Về chiến khu, nghiêng mình nhớ Bác

Cập nhật, 15:05, Thứ Hai, 13/07/2015 (GMT+7)

Hành trình 2 ngày của đoàn tỉnh Vĩnh Long khi về với Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia- Trung ương Cục miền Nam báo công dâng Bác tuy ngắn ngủi nhưng mang lại nhiều cảm xúc.

Với lòng thành kính sâu sắc, những cá nhân tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn cá nhân và tập thể xuất sắc đã báo cáo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người trong thời gian qua.

Đoàn báo công dừng chân tưởng nhớ Bác trước tượng đài của Người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1- TP Hồ Chí Minh).
Đoàn báo công dừng chân tưởng nhớ Bác trước tượng đài của Người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1- TP Hồ Chí Minh).

Về chiến khu

Rời thành phố mang tên Bác, sau khi đã ghé thăm Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh, đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến Tây Ninh. Từ đây, ngược QL22B, theo hướng Bắc đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát khoảng 44km, rồi đi quanh co thêm nữa mới đến khu căn cứ.

Ấn tượng đầu tiên khi đến nơi đây không thể không nói đến là con đường trải nhựa thẳng tắp, xuyên qua những khoảng rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ tán che kín trời, chỉ còn lốm đốm những “nụ hoa nắng” thi thoảng chạm nhẹ trên đường. Cảm giác thật bình yên.

Di tích nằm giữa đại ngàn bao bọc bốn bên là rừng, suối, tạo ưu thế về mặt quân sự, phản ánh tầm nhìn chiến lược trong việc chọn địa bàn đứng chân cho cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tận mắt chứng kiến những dụng cụ sinh hoạt và phương tiện vũ khí chiến đấu thô sơ tại Nhà trưng bày di tích lịch sử, chúng tôi càng hiểu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng hết lòng tận tụy trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức khắc nghiệt của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Rời nhà truyền thống, chúng tôi đi trên con đường bê tông uốn lượn để đến những căn nhà nhỏ, đơn sơ (thực chất chỉ là cái lán) ẩn mình sau tán lá rừng với nhà hội họp tập thể, nhà làm việc của các cán bộ cấp cao, nhà ở của chiến sĩ và các ban, ngành.

Những ngôi nhà trong căn cứ nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái lợp bằng lá trung quân- một loại lá thật đặc biệt. Đây là loại lá có nhiều đặc tính phù hợp cho nhà căn cứ, không mục bởi mưa nắng, khó cháy, dù bom có làm cây gãy, cành rơi, lá vẫn xanh tươi.

Đoàn Vĩnh Long thành kính làm lễ dâng hương, báo công dâng Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Trung ương Cục miền Nam.
Đoàn Vĩnh Long thành kính làm lễ dâng hương, báo công dâng Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Trung ương Cục miền Nam.

Để đan thành tấm lợp mái, phải gấp từng lá lại, xỏ liên kết với nhau bằng lạt tre. Lợp nhà bằng loại lá này rất công phu nhưng mái lợp đều đặn, trông rất đẹp mắt. Các vật dụng trong nhà từ chiếc chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế vẫn giữ nguyên như trước đây.

Các hầm trú ẩn làm sát nhà ở và làm việc, chìm trong lòng đất. Hầm mặt bằng như: trú ẩn, chỉ huy, thông tin... khá rộng để tiện sinh hoạt mỗi khi bom, pháo dội. Các hầm kiên cố nối với nhau bởi một hệ thống giao thông hào sâu và cách khoảng có hầm ếch để tránh phi pháo dài 1.500m, nền và bờ thành xi măng giả đất liên hoàn.

Các đồng chí bí thư Trung ương Cục ngày ấy, sau này đã trở thành lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt… và nhiều cán bộ cách mạng khác đã ghi dấu trong thế hệ mai sau về sự đóng góp mồ hôi, công sức, vắt trí lực tìm đường đi, nước bước cho những đoàn quân ra trận, cho hàng triệu đồng bào thoát khỏi ách kìm kẹp, đạn bom, sớm đưa hai miền Nam- Bắc sum họp
một nhà.

Càng đi sâu vào trong rừng càng thấy mình như lạc vào mê cung. Một cảm giác ngỡ ngàng xen lẫn thú vị bởi chúng tôi như được sống lại một thời gian lao mà anh dũng. Lại nhớ về Bác, về mong ước được vào thăm miền Nam của Người nhưng chưa thực hiện được. Giọng chị thuyết minh trầm buồn khi đọc 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà.

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha…”

Báo công dâng Bác

12 cá nhân tiêu biểu, đại diện cho hơn 3.700 cá nhân và tập thể xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh Vĩnh Long đã thành kính dâng hương, dâng hoa và báo công với Bác. Thời gian qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người đã trở thành việc làm thường xuyên của hầu hết các tổ chức, cá nhân trong toàn Đảng bộ và đang từng bước lan tỏa rộng ra các tầng lớp nhân dân.

Đoàn Vĩnh Long chụp hình lưu niệm trước nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Đoàn Vĩnh Long chụp hình lưu niệm trước nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Làm theo tấm gương của Bác, không ít cán bộ, nhất là lãnh đạo các cấp đã và đang trở thành tấm gương cho đồng chí, đồng nghiệp noi theo. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Long đã có trên 14.000 tập thể và cá nhân là tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được biểu dương và khen thưởng.

Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình có sức lan tỏa rộng lớn. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh, đồng chí trưởng đoàn Lưu Thành Công- nay là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan- xin hứa sẽ quyết tâm và quyết tâm hơn nữa trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người để cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Người hằng mong ước.

Thay mặt những cá nhân và tập thể tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Thượng úy Lê Thị Thúy Hằng- Phòng Chính trị- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã báo cáo với Bác những thành tích bản thân trong thời gian qua. Đó là ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn thực hiện những nhiệm vụ khác khi được phân công.

Chị xúc động: “Có những nhiệm vụ đối với con là rất mới mẻ, có nhiều áp lực và khó khăn. Và có thời điểm, con phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, vừa phải làm tròn trách nhiệm trong gia đình. Nhưng, dù hoàn cảnh có khó khăn mấy thì nhớ đến lời dạy của Bác “phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân”, con đã không cho phép mình suy nghĩ nhiều về chuyện riêng tư.

Bởi lẽ, mỗi người ai cũng có hoàn cảnh riêng, ai cũng có những khó khăn nhất định, nhưng biết khắc phục và vươn lên mới là điều cần thiết. Chị hứa với Bác: “Nếu thành công, xin noi gương Bác mà khiêm tốn. Nếu có sai lầm, xin noi gương Bác mà thật thà tự nhận và kiên quyết sửa chữa. Khi gặp khó khăn, xin noi gương Bác mà quyết tâm vượt qua”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH