Em về Miệt Thứ

Cập nhật, 15:13, Thứ Hai, 06/07/2015 (GMT+7)

Xin mượn tên bài hát của nhạc sĩ Hà Phương để ghi lại chuyến đi về Miệt Thứ của tôi. Miệt Thứ giờ đã đổi thay, đời sống sinh hoạt cũng lắm chuyện hay, nhưng day dứt trong tôi một nỗi buồn, mang tên Miệt Thứ.

Cầu Thứ Mười Một nối trung tâm huyện An Minh với thị trấn Thứ Mười Một và xã Vân Khánh.Ảnh: MAI ĐẤU (TP Vĩnh Long)
Cầu Thứ Mười Một nối trung tâm huyện An Minh với thị trấn Thứ Mười Một và xã Vân Khánh.Ảnh: MAI ĐẤU (TP Vĩnh Long)

1. Đường đi Miệt Thứ bây giờ không còn quá cách trở như xưa, nhưng xa xôi thì vẫn y chang vậy. Từ thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành) đã có cầu nối liền Miệt Thứ, theo QL63 thẳng tắp xuống tận U Minh, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và cả huyện Thới Bình (Cà Mau). Hai chiếc cầu lớn nối từ bờ Minh Lương băng qua hai con sông Cái Bé và Cái Lớn, rút ngắn được thời gian đi lại, nhanh chóng hơn phà. Con phà Tắc Cậu giờ chỉ còn trong ký ức, khi xứ mạng “đưa người như đưa sáo sang sông Miệt Thứ” đã hoàn thành hồi năm ngoái. Nhưng sao lòng tôi cảm thấy ngậm ngùi quá đỗi. Bởi bến phà Tắc Cậu- Xẻo Rô gợi cho tôi nhiều lưu luyến. Mỗi dịp ngang qua chốn này, tôi lại muốn đi tìm kiếm những địa danh đã nổi tiếng một thời trong những giai điệu quê hương êm ả. Đây, con rạch Cái Thia- một địa danh gây nhiều tranh cãi cả về địa lý và quyền “chính chủ” của bài vọng cổ “Hoa tím bằng lăng”, do người ký tên Linh Châu sáng tác. Qua giọng ca ngọt ngào của cặp đôi nghệ sĩ Thanh Kim Huệ và Thanh Tuấn, bài hát trở nên nổi tiếng khắp nơi. Rồi con rạch nhỏ chạy cặp theo đường dẫn xuống bến phà Tắc Cậu được coi là rạch Cái Thia theo câu hát “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo sang sông con sáo đậu hiên nhà…”.

Dễ nhận biết mỗi Thứ là một con kinh, ngay đầu kinh có một cây cầu với tấm bảng tên cầu cũng là thứ tự của nơi đó. Tôi tấp xe vào Thứ Bảy, gặp ông Hai Đợi gần 70 tuổi- người sinh ra và lớn lên ở xứ này. Ông Hai Đợi cho biết, vùng này có cả thảy mười Thứ. Theo người miền Nam, thứ tự của con cái trong nhà bắt đầu từ Thứ Hai. Cho nên, Miệt Thứ cũng vậy. Bắt đầu từ Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy dẫn đến Thứ Mười Một. Dần dà, người dân đào thêm con kinh giữa hai thứ ấy, nên có thêm Thứ Bảy Rưỡi, Thứ Chín Rưỡi… Cả vùng Miệt Thứ trải dài hơn 30 cây số, qua 2 huyện An Biên và An Minh (Kiên Giang). Ngày trước, người địa phương dùng tên Thứ để phân biệt, thay vì dùng tên xã, ấp. Lâu ngày tên Thứ ghép với Miệt rồi chết danh Miệt Thứ, tới tận bây giờ.

Nhìn những ngôi nhà tường, mái tôn mới mọc lên, Hai Đợi bảo: “Miệt Thứ giờ khác xưa nhiều lắm, bây à. Đường sá thẳng tắp, cầu nối đôi bờ, đi lại nhanh chóng lắm”. Rồi ông chợt ưu tư, nuối tiếc. Phải chi cái đổi thay này đến sớm hơn vài chục năm nữa thì ông đâu phải ngậm ngùi. Rít mạnh điếu thuốc rê mấy cái, đôi mắt ông chớp lia chớp lịa. Tôi vẫn nhìn thấy nó đỏ hoe trong làn khói mờ ảo dưới ánh nắng chiều. Hai Đợi bộc bạch: “Ông ngoại tui là người xứ khác, tạt về đây sinh sống từ trước thời Pháp thuộc. Sau đó có người đàn ông ở miệt Châu Đốc cũng tạt về đây sinh sống. Thấy người này giỏi giang, hiền lành nên khi ngỏ lời yêu thương má tui, ông ngoại đồng ý. Người này nói trở về quê để thưa với tía má đem trầu cao tới dạm hỏi. Ngày tháng hứa hẹn xong xuôi, người đó xuống ghe chèo về Châu Đốc. Mãi đến khi ghe của ông ta trở lại thì đã trễ hẹn hơn một tháng trời. Má tui, ngoại tui cứ nghĩ là ông ta thất hứa nên đã gả bà cho người khác. Nhưng má tui giấu kín bí mật là đã có bầu tui từ trước, nên ông ấy ngậm ngùi quay về Châu Đốc, biệt tăm luôn từ đó. Hồi đó, đường bộ còn khó lắm, đi Miệt Thứ chỉ có ghe chèo là phương tiện chính”.

Theo lời ông Hai Đợi thì đến khi 20 tuổi, má ông mới kể rõ chuyện cho nghe. Cái tên Đợi cũng bắt nguồn từ những tháng ngày chờ người chồng hứa hôn của bà quay trở lại, trong khi đứa con đang tượng hình trong bụng, từng ngày. Hai Đợi nói, khi trưởng thành, ông quyết định đi tìm tía ruột của mình. Nhưng những thông tin của má có về tía ông quá ít. Chỉ biết nhà ông ấy ở đâu khúc cầu Mặc Cần Dưng, đường đi Châu Đốc (An Giang). “Vậy là tui khăn gói lên đường, cuốc bộ mấy ngày mới tìm tới cầu Mặc Cần Dưng, thuộc xã Bình Hòa (Châu Thành- An Giang). Theo lời má tui thì tui giống tía như khuôn đúc, nên tui cứ tới cầu ngồi chờ, nếu gặp tía là tui nhận ra liền. Mỗi ngày từ sáng tới tối, tui ngồi ở cầu Mặc Cần Dưng chờ đợi, nhìn rõ mặt từng người qua lại để tìm tía. Suốt một tháng ròng không gặp, tui khăn gói, lủi thủi trở về quê”- Hai Đợi buồn bã kể.

Hy vọng và mong ước tìm gặp tía ông coi như tắt lịm, từ khi đó. Bẵng đi một thời gian, bất ngờ có một người đàn ông trung niên từ An Giang đi tìm một người anh em cùng cha khác mẹ. Cũng như Hai Đợi, Tư Nhựt xuôi về Miệt Thứ tìm người anh trai khác mẹ, theo lời trăng trối của người cha đang nằm bệnh liệt giường. Thông tin về người anh cũng quá mông lung, chỉ là từ linh tính của người cha đang hấp hối. Hành trang Tư Nhựt mang theo trên chặng đường tìm người anh thất lạc chỉ là tấm ảnh thời trai trẻ của cha mình. Theo lời của cha ông, Tư Nhựt tìm đến Thứ Bảy (thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên). Mấy ngày lân la thăm hỏi, tình cờ ông gặp ngay Hai Đợi, mà anh em chẳng nhận ra nhau. “Khi nghe chuyện chú Tư hỏi thăm, tui bủn rủn tay chân, nước mắt ứa ra mà không sao kiềm lại được. Nhận ra nhau mừng tủi, tui với chú Tư tức tốc trở về Mặc Cần Dưng nhưng tía con không kịp gặp nhau lần cuối”- Hai Đợi thổ lộ.

 

2. Trên suốt chặng đường về Miệt Thứ, tôi cứ nghe đi nghe lại bài hát “Em về Miệt Thứ” của nhạc sĩ Hà Phương. “… Từ ngày xa đất Tiền Giang. Em theo anh về xứ cạnh đền. Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lềnh tợ bánh canh. Em yêu anh nên đành xa xứ. Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau. Gió lao xao thổi vào mái lá. Như ru tình cô gái Tiền Giang… Má ơi đừng gả cho xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu. Sương khuya ướt đẫm giàn bầu. Em về Miệt Thứ, bỏ sầu cho ai…”. Đem lời bài hát hỏi người Miệt Thứ có đúng không? Ai cũng bảo, Miệt Thứ của mấy chục năm về trước, y chang vậy. Ngày xưa, con gái lấy chồng về Miệt Thứ coi như từ bỏ quê hương xứ sở, xa cha vắng mẹ biết ngày nào về thăm. Phần vì đường sông nước quá xa xôi, cách trở, phần vì xứ ấy nghèo, người thưa nhà vắng, nước mặn đồng khô, lúa chỉ làm một vụ mà năng suất cũng trầy trật lắm. Tôi lại biết thêm một nỗi buồn mang tên Miệt Thứ: góa phụ. Những chàng trai Miệt Thứ xưa kia rất giỏi giang, tháo vát. Trên những chiếc ghe chèo lang bạt khắp miền Tây Nam Bộ làm mướn, làm thuê, họ phải lòng cô gái nào thì cố “rù”, để rồi kéo về làm dâu Miệt Thứ. Nhiều chuyện tình, tôi từng biết, lâm ly, gian khổ lắm, họ mới đến được với nhau. Nhưng rồi hạnh phúc không trọn vẹn. Những cô gái phương xa về đây làm dâu, sống đời góa bụa.

Nhìn chị Diễm với dáng vẻ phổng phao, làn da trắng nõn nà, tôi đoán ra chị hổng phải gốc dân Miệt Thứ. Mười hai năm trước, Diễm cũng theo chồng về xứ “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tợ bánh canh” này. Con gái Miệt Vườn, theo chồng về Vân Khánh, gần bên Thứ Mười Một (huyện An Minh). Ngày ấy, còn hổng biết bơi xuồng. Vậy mà về Miệt Thứ, Diễm một mình cầm vỏ lãi lái vọt lao trên sông rạch. Sớm hôm tần tảo và thêm cái nghề thợ may má cho đi học hồi con gái, cũng không giúp cảnh nhà Diễm khá lên. Rồi đến một ngày, người đàn ông Miệt Thứ cũng phải bỏ đất, bỏ người, tha hương biền biệt. Nhưng Diễm bám lại xứ này, sống như cây bần cây đước, cứ vươn lên, bám đất, bám làng. Hôm ghé nhà, hỏi Diễm có nhớ tía má ở quê hông? Chị gạt nước mắt vào lòng, bảo “quê hương sao hổng nhớ, nhưng hổng dám dìa”. Góa phụ trẻ nói tiếp: “Hồi xưa tía má đâu cho lấy chồng Miệt Thứ, mà mình cứ cãi, quyết đi theo tiếng gọi con tim. Giờ đói no, sướng khổ cũng phải cắn răng chịu đựng, đâu dám ló mặt về quê. Với lại, hổng phải riêng mình, chị em xứ khác về đây làm dâu, cũng lở dở như mình, họ vẫn sống đó thôi. Mà giờ mình thành người Miệt Thứ rặt rồi. Lái vỏ lãi, đặt lú, đặt lờ đều mần được ráo, cũng hổng lo đói nghèo nữa vì xứ Miệt đang từng bước đi lên”. Rồi Diễm bảo, hôm nay phải đãi đồng hương một bữa bằng những món ngon Miệt Thứ. Mâm rượu bày ra, nào tôm nào cá và ly rượu đế rót đầy, biểu vô trăm phần trăm mới đúng gu xứ Miệt. Tôi hơi ái ngại, lắc đầu. Nhưng khi hiểu ra mới thấy quý, đó là tấm lòng, nghĩa tình của người Miệt Thứ. Dẫu nghèo, dẫu khó khăn, nhưng lòng hiếu khách thì họ rất giàu, móc ruột gan ra
thết đãi.

Bóng chiều tà của xứ biển buông nhanh. Hoàng hôn rải một sắc vàng trên những dòng kinh Miệt Thứ. Một nỗi buồn lại man mác trong tôi, khi rời Miệt Thứ. Trên sông vắng, tiếng ai ngân nga mấy câu hát say sưa mà buồn hiu hắt: “… Gió lao xao thổi vào mái lá. Như ru tình cô gái Tiền Giang… Sương khuya ướt đẫm giàn bầu. Em về Miệt Thứ, bỏ sầu
cho ai”…

QUỐC DŨNG