Tri Tôn- đường đi dưới chân núi

Cập nhật, 10:51, Thứ Hai, 14/09/2015 (GMT+7)

Thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn- An Giang) hiền hòa, được những ngọn núi bao bọc xung quanh. Nắng nghiêng trên triền núi thoai thoải trải ra đồng lúa, nghiêng mái chùa Khmer cổ kính, nghiêng từng góc phố, nghiêng bóng dáng nữ sinh áo dài xe đạp ồn ã chiều tan trường... Xe máy băng băng theo hướng núi, mở ra mênh mông ruộng đồng, núi rừng qua những dòng kinh thẳng tắp đem đến sự trù phú cho vùng đất biên cương phèn nặng, hoang vu trước kia.

Dạng địa hình chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng độc đáo ở Tri Tôn.
Dạng địa hình chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng độc đáo ở Tri Tôn.

Đường theo hướng núi

Tới Tri Tôn giữa trưa nắng tháng 8 rát bỏng, có lẽ vậy nên chúng tôi cảm nhận màu xanh đồng núi càng xanh mượt mà hơn. Chỉ cách TP Long Xuyên hơn 50km, nhưng địa hình Tri Tôn đã khác lạ đến không ngờ. Là trung tâm của tứ giác Long Xuyên, Tri Tôn có địa hình của vùng đồng bằng kinh rạch tương tự như Đồng Tháp Mười với những dòng kinh tít tắp xẻ dọc ngang, nhưng ở đây rất độc đáo ở chỗ bao bọc xung quanh núi là đồng bằng chân núi, dạng địa hình chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thị trấn như lọt thỏm giữa những ngọn núi, mà khi hỏi đường, chúng tôi cũng được chỉ “đi theo hướng núi…” Theo anh Quốc Huy- cán bộ Hội Nông dân huyện Tri Tôn, huyện có hàng loạt ngọn núi như: Nam Quy, Tà Lọt, núi Dài (Ngọa Long sơn), núi Tượng (Liên Hoa sơn), núi Sà Lon, núi Nước (Thủy Đài sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng sơn), núi Tà Pạ,…

Để dễ dàng hình dung đường đi đến các xã biên giới như Ba Chúc, Lạc Quới, Vĩnh Gia… chúng tôi vội vào Google Maps và được hướng dẫn một cách trực diện, theo Đường tỉnh 955B rẽ 955A. Mà thú vị là đường đi tới đó đều theo hướng núi, “theo hướng núi Nam Quy, Tà Lọt qua Châu Lăng, Lương Phi, chạy hoài tới núi Tượng (thị trấn Ba Chúc) rẽ trái hay phải cũng được vì đường bao quanh chân núi…”.

Chúng tôi rời thị trấn chưa xa đã lọt vào một không gian đồi núi, ruộng đồng xanh thẫm. Thỉnh thoảng dừng lại bên đường cùng những cậu bé mục đồng bám đuôi máy gặt đập liên hợp “bao cù” khoảnh ruộng háo hức chờ một con chuột hay chim cò vọt ra… Nhớ câu chuyện anh Huy gửi theo về cây dầu cổ thụ nằm giữa đường ở thị trấn Ba Chúc như một “biểu tượng” của phố núi, bởi dù có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường nhưng đều phải… né cây. Thấy cây dầu thì biết đã tới núi Tượng, chúng tôi chạy quanh chân núi, rồi rẽ ra Đường tỉnh 955A chạy song song kinh Vĩnh Tế. Đó là tuyến đường biên giới mà bạn có thể dừng lại ở một nơi bất kỳ để chiêm ngưỡng phong cảnh vô cùng xinh đẹp, phóng khoáng. Đồng lúa đã ngã vàng bên những dòng kinh dài hun hút, tựa lưng vào dãy núi xa xa điểm xuyết vài đám mây trắng xóa, ai nấy đều xuýt xoa “hổng ngờ đồng bằng lại có cảnh đẹp ngoạn mục như vậy” mà cứ ngỡ mình đang đứng ở một vùng núi Tây Nguyên hay trung du phía Bắc nào đó.

Người nông dân ở Vĩnh Gia lùa đàn trâu về chuồng khi chiều xuống.
Người nông dân ở Vĩnh Gia lùa đàn trâu về chuồng khi chiều xuống.

Anh Minh Nhu- cán bộ Hội Nông dân xã Vĩnh Gia- đón chúng tôi ở cây cầu T4 vừa mới xây xong, bảo rằng xã Vĩnh Gia thời gian gần đây được biết đến với một vài mô hình nông nghiệp trang trại quy mô
khá lớn.

Trù phú trên những dòng kinh

Vĩnh Gia là một xã biên giới của huyện Tri Tôn. Từ cầu T4, theo hướng tay anh Nhu đây là kinh Vĩnh Tế chảy từ hướng Đông Bắc qua hướng Tây sang huyện Giang Thành (Kiên Giang) ra vịnh Thái Lan, kia là dãy núi non hùng vĩ của đất bạn Campuchia. Từ đây chỉ cách Hà Tiên (Kiên Giang) chừng 40km. Gia đình anh Nhu tới Vĩnh Gia lập nghiệp gần 20 năm, “đất này xưa phèn nặng, vàng lên tới đầu gối, bà xã tui mới đầu còn hông dám thọt chân xuống. Không một giọt nước ngọt…”- vì thế, cùng với những kinh nghiệm “khai hoang”: “tìm cọng bí, cọng khoai quăng một chỗ nào đó, chút quay lại là có nước ngọt”, anh Nhu bảo rằng những người nông dân kiên trì bám đã tìm cách sản xuất lúa, từng bước khắc phục hoàn cảnh khắc nghiệt để an cư.

Trang trại bò của chú Sáu Đức được đầu tư khá quy mô.
Trang trại bò của chú Sáu Đức được đầu tư khá quy mô.

Cũng “chân ướt chân ráo” tới Vĩnh Gia, chú Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức) ở ấp Vĩnh Lạc cho biết: “Đến năm 1996 ở Tri Tôn còn nhiều vùng đất chết, hoang vu, đường sá không có… rất nhiều gia đình đã bỏ của chạy lấy người. Nhưng gia đình tui đã trụ lại và thử nghiệm nhiều hướng canh tác, cải tạo đất trữ ngọt, rửa phèn… sản xuất dần có hiệu quả và từ năm 1999- 2000, đồng ruộng khởi sắc tui chuyển sang làm lúa giống cung ứng cho nông dân”. Chú là một trong những người tiên phong ứng dụng công nghệ san mặt ruộng bằng tia lazer và hiện nay đang xây dựng trang trại nuôi bò khép kín tận dụng nguồn thức ăn từ rơm rạ, cỏ tươi tại chỗ. Với trang trại dự kiến 70ha, hiện đã phát triển đàn bò sinh sản trên 400 con và hơn 10ha ruộng trồng cỏ cùng nhiều máy móc hiện đại phục vụ chăn nuôi. “Tới đây tui sẽ phát triển đàn bò lên khoảng 2.000 con”- chú Sáu Đức cho biết, vừa qua chú cũng đã triển khai dự án hỗ trợ bò giống cho 10 hộ dân đầu tiên để phát triển đàn bò địa phương. Theo anh Minh Nhu, một trang trại nuôi heo gần đó cũng đã được xây dựng với quy mô khá lớn.

Theo UBND huyện Tri Tôn, từ một địa phương chỉ sản xuất 1- 2 vụ lúa/năm thì đến nay, huyện đã xây dựng được hơn 21.000ha sản xuất 3 vụ. Với đê bao hoàn chỉnh đã góp phần tạo nên sự trù phú cho vùng đất “phèn- chết”. Điều đó không có gì lạ khi Tri Tôn còn được biết đến là nơi có hệ thống kinh rạch tương đối dày đặc, kể “tới sáng hổng hết” như: kinh Tám Ngàn, Vĩnh Tế, Vĩnh Thành, Mặc Cần Dưng, Tri Tôn, kinh 10, 11, 12, 13, Tân Vọng, Châu Phú, T4, T4 cũ, T5, T6, kinh 15 mới, kinh Phú Tuyến, kinh Huệ Đức, kinh Cà Na, kinh Ninh Phước, Năm Xã, H7, Tân Tuyến, Ranh Tây,… Hệ thống kinh mương này vừa có thể phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và giao thông đường thủy vừa đóng vai trò quan trọng trong việc rửa phèn và cải tạo đất và là hệ thống thoát lũ ra biển Tây, biến Tri Tôn khô cằn thành vùng đất đai trù phú.

Tri Tôn là huyện miền núi của tỉnh An Giang, diện tích lớn nhất tỉnh với hơn 60.039ha. Với vị trí là trung tâm của vùng tứ giác Long Xuyên, vừa có dãy Thất Sơn hùng vĩ, vừa có đồng bằng, Tri Tôn có nhiều tiềm năng phát triển các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, khai thác khoáng sản, du lịch, thương mại biên mậu…

Tri Tôn còn có Khu di tích lịch sử Tức Dụp đã trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách sẽ ngỡ ngàng trước thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, với một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 300m, có địa hình hiểm trở với nhiều tảng đá dựng cheo leo, tạo thành những lò ảng (hang trên núi) đầy thú vị.

 

Bài, ảnh: LAN THƯƠNG