Hành trình của trái tim

Cập nhật, 15:44, Thứ Ba, 23/06/2015 (GMT+7)

Nghề làm báo gắn liền với những chuyến đi, gắn liền với những cung bậc cảm xúc. Sau mỗi chuyến đi là sự đối diện với trang viết, cùng những trăn trở, suy tư để hoàn thành “tác phẩm báo chí”- đó là trách nhiệm. Nhưng có một hạnh phúc lớn nhất, là chính nghề báo đã “cho” tôi nhiều thứ lắm. Cái diễm phúc này, không phải nghề nào cũng có được.

“Dọn lòng” cho những chuyến đi

Tôi có suy nghĩ như thế này, đã làm một nhà báo thì đến lúc nào đó mình cảm thấy không còn sự thôi thúc cho những chuyến đi, thì khi đó chúng ta không nên làm nghề này nữa. Sự thôi thúc, háo hức ấy là vì 2 lẽ: tình yêu và trách nhiệm. Tôi có may mắn là có được những chuyến công tác xa, dài ngày trải trên khắp đất nước mình. Đó là điều hạnh phúc đối với người làm báo- cái nghề đã cho chúng tôi tiệm cận hơn với hơi thở cuộc sống, để hòa cùng nhịp đập trái tim nhân dân mình, Tổ quốc mình.

Những người lính biên phòng tuần tra trên dãy Trường Sơn.
Những người lính biên phòng tuần tra trên dãy Trường Sơn.

Chắc một điều rằng, cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được chuyến hành hương về với “Ngàn năm Thăng Long”. Nó chẳng khác gì cuộc hành quân, mà hành trang là tình yêu của cháu con phương Nam ngược đường về với quê cha, đất Tổ. Trước ngày lên đường cả tháng trời, tôi như luôn trong cảm giác háo hức, lâng lâng khó tả. Mà có lẽ không riêng gì tôi, mà những đồng nghiệp: Trần Phước, Vinh Hiển và cả Phó Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Khánh, mọi người vừa sung sướng, vừa lo lắng đủ thứ. Nhưng cũng chuyến công tác đó, đã cho chúng tôi có cảm nhận nghiêm túc về quê hương, đất nước. Được nhìn ngắm lại TP Vĩnh Long thân yêu, với tâm thái khác qua chiều dài ngàn năm lịch sử, ông cha ta đã gầy dựng nên “hình hài” Tổ quốc hôm nay. Tình cảm này thiêng liêng lắm, rất khác với những cảm xúc thường nhật. Chính trên cái nền cảm xúc đó, mà chúng tôi mới có thể hoàn thành nhiệm vụ “vừa đi, vừa viết”, trong suốt hành trình tròm trèm 20 ngày đêm.

Quả thực những người làm báo chúng tôi đã “vay” từ nghề này quá nhiều, so với những gì mà mình đã “trả” lại. Do đó, bản thân tôi chưa bao giờ sợ thiếu “lửa”, không sợ thiếu lòng nhiệt thành, mà chỉ sợ mình không đủ năng lực để tận hiến với nghề mà thôi. Bởi lẽ, cũng có lúc tôi cảm thấy ngôn từ như bất lực trước cảm xúc, khi đứng trước những sự kiện trọng đại, những vấn đề trọng đại của đất nước. Những ngày theo chân đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, dọc dài theo dãy Trường Sơn, cảm nhận sự hùng vĩ của núi rừng và cảm nhận sự thiêng liêng của từng cột mốc chủ quyền nơi biên giới. Qua đó, cũng hiểu được rằng nơi rừng núi xa xôi, có những người lính biên phòng ngày đêm lặng lẽ tuần tra, chắc tay súng giữ gìn từng tấc đất biên cương.

Hình ảnh thân thương của người dân ngoài đảo xa.
Hình ảnh thân thương của người dân ngoài đảo xa.

Những hành trình ấy không chỉ đem lại cho chúng ta một vài bài viết, mà đó là cái “vốn quý” nó sẽ theo tôi cho đến suốt cuộc đời.

Biển, đảo trong trái tim tôi

Không thể so sánh những chuyến đi, ngay khi đi công tác ở quê mình cũng là những trải nghiệm quý báu, làm đầy thêm tình cảm, làm dày thêm vốn sống mà không phải nghề nào cũng có được. Mỗi một ngày làm việc, chúng tôi có thêm những mối quan hệ mới, đó là những người nông dân, những anh cán bộ cơ sở... mà lâu dần nó trở thành “mối dây” thân thiết tự lúc nào mình không biết. Có cảm giác người làm báo bao giờ cũng mở lòng ra, để cho đi và nhận lại những tấm chân tình vô giá từ cuộc sống xung quanh.

Nhưng đối với riêng tôi, có tình cảm rất đặc biệt dành cho biển, đảo. Những chuyến công tác từ đất liền luôn với mục đích mang đến ngoài khơi xa ấy những món quà vật chất lẫn tinh thần. Ngược lại, chính những con người thân thương ngoài đó đã “truyền lửa” cho người đất liền rất nhiều. Ở trong này, chúng ta cảm thấy Hoàng Sa, Trường Sa có vẻ xa xôi lắm, nhưng khi đến Lý Sơn tôi đã “thấy” Hoàng Sa gần lắm, nó ở ngay trong ánh mắt, trong trái tim của những ngư dân ngoài đó. Nếu chỉ nói một từ đối với họ, tôi xin trân trọng nói rằng: “cảm phục!”. Còn lại là tràn ngập cảm giác yêu thương dù những con người đó mình chỉ vừa gặp trong chốc lát.

Có những lúc tôi nhắm mắt lại tưởng tượng hình ảnh những lá cờ Tổ quốc bay phất phới trên vùng biển Hoàng Sa, lòng lại trào dâng cảm xúc tự hào xen lẫn yêu thương. Chính những ngư phủ là sự hiển hiện cho những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền biển, đảo một cách cụ thể, sống động biết bao. Đổi lại, là những tai ương, hiểm họa luôn rình rập có thể đổ ập lên đầu họ bất cứ lúc nào. Thử hỏi không thương sao được, những phận người gieo neo giữa trùng khơi. Hơn cả cuộc mưu sinh, đó là tình yêu lớn đối với Tổ quốc chúng ta. Gặp nhau có 1 ngày ngắn ngủi, vậy mà lâu lâu, ngoài đó lại điện thoại “trách móc”: “Hứa trở ra Lý Sơn chơi, mà sao không thấy ra?” Sẽ ra chớ, tỏi Lý Sơn ngon lắm, người Lý Sơn đáng yêu lắm, không ra sao được!- lòng tự nhủ với mình như thế.

Những cái nắm tay bịn rịn khi tàu rời bến.
Những cái nắm tay bịn rịn khi tàu rời bến.

Tôi có cảm giác những người dân ngoài đảo đều có một nét giống nhau, đó là tấm lòng luôn rộng mở. Mà cũng phải thôi, quanh năm chỉ có sóng gió, quanh năm chỉ có bấy nhiêu con người nương tựa vào nhau, đã tạo nên những tấm lòng chân thật, nhiệt tình và bao giờ cũng hiếu khách. Những chuyến đi ra biển, đảo Tây Nam đã cho tôi những “thu hoạch” ngoài mong đợi; đó là tình cảm dành cho nhau, nó quý giá hơn bất kỳ tác phẩm báo chí nào.

Câu chuyện về những chuyến đi, đối với người làm báo thì kể hoài không dứt, bởi còn làm báo là còn những chuyến đi. Có một nhà báo kể lại câu chuyện của những đôi giày; còn đối với riêng tôi đó là câu chuyện hành trình của trái tim. Bao giờ trái tim ngừng đập, người làm báo mới thôi kể chuyện.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG