Sông nước Đình Khao

Cập nhật, 05:40, Chủ Nhật, 21/07/2019 (GMT+7)

Qua lại bến phà nhiều lần nhưng tôi thực sự chưa hiểu nhiều về tên Đình Khao. Tra trong sách cũ, rằng: Di tích Đình Khao còn chăng chỉ là bến phà nhỏ bên bờ Cổ Chiên.

Cổng chùa Bửu Long.
Cổng chùa Bửu Long.

QL57 bắt đầu từ ngã tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, giao với QL53 và đường Phạm Thái Bường (Phường 4- TP Vĩnh Long), đi qua các huyện Long Hồ (Vĩnh Long), Chợ Lách, Mỏ Cày (Bến Tre) và kết thúc tại xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú- Bến Tre).

Với chiều dài khoảng 105km toàn tuyến, riêng đoạn qua Vĩnh Long 8km có bến phà Đình Khao. Năm 1999, từ khi Đường tỉnh 888 chuyển thành QL57, đường rộng, thông thoáng hơn. Các xe lớn chạy tuyến Cà Mau- TP Hồ Chí Minh cũng qua ngõ này.

Cây bồ đề chùa Bửu Long.
Cây bồ đề chùa Bửu Long.

Qua phà, nếu đi thẳng thì đến các xã Hòa Ninh, Bình Hòa Phước, Đồng Phú, An Bình thuộc huyện Long Hồ rồi lại đi phà sang TP Vĩnh Long. Còn khi rẽ phải là đến Phú Phụng- Chợ Lách về Bến Tre.

Khách lãng du sẽ gặp vườn cây ăn trái bốn mùa, khi thì chín đỏ, lúc vàng ươm chen lẫn hương thơm vườn đang đơm nhụy, gái đẹp thanh tân duyên dáng mời khách nếm thử quả đầu mùa. Biết bao khách bịn rịn chân đi mà lòng ở lại…

Nơi đây cũng là vùng hoa kiểng và làm giống cây ăn trái nổi tiếng cả nước. Đến, ai cũng muốn có một vài món đặc sản mang về.

Qua lại bến phà nhiều lần nhưng tôi thực sự chưa hiểu nhiều về tên Đình Khao. Tra trong sách cũ, rằng: Di tích Đình Khao còn chăng chỉ là bến phà nhỏ bên bờ Cổ Chiên.

Một hôm, có dịp qua lối này theo hướng vòng xoay về cầu Thiềng Đức, tôi ngờ ngợ có lẽ mình bỏ sót điều gì chăng?

Quay đầu xe, bất giác nhìn thấy một hẻm nhỏ lọt thỏm giữa hai bức tường dài hun hút không bóng người. Nhìn kỹ trên cổng có đắp nổi bằng xi măng dòng chữ: Chùa Bửu Long- Di tích Đình Khao.

Hỏi người đầu hẻm, chùa có thể vào được nhưng giờ không có ai. Tuy thấy ngài ngại nhưng vì tò mò, tôi chạy thẳng vào trong.

Cây dương- da bên trái sân chùa.
Cây dương- da bên trái sân chùa.

Dừng xe, tôi thấy yên tâm hơn khi có xe gắn máy đậu trước sân tự bao giờ. Người đàn ông nằm trên chiếc võng được treo từ gốc cổ thụ sang tường nhà. Sau khi nghe rõ tôi nói mục đích đến đây, anh mời nước và giới thiệu qua di tích Đình Khao. Tôi xin phép chụp vài kiểu ảnh, anh bảo, cứ tự nhiên như thể đã quen với việc này rồi.

Lát sau, một phụ nữ gần 60 tuổi, tóc hoa râm bước vào. Chị là vợ của người đàn ông tiếp chuyện với tôi. Chị họ Mai- Mai Ngày Thanh Bình- là em gái của ông Mai Thành Kiên- thủ tự hiện nay và là cháu 4 đời của người chủ quản đất, chùa này.

Chị nói, ngày trước khu này rộng lắm, khoảng 1,4ha, tính từ phà Đình Khao đến giáp ranh nhà thờ Thánh Minh. Sau giải phóng, vì nhiều lý do, đất bị thu hẹp lại còn 1.200m2. Cha mẹ chị được táng ở đây, bên cạnh hậu viện.

Gây ấn tượng nhất trong tôi là 3 cây cổ thụ. Cây bồ đề giữa khuôn viên có tuổi cùng với chùa, tốt tươi, vươn cao, bóng phủ tràn sân.

Cây dương bị cây da bọc lại còn sót mấy cành có lẽ tuổi cao hơn hẳn. Tương truyền khi lập đình, tiền nhân cho trồng 5 cây dương, mỗi cây cách nhau 10m. Như vậy, cây thứ nhất phải cách bến sông hiện hữu hàng chục mét.

Cây sanh cổ thụ.
Cây sanh cổ thụ.

Thánh Minh bị triều đình xử trảm dưới gốc cây dương thứ tư. Lịch sử có lúc thăng trầm, Pháp xâm lược càng khiến nhà Nguyễn cấm đạo gắt gao nhưng vẫn không tránh khỏi ách nô lệ. Vết tích đã bị thời gian xóa nhòa nhưng niềm thương tiếc trong họ đạo vẫn khôn nguôi.

Cây sanh có vẻ rậm rạp hơn hẳn, đứng sát tường rào, gốc có đường kính hơn 2m, tàn lá xum xuê đổ bóng che mát cả khu vực khi nắng chiều. Tôi chợt nghĩ, nếu ai ngủ dưới gốc cây này sẽ hiểu được thế cuộc vần xoay chỉ là giấc mộng. Giấc mộng Nam Kha chăng?

Nước chiều sông Cổ Chiên lớn, gió thổi mạnh, lá xào xạc trong cõi thanh u. Nước đưa những rác, gỗ mục vào bờ và sóng đánh dập dềnh hang cua nghe
xóc xách…

Lịch sử như một dòng chảy trong tôi hiện về…

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

LÊ MINH HÀ