Về miệt Tháp Mười...

Cập nhật, 15:13, Thứ Ba, 22/09/2015 (GMT+7)

Bỏ lại sau lưng những nhộn nhịp, ồn ào và bộn bề nơi phố chợ, tôi và những người bạn khăn gói lên đường về thăm nhà người họ hàng ở Đồng Tháp Mười- nơi có 150ha diện tích đất trồng sen. Chúng tôi rời Sài Gòn vào giữa khuya trong cái lạnh se se dưới ánh đèn đêm lập lòe, chỉ để đến Đồng Tháp Mười và có dịp cọ xát với những tầng sen mọc chen chúc trong đầm vào buổi sáng tinh sương.

Nhiều cặp tình nhân chọn đồng sen để chụp ảnh lưu niệm.
Nhiều cặp tình nhân chọn đồng sen để chụp ảnh lưu niệm.

Ngắm sen tầm 8 giờ sáng là đẹp nhất. “Nhanh lên mấy anh chị ơi”- giọng Nam hối thúc. Chúng tôi khẩn trương lên chiếc xuồng ba lá và bơi vào sâu trong cánh đồng. Giữa bạt ngàn hoa sen, từng cơn gió thổi mát rượi mang theo hương vị nồng nồng của mùi cây lá mục và thoang thoảng hương thơm của vạt tràm mọc xen lẫn trong đầm khiến chúng tôi phải hét lên đầy thích thú. Đồng sen càng náo động hơn khi ai đó trong bọn tôi hái được một gương sen hay nhìn thấy một tổ chim.

“Sẵn mình đi hái ít bông súng về chấm mắm kho, mẹ em nấu món này ngon nhứt xứ”- giọng thằng Nam lanh lảnh. Ở đây, cứ đến mùa nước nổi, bông súng trắng mọc chen chúc ngút ngàn cả một khoảng không gian dù không người gieo trồng, chăm sóc. Đi xuồng vào những con kinh mọc đầy bông súng, tôi vô tình ngửi thấy hương thơm cỏ mật hòa lẫn mùi hăng hắc sình non, nhưng luôn phảng phất mùi hương hoa súng dìu dịu. Khoảnh khắc ấy đủ để khiến ta quên đi cái nắng rát miền Tây và những vất vả đời thường. Súng không chỉ là hoa mà còn được người dân Nam Bộ coi như loài rau sạch. Bông súng nhổ về được ngắt bỏ bông và chỉ giữ lại cọng để chế biến thành các món ăn. Trong đó nổi tiếng nhất là bông súng chấm mắm kho mà “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.

Lâu lâu, nhỏ cháu như tôi ghé thăm cô Tám vui lắm, tâm sự đủ điều. Vừa nói chuyện cô vừa bắt con cá lóc đem nướng rơm, mớ rơm được cô lấy từ cái cây rơm to ngoài vườn. Cây rơm to thật to, cao gần bằng cái nóc nhà được cô chất từ mùa gặt vừa rồi để dự trữ dỗ mấy con bò béo. Ở quê là vậy, ngoài đồng áng người ta còn nuôi heo, gà, bò,… kiếm thêm thu nhập.

Bữa trưa rất cây nhà lá vườn kiểu Đồng Tháp: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, bông súng nhúng mắm kho, rượu gạo… được bày ra giữa tum. “Ăn nhiều vô mấy đứa, ở đây có gì ăn đó, đừng có ngại”- dượng Tám mời mọc. Vừa ăn, dượng vừa kể đủ chuyện ngày xưa, rằng hàng năm tầm tháng 6 âm lịch, như mọi nơi, ở ĐBSCL nước từ thượng nguồn sông Me Kong đổ về, tràn ngập khắp các cánh đồng. Nước ngập đến đường không thấy để đi, nhà chỉ còn lộ được cái nóc. Nhưng bù lại nước nổi về, cá tôm cũng theo con nước mà về và sau mùa nước thì đất đai trở nên màu mỡ hơn gấp bội. Hiểu được điều đó nên thay vì đối phó với con nước, người ta chọn cách thích nghi và sống chung với nó. Tận dụng nguồn cá tôm làm thực phẩm, đập “lúa trời” để ăn và dựng gác sát nóc nhà để trú ẩn.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.
Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.

Hỏi ra mới biết, “lúa trời”- giống lúa độc nhất vô nhị còn sót lại ở Đồng Tháp Mười có khả năng chịu phèn cao và vượt nước rất tốt, thường trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín rộ vào tháng 11, tháng 12. Bông lúa trời chín với vỏ trấu màu vàng đen, có chiếc đuôi dài. Gạo của giống “lúa trời” tuy nhỏ nhưng rất thơm ngon, dẻo, có vị ngọt. Nói đến đây mới thấy, tuy thiên nhiên có phần khắc nghiệt nhưng cũng rất hào sảng khi ban tặng cho người Đồng Tháp giống lúa này cũng như nhiều nguồn lợi từ thủy hải sản.

Cách nhà cô Tám 2km là Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp với diện tích bảo tồn 290ha nằm trên địa phận xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười). Đây không chỉ là di tích lịch sử và khảo cổ mà còn là một khu du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh Đồng Tháp. Bởi môi trường sinh thái tại đây còn khá hoang sơ cộng với sự tồn tại của 5 di tích quốc gia và một số lễ hội truyền thống. Đầu tiên phải kể đến 3 di tích gắn với tín ngưỡng và lịch sử vùng đất này, đó là đền thờ Đốc binh Kiều, Miếu Bà Chúa Xứ và chùa Tháp Linh. Tương truyền rằng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và ông Võ Duy Dương là 2 nhân vật có công lớn trong thời kỳ chống Pháp. Đốc binh Kiều sau khi chết được an táng tại đây và để tưởng nhớ công của vị đốc binh anh hùng, hàng năm nhân dân địa phương đều mở hội vào ngày 15/11 âm lịch. Miếu Bà Chúa Xứ ở đây tuy không lớn bằng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) nhưng cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm là diễn ra lễ hội Bà Chúa Xứ, thu hút rất đông người từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến hành hương cúng bái. Mùa lễ hội kéo dài từ rằm tháng Giêng cho đến hết tháng 4 âm lịch. Tháp Mười đã đẹp lại càng trở nên huyền ảo khi Nam kể truyền thuyết về Bàu Tiên, nơi có những tiên nữ thấy cảnh Tháp Mười tuyệt đẹp đã bay về tắm... Đặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật được rất nhiều di tích và hiện vật có giá trị gắn liền với vương quốc Phù Nam thế kỷ IV đến VIII sau công nguyên như: di tích kiến trúc, di tích mộ táng, các hiện vật tượng cổ,v.v... Điều đó chứng minh rằng những công dân của vương quốc Phù Nam xưa kia đã từng có một đời sống khá phát triển tại chính vùng Tháp Mười này.

Mới đó mà trời đã ngả chiều, vội vã về nhà cô Tám, leo lên cái tum cao nhất giữa đồng sen bát ngát, tôi tranh thủ thưởng thức cảnh vật yên bình rồi hít vào đầy phổi thứ gió thơm mát của đồng quê trước khi trở lên Sài Gòn. Giã từ Đồng Tháp Mười một vùng đất đẹp với những dấu tích cổ xưa đầy bí ẩn, giã từ những con người chân chất, thật thà, chúng tôi về lại Sài Gòn khi mặt trời bắt đầu đỏ lửng, từng đàn cò tìm về tổ, thấp thoáng xa xa là những mái nhà đơn sơ tỏa khói bếp buổi chiều tà đẹp như một bức tranh thủy mặc càng làm tôi thêm khao khát được đến đây lần nữa.

Bài, ảnh: Ngọc Liễu