi cảm nhận được trong ánh mắt anh tràn ngập niềm thán phục, mà ở tuổi 12 đó đã khắc sâu vào ký ức như một huyền thoại về các anh bộ đội; nó có cả những phút giây ngập ngừng, rưng rưng của nỗi ám ảnh về cái chết của người thân ngay trước mặt mình. Nên tôi thấy mỗi lần cầm cây thước chỉ lên bức tranh, không đơn thuần là kể chuyện, mà hình như anh Bé đang “sống” cùng câu chuyện. Có những câu rất đơn giản của anh Bé, nhưng nó mang tính khái quát, tính bản chất rất hay: “Hễ chạy xổng lưng là bộ đội mình; còn bò lom khom, trườn xấp xoãi là địch”.

Còn nói về độ ác liệt, mà hỏa lực địch dội xuống trận địa hôm đó, chú Chín Khen kể: “Hai quả bom nó đào thành cái đìa ngay vị trí bia. Hôm đó, tôi ở bên nhà mình cách đây 700m nên còn sống, chớ ở nhà vợ bên cầu Lái Tân này thì tiêu rồi. Còn khi trận đánh kết thúc thì con rạch Lái Tân này không nhìn thấy nước, chỉ toàn là đọt cây. Vì bom, pháo nó bứng cây thảy xuống rạch hết trơn. Còn phía trong vườn, cây cháy đen, trụi lủi”.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

NGUYỄN TRỌNG DŨNG