Phía cuối đường sông thương hồ

Cập nhật, 14:37, Chủ Nhật, 31/05/2015 (GMT+7)

Trên các hệ thống sông ngòi chằng chịt miền Tây, hàng ngàn ghe tàu hoạt động dường như không lúc nào ngơi nghỉ. Không chỉ vận tải hàng hóa, những dòng sông còn chuyên chở biết bao phận người sống đời sông nước rày đây mai đó. Sau những chuyến tàu hàng dài ngày, bến bờ nơi chúng tôi ngừng lại, điều gì đang đợi chờ chúng tôi ở phía cuối đường sông thương hồ?

Sinh hoạt của cả gia đình trên một chiếc ghe hàng lúa gạo.
Sinh hoạt của cả gia đình trên một chiếc ghe hàng lúa gạo.

Hành trình những chuyến xà lan, ghe bầu của chúng tôi đã cuộn chảy qua hầu hết những dòng sông dài dặc của miền Tây: từ sông Hậu qua sông Măng ra Cổ Chiên rẽ kinh Chợ Lách tới sông Tiền theo kinh Chợ Gạo thẳng tiến sông Sài Gòn thả neo bến sông Biên Hòa- Đồng Nai. Hay từ sáng sớm len lỏi những con kinh thẳng đuột xẻ ngang xẻ dọc tới chiều hôm mới cặm sào bên bờ kinh nào đó giữa mênh mông Đồng Tháp Mười…

Thả neo, quăng chài bắt cá

Sau 1 ngày và gần 2 đêm di chuyển, chiếc xà lan 650 tấn từ cảng Cái Cui (TP Cần Thơ), cập bến sông một khu công nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai) đã hơn 23 giờ. Anh Tâm dặn ngủ nhớ giăng mùng. Vợ chồng anh Tâm- chủ xà lan ngủ ở buồng cabin sau, tôi và Đời- phụ việc xà lan ở cabin trước canh giữ hàng.

Đời lẻn xuống cabin sau mở tủ lạnh lấy mấy lon bia, cùng tôi ngồi trên thành xà lan, cụng lon uống một ngụm đầy. Xa xa TP Biên Hòa đèn cao, đèn thấp nhấp nháy. Đời nhẩm tính qua nay đường sông đi hết 7 tỉnh. Xà lan chạy đều đều, “lang thang” sông nhỏ ra sông lớn, nhưng Đời “khoái đi sông nhỏ hơn vì còn thấy mấy em ra bến giặt đồ!” Bia vào, cởi mở hơn. Chứ không như lúc đi qua sông Hậu, tôi múc nước sông tắm, nó thấy không nói gì, khiến tôi ngứa ngáy khắp mình. Ngày sau chừng thân hơn, Đời mới nói thiệt: “Ông giở nắp hầm múc nước xử lý rồi, đừng tắm nước sông ngứa lắm!”, còn đưa tôi bịch “X-men” gội đầu. Đời 22 tuổi, quê Cà Mau. Không lớn con nhưng rắn rỏi, bơi lội giỏi, nói thiệt:

- Tui đi ghe từ 14 tuổi lận. Cha mẹ tui nghèo khổ, ra riêng hông cục đất chọi chim, chiếc xuồng ở vừa đi mần mướn riết, mua 6 công đất mần vuông tôm. Đặt tên chị em tui Nhớ- Đời! Tui mần tùm lum cũng hổng tới đâu.

- Sao hổng tới đâu?

- Theo ông chú đi Trà Vinh, leo trèo đốn cây, lội nước tui đâu tè. Rồi đi ghe cát lội hà rầm sông, rạch ở Vĩnh Long. Mùa tết nước bốc khói lạnh thấu xương. Tui sợ phải bơi vào bãi cây cối, nhứt là ở mấy cái chợ, chỗ người ở đông… người ta quăng rác đủ thứ. Mai mốt tui lên bờ kiếm việc khác mần…

Chuyện cứ dài mãi, đến nỗi tôi không rõ vào cabin ngủ
lúc nào.

Sáng ra, chủ xà lan kêu tôi xuống xuồng tấp vào bến có hình con cò đứng một chân, lên bờ ăn hủ tiếu, uống cà phê. Qua một nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản- gia súc- gia cầm với máy móc, băng tải, xe bốc hàng làm việc khẩn trương. Ở bến sông có hàng chục xà lan chở nguyên liệu cung cấp nhà máy, thì phía cổng đường bộ xe tải ra vào tấp nập. Nghe nói mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở thành phẩm khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông.

Dọc bến sông nhiều nhà máy lớn sản xuất thức ăn gia súc- gia cầm, nên đủ loại cá đến tìm thức ăn vung vãi. Đêm qua trước khi ngủ, tôi hứa sáng mai chỉ Đời bắt lưới, quăng chài, vì nó “hổng biết chài, ai cũng la tui làm biếng”. Xà lan lúc nào cũng sẵn rau thịt, đêm trước qua vàm Trà Ôn vợ anh Tâm còn “tăng cường” nồi vịt kho gừng, cả thúng dưa hấu non dành ăn sống, hầm xương… rất ngon ngọt. Nhưng khi dừng ở bến chờ lên xuống hàng mười bữa nửa tháng, chài lưới vừa kiếm thức ăn tươi cũng là cách vận động tay chân. Anh Tâm nói chắc nịch “quăng chài là có cá”, nhiều nhất rô phi, cá chép bằng bàn tay, có bữa trúng con 6- 7kg cả xóm ghe bè bạn ăn không hết.

Tưởng dễ ăn, hóa ra dưới bến toàn sắt B40 và đá, mỗi lần quăng chài phải lặn mò gỡ lưới, sơ sẩy là rách… da như chơi. Cả buổi sáng lặn lội kiếm được 2 con rô phi bự trảng. Bữa trưa không thiếu đồ ăn, nhưng Đời nhất định làm cá chiên xù biểu tôi “ăn đi mà, mai chiều ông lên bờ hông có cá ăn”.

Đêm nghe cóc hội

Lần đầu tiên đi bằng ghe vô Đồng Tháp Mười và ngủ trên ghe giữa mênh mông rừng tràm khiến tôi có cảm giác đã đã lẫn hồi hộp.

Bữa cơm trên ghe của đời thương hồ.
Bữa cơm trên ghe của đời thương hồ.

Chủ ghe anh Sơn- nước da đen đúa, có vẻ già hơn cái tuổi 37 nhiều, được giải thích qua lời tự giới thiệu: Quê tui ở Thạnh Phú (Bến Tre), hơn 10 tuổi đã theo ghe buôn lá, có vợ con sống trên ghe coi như nhà, hết thảy kinh rạch quen mặt hết. Nhà tui mấy đời đi ghe, từ ông cố, ông nội, ba tui, tui. Tới thằng cháu 18 tuổi mới cưới vợ, gia đình cho 30 triệu mần vốn mua ghe đi lúa gạo. Ghe tui đóng theo kiểu Trà Ôn bằng cây sao đẻn, lớn tuổi còn hơn tui. Xóm tui đi ghe muốn hết. Quê tui 6 mặn, 6 ngọt (6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt- PV), mần lúa chỉ 1 mùa, thất bát. Không đi ghe biết mần chi? Trước đây anh em đều buôn lá lợp nhà. Lá từ Mỏ Cày (Bến Tre) chở lên Mộc Hóa (Long An), cả tháng trời đi hết ngóc ngách kinh, rạch vùng biên. Đồng phèn nắng thét, nhà tường nào cũng cất nhà lá kế bên núp nắng.

Bữa cơm đạm bạc lúc mặt trời đứng bóng, anh Sơn khoèo bàn chân điều khiển cần lái, chan canh trộn cơm đùa vội đùa vàng. Qua đoạn Bằng Lăng- Phụng Thớt anh Sơn kể đầy ám ảnh: mùa nước nổi 5 năm trước con gái 2 tuổi, chơi mui ghe bị lọt xuống sông, nước chảy như cắt. Nhìn con chới với đau xé lòng. Tốc độ nhanh, chạy hơn trăm thước mới quay đầu ghe được. May mà người dân bơi xuồng ra cứu kịp. Đời thương hồ khó tránh rủi may như vậy.

Chúng tôi cặm sào bên bờ kinh hoang vu thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang). Đêm xa lạ giữa rừng tràm, tiếng côn trùng rền vang, mỏ nhát thảng hoặc kêu lên mấy tiếng, muỗi lớp lớp bay trên đầu chỉ quơ qua quơ lại đã đầy nhóc lòng tay. Dàn lái hẹp mùng giăng không căng nổi là chỗ ngủ cho 3 người, lũ muỗi lúc nào như cũng chực chờ. Đêm khuya, anh Sáu- theo phụ ghe, đánh thức chúng tôi bằng giọng khe khẽ: “Cóc hội. Cóc hội”.

Hai người nhảy lên bờ kinh, hy vọng tràn trề nồi cháo cóc đậu xanh nóng hổi. Họ hồ hỡi xách bao, cầm đèn pin lần ra cánh đồng tràm mới đốn. Tôi ở lại ghe cố lắng tai mà không phân biệt đâu là cóc hội, đâu là nhái- ngóe- ễnh ương. Chừng hơn nửa tiếng, họ quay lại, tiếc rẻ: “Năm bảy cặp là ít. Mà nó nằm trong rẫy ớt không dám vô, sợ người ta la ăn trộm”.

Sáng ra anh Sáu đã la nửa đêm cóc hội xôm luôn, gần sáng vẫn còn nghe cóc hội… Mấy bác nông dân ngồi xếp bằng uống trà trên dàn lái cười khè khè: “Hên à, mấy cha bắt đám cóc đó, mai mốt sâu bọ diệt hổng xuể đâu”.

Không có ghe bán đồ ăn qua, ông chủ ruộng tràm cho mớ cá rô sặt roi rói, anh Sáu chiên làm nước mắm tỏi ớt. Trong khi tôi và anh Sơn quay ghe qua bờ kinh bên kia hái đọt nhãn lòng non mơn mỡn. Vừa thọc chân xuống đám cỏ năn um tùm, bất thình lình bầy ong vàng như nghệ hàng chục con bám chân tôi chích túi bụi… Tôi chạy như bay lên bờ kinh tới hụt hơi. Mười mấy vết ong, chân gỉ đầy máu. Anh Sơn đưa vội mấy trái ớt hiểm nói trà xát giải độc, ong nghệ không độc đâu, đừng có lo…

Nhưng đêm đó, tôi nằm dàn lái nghe nhức, rồi nó sưng, vài ngày sau bắt đầu hoại tử từng vết sâu hoắm. Đến giờ sau hơn 7 tháng vết ong đã lành, những dấu thâm đen vẫn còn hằn đó!

Đối với tôi đó là trải nghiệm nhớ đời. Nhưng những người sống đời thương hồ như anh Sáu, anh Sơn thì không giỡn được, nên anh Sơn phải nhắc chừng hoài. Từ đứng mũi chịu sào không được ỷ y, thế sào phải chống xéo, rủi sào nó gãy không đâm vào mình hoặc nhảy lên bờ. Đến tuyệt đối không đưa tay, đưa chân đỡ chướng ngại vật, có người đã bị dập nát cả cánh tay, đỡ không được thì buông, ghe hư còn sửa được, người hư rất khó lành lặn.

Kinh nghiệm của đời thương hồ đánh đổi bằng cả xương máu!

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC