Ngẫu hứng qua cầu Cổ Chiên

Cập nhật, 15:20, Thứ Ba, 09/06/2015 (GMT+7)

Chúng tôi bon bon xe máy từ QL 53 rẽ sang QL 60 từ huyện Càng Long (Trà Vinh). Càng tới gần cầu Cổ Chiên, chúng tôi càng nao nao cảm giác như đang được lấy đà và dần bay lên những đọt dừa cao vút. Trên sông, những chuyến phà của ngày hôm qua tấp nập, giờ đã lùi dần vào quá khứ.

Cầu Cổ Chiên nối đôi bờ sông ngút ngàn dừa xanh mướt.
Cầu Cổ Chiên nối đôi bờ sông ngút ngàn dừa xanh mướt.

Cũng như nhiều cây cầu bắc qua các con sông rộng lớn của đồng bằng khiến người dân vô cùng vui sướng với nhiều kỳ vọng đổi thay nơi vùng đất từng đò giang cách trở, cầu Cổ Chiên mới hoàn thành cho người đồng bằng thêm niềm vui mới. Qua cầu Cổ Chiên, chúng tôi vừa kịp ngẫu hứng “làm tour” du lịch miệt dừa, ghé Trà Vinh “trốn nắng” dưới cây xanh…

Miệt dừa…không có nắng

Chúng tôi được no mắt ngắm nhìn cây cầu mơ ước của hàng ngàn người dân 2 bên bờ sông Cổ Chiên. Cầu Cổ Chiên không chỉ rút ngắn 70km từ Trà Vinh đi TP Hồ Chí Minh, mà ở góc độ địa phương “mua bán dừa, heo hơi thuận lợi hơn!”- như cách nói của người dân. Trà Vinh có diện tích dừa lớn thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bến Tre) với gần 15.000ha, trong đó huyện Càng Long chiếm hơn 1/3 diện tích. Càng Long cũng là nơi cầu Cổ Chiên đặt lên “một đầu” và đầu bên kia thuộc huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre xứ dừa).

Khi đứng trên cầu Cổ Chiên giữa đôi bờ đối xứng xanh mướt vườn dừa từ 2 bên đầu cầu, được anh Huỳnh Văn Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thới A, giải thích rằng: “Cầu Cổ Chiên tạo điều kiện thuận lợi giao thông vùng duyên hải. Địa bàn chúng tôi rất nhiều cơ sở lột dừa hột, làm chỉ xơ dừa… rồi chuyển bán hột dừa cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu. Các cơ sở đi tàu, ghe qua Trà Vinh thu mua dừa, còn thương lái từ Trà Vinh “bơi qua đây” mua heo hơi, trái cây… Khi có cầu Cổ Chiên sẽ tạo điều kiện thông thương, mua bán dễ dàng hơn”. Chúng tôi mới hiểu vì sao người địa phương bảo “thuận lợi chở dừa, heo” là vậy.

Các em nhỏ chơi đùa dưới vườn dừa mát rượi trước sân.
Các em nhỏ chơi đùa dưới vườn dừa mát rượi trước sân.

Chúng tôi “tự để mình đi lạc” trên đường đan quanh co dưới bóng mát những vườn dừa cao vút, từ ấp Thành Thới A xuyên qua Thành Thới B (Mỏ Cày Nam) và tự gọi đây là miệt dừa. Chỉ toàn dừa là dừa. Dừa từ ngoài ngõ vào nhà, từ nhà ra vườn, từ vườn nhà này nối vườn nhà kia. Dưới vườn dừa thấp thoáng bóng phụ nữ đội nón lá ngồi vót lá, trẻ em tụ tập chơi đùa, bác nông dân cần mẫn bồi bùn gốc cây… Một nhịp sống yên ả dưới vườn dừa mà ánh nắng mặt trời dường như không thể lọt qua.

Theo anh Hoàng, vùng đất này từng trồng lúa, lên liếp trồng mía rồi làm quen cây dừa và đến nay khoảng 99% là cây dừa với 1.816ha, cây ăn trái khác như bưởi da xanh hơn 10ha, trong khi táo, nhãn chỉ được coi là cây trồng “lấy ngắn nuôi dài” trong thời gian chờ dừa cho trái. Như nhiều địa phương khác ở Bến Tre, nông dân Thành Thới A đã coi dừa là nguồn kinh tế chính nông hộ và trồng dừa đạt mức chuyên nghiệp.

Vừa là nông dân “nhà có vài công dừa” vừa là khuyến nông viên của xã Thành Thới A, anh Nguyễn Duy Khánh hiểu dừa… từ gốc tới ngọn. “Mùa nắng nhiều hộ còn tưới cho mát dừa, bên cạnh đắp cỏ gốc cây giữ ẩm”- anh Khánh nói tiếp- “ngoài việc nuôi ong ký sinh diệt bọ cánh cứng hại dừa, bồi bùn 2 năm/lần. Hiện nông dân còn áp dụng cách bón phân 2 tháng/lần thay vì 2 lần/năm như trước đây, vì thực tế sản xuất cho thấy, cùng lượng phân nhưng bón nhiều lần cây sẽ hấp thu tốt hơn”.

Giống dừa chủ yếu là dừa ta, dừa xiêm và chúng tôi hấp dẫn câu chuyện chọn giống mà anh Khánh chia sẻ. Phải tuân thủ những “quy tắc”: cây nhặt mắt, hơn 10 tuổi trở lên, buồng sai, trái to, tròn! Kinh nghiệm cho thấy cây nhặt mắt thân dừa lên cao, cây bền; cây tuổi thọ cao cho trái ổn định, lâu lão hóa. Nhưng điều “kỵ” là phải tránh cây gần nhà, chuồng gia súc. Vì “cây gần nhà rễ cây ăn vào nền có nhiều đất, gần chuồng gia súc có nhiều dinh dưỡng… không chọn. Cây ở vùng đất ít màu mỡ nhưng phát triển mạnh mẽ, chọn làm giống là tốt nhất”- anh Khánh nói đó là “bí mật” của người trồng dừa.

Mặc dù cây dừa cũng như nhiều loại nông sản khác đầu ra chưa thật ổn định, có thời điểm giá cao ngất rồi tụt xuống vài ngàn đồng và hiện tại giá khoảng 70.000 đ/chục 12 trái; nhưng với sự “cưng chiều, chăm sóc” người trồng dừa hy vọng cây dừa sẽ trở thành cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Để những vườn dừa luôn xanh bóng bên dòng Cổ Chiên, đứng vững cùng những chuyển động lớn của vùng đất này trong tương lai, từ cầu Cổ Chiên hôm nay.

Ghé Trà Vinh “trốn nắng”

Từ cầu Cổ Chiên đi Trà Vinh chưa đầy 20km. Chạy nắng cời cời từ QL 53 vào nội ô cây xanh TP Trà Vinh như lạc tới… thiên đường. Đón chúng tôi là con đường rộng với dải phân cách cây xanh nhiều tầng lá làm không khí dịu mát hẳn. Càng đi vào nội ô càng nhiều cây xanh. Đây là con đường hoa phượng đỏ rực, kia con đường bay bay mấy cánh hoa dầu, đó con đường có lá me bay… Cây xanh tạo cho đô thị Trà Vinh một “bản sắc” riêng, có một không hai của đồng bằng. Chỉ cần vào Google tìm kiếm “cây xanh Trà Vinh” trong 0,35 giây, chúng tôi đã có 1.410.000 kết quả. Không chỉ trên các trang mạng cá nhân, mà cả giới truyền thông cũng dành cho “đô thị cây xanh” này nhiều ưu ái, với những cái tít như: nơi cây xanh sống bình yên, ở nơi mọi dự án đều phải “né” cây xanh, thành phố với 800 cây được nói, “thế lực” cây xanh ở TP Trà Vinh… Chỉ cần lướt qua, cũng hiểu được cảm tình mọi người dành cho cây xanh và ở đó, mọi quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị đều phải ưu tiên giữ lại bóng mát cây xanh. Một môi trường quá tuyệt vời cho cây xanh và giờ đây, môi trường tuyệt vời đó chúng tôi đang được thưởng thức trọn vẹn, trong tiếng ve sầu râm ran dọc suốt những
con đường.

Một con đường tuyệt đẹp ở Trà Vinh mà công trình phải “né” .
Một con đường tuyệt đẹp ở Trà Vinh mà công trình phải “né” .

Vì quá yêu mến những hàng cây và không muốn đi xa quá vì… sợ nắng, nên anh bạn “thổ địa” gợi ý chúng tôi những điểm đến gần gần- cũng có “không gian mát mẻ”- thăm một số ngôi chùa Khmer cổ kính và kiến trúc độc đáo. Ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om, chùa Âng là một ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh, hài hòa trong cảnh sắc thiên nhiên, du khách thong dong đi dưới bóng cây cổ thụ, tự tại nhìn ngắm ao Bà Om êm đềm.

Nhưng điều đó hoàn toàn thay đổi khi chúng tôi đến chùa Hang, vẫn kiến trúc chùa cổ kính, rực rỡ, vẫn không gian mát mẻ nhưng vườn cây cổ thụ đã dành chỗ cho “những vị khách đặc biệt”. Hàng ngàn con chim các loại: cò, vạc, cồng cộc… trú ngụ, làm tổ dày đặc trên các cành cây. Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn thoải mái đi bộ dưới những hàng cây, với điều kiện hãy… đội nón. Đừng bao giờ nhìn lên, nếu không muốn nhận “món quà” bất ngờ từ các chú chim hiếu động!

Cầu Cổ Chiên dài 1.599m, mặt cầu rộng 16m, độ cao thông thuyền 25m, được đầu tư theo hình thức BOT với 2.308 tỷ đồng. Cầu Cổ Chiên là 1 trong 4 cầu lớn trên Quốc lộ 60 (cầu Cổ Chiên, Rạch Miễu, Hàm Luông và Đại Ngãi). Đồng thời, là một trong những điểm kết nối quan trọng ở phía Đông ĐBSCL (gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng).

 

Bài, ảnh: LÝ AN- THẢO LY