Nông dân Lai Vung nỗ lực tái canh cây quýt hồng đặc sản

Cập nhật, 15:04, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

Dịch bệnh vàng lá thối rễ hay còn gọi là bệnh chết xanh (chết vàng), bùng phát mạnh vào năm 2018, đã làm thiệt hại hơn 2.000ha cây có múi tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), trong đó hơn 300ha quýt hồng chịu thiệt hại nặng. Để khôi phục lại sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhiều nhà vườn đã và đang nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp tái canh giống cây trồng đặc sản này.

Nhờ thay đổi tập quán canh tác nhiều diện tích quýt hồng, quýt đường đã bắt đầu hồi sinh
Nhờ thay đổi tập quán canh tác nhiều diện tích quýt hồng, quýt đường đã bắt đầu hồi sinh

Qua thống kê, hiện toàn huyện Lai Vung có hơn 5.700ha trồng cây có múi; trong đó, quýt hồng chiếm gần 840ha, giảm hơn 300ha so năm 2015.

Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện trên cây có múi vào năm 2017 sau đó bùng phát mạnh vào năm 2018. Cụ thể, đã có hơn 160ha quýt hồng bị thiệt hại 20%, hơn 70ha thiệt hại từ 20- 40%, gần 60ha thiệt hại từ 50- 70% và hơn 40ha thiệt hại từ 80- 100%.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn- Phó trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Lai Vung,  trong một thời gian dài, bà con nông đã bón quá ít hoặc không bón phân hữu cơ, mà lại đưa quá nhiều lượng phân hóa học vào đất là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến cây chết hàng loạt.

“Hậu quả của việc bón thừa phân hóa học, nhất là phân đạm, làm phần trên của cây xanh tốt trong khi tế bào rễ non yếu, sức chống chịu kém nên sâu bệnh dễ tấn công. Nguy hiểm nhất là tuyến trùng, nhện rễ, nấm Phytophthora nicotianae, Fusarium solani tấn công gây nên tình trạng bội nhiễm trên rễ”- ông Huỳnh Văn Tồn nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, phòng Nông nghiệp- PTNT huyện đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tiến hành khảo sát và hướng dẫn bà con thử nghiệm phương pháp bón phân mới nhằm thay đổi tập tục canh tác theo lối mòn cũ.

“ Thay vì bón phân hóa học trực tiếp vào đất chúng tôi khuyên bà con nên chuyển sang hình thức tưới theo quy trình chuẩn có kiểm soát liều lượng. Đặc biệt, khuyến khích nhà vườn chủ động ủ phân hữu cơ từ xác bả rơm mục, phân chuồng ủ hoai, kết hợp nấm Tricoderma để sử dụng cho vườn cây ăn trái”- ông Huỳnh Văn Tồn cho biết thêm.

Đồng thời, sử dụng cân đối phân bón hữu cơ khoáng với phân hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích phát triển và tránh làm tổn thương bộ rễ. Với phương pháp trên, các vườn quýt đã cho kết quả phấn khởi.

Gần 30 năm gắn bó với cây quýt hồng, song đợt dịch bệnh cũng khiến vườn quýt khoảng 1ha của nhà ông Nguyễn Văn Đầy (ngụ xã Long Hậu) chịu thiệt hại nặng nề.

Bà con nông dân phấn khởi khi cây quýt nhiễm bệnh có dấu hiệu khả quan.
Bà con nông dân phấn khởi khi cây quýt nhiễm bệnh có dấu hiệu khả quan.

“Tôi nhận thấy mình phải cứu vườn của mình không phải chỉ khi dịch bệnh xảy ra, mà là về lâu về dài làm sau để cây phát triển bền vững nên quyết định phối hợp với ngành chuyên môn chọn 1.000 m2 trồng quýt hồng có tỷ lệ hao hụt 30% để thí điểm sử dụng bón phân ủ hoai, phủ rơm, tưới Tricoderma chống thối rễ và quét vôi, kết hợp trồng cỏ trong vườn để giữ độ ẩm.

Đến hiện tại, các cây bị dịch bệnh tấn công có nguy cơ chết rất cao đã có dấu hiệu hồi sinh, bắt đầu ra lá non trở lại. Cơ bản, dịch bệnh đã không còn lây lan”- ông Đầy phấn khởi cho hay.

Còn với ông Trần Hữu Hớn ( ngụ cùng xã), việc tập trung áp dụng phương pháp kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp ông bảo vệ được 1ha diện tích cây có múi của gia đình, lại tiết kiệm được một phần chi phí đáng kể nhờ tận dụng các phế phẩm từ thực vật  có sẵn để bón cho cây.

“ Tôi sử dụng nước dừa để làm thuốc xịch cho cây quýt hồng, sử dụng chuối, phân chuồng ủ hoai,… để bón cho cây. Bên cạnh đó, chủ động giám sát liều lượng đạm cũng như cân đối liều lượng phân hữu cơ khoáng chất có hàm lượng đạm cao khi bón cho cây theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nhờ vậy mà cây phát triển ổn định, phòng ngừa được dịch bệnh. Có thể nói đây là hướng đi tốt để cây có múi nói chung và cây quýt hồng đặc sản nói riêng phát triển lâu dài trên vùng đất này”- ông Hớn vui vẻ nói .

Với những triển vọng từ việc thay đổi tập quán canh tác, hy vọng bà con nông dân ở “ thủ phủ” quýt hồng sẽ sớm vượt qua được khó khăn trước mắt, tiếp tục gắn bó với loại cây đặc sản này.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC