Mở cánh cửa ra biển lớn ở đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật, 13:19, Thứ Ba, 26/01/2016 (GMT+7)

Ngày 21/1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thông Luồng sông Hậu để chuẩn bị đón tàu 20 nghìn tấn ra vào. Với sự kiện này, cánh cửa ra biển lớn cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được mở toang.

Tàu tải trọng lớn vào Luồng sông Hậu trong niềm hân hoan của người dân vùng châu thổ Nam Bộ.
Tàu tải trọng lớn vào Luồng sông Hậu trong niềm hân hoan của người dân vùng châu thổ Nam Bộ.

Quyết tâm lớn

Những năm 90 thế kỷ trước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành nhiều thời gian cùng các nhà khoa học xuống miền Tây Nam Bộ khảo sát phương án mở lối ra biển cho các tỉnh ĐBSCL. Với lợi thế hệ thống sông ngòi chằng chịt, đặc biệt sông Hậu có độ sâu tự nhiên tương đối lớn (13 - 15 m), nhưng chỉ có tàu tải trọng 5.000 tấn ra vào được do sự bồi lấp tại cửa sông. Đây thực sự là một lãng phí lớn đối với vận chuyển hàng hóa của cả vùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, hằng năm chỉ tính riêng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) bằng đường biển của vùng ĐBSCL khoảng 15 - 16 triệu tấn hàng hóa. Trong đó, chỉ gần 30% đi thẳng từ các cảng vùng ĐBSCL bằng tàu thuyền nhỏ. Hơn 70% lượng hàng trên phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu.

Tính riêng chi phí vận chuyển bằng đường bộ một tấn hàng xuất khẩu lên TP Hồ Chí Minh phải “cõng” thêm gần 10 USD. Do đó, hàng hóa, nông sản của khu vực ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực vì phải cộng chi phí vận chuyển. Chưa kể đến mất an toàn giao thông đường bộ, gây ùn tắc cho TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng môi trường…

Trước đây, đã có nhiều giải pháp đưa ra như tiến hành nạo vét Luồng Trần Đề, cửa Định An để tận dụng cửa sông tự nhiên, tiết giảm chi phí... Nhưng phương án có tính khả thi và bền vững lâu dài, là kết hợp với Nhiệt điện Duyên Hải mở cửa biển mới cùng với việc nạo vét kênh Quan Chánh Bố, đào một tuyến kênh tắt dài 8,2 km. Phương án này được xem là tối ưu và được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh) vào cuối tháng 12-2009.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật: Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, phải cắt giảm đầu tư công nên dự án này mới bắt đầu triển khai đã phải ngưng trệ trong một thời gian. Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết của sự phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng Tây Nam Bộ, Chính phủ lại thêm một lần quyết tâm và được Quốc hội thông qua. Dự án này chính thức được tái khởi động vào tháng 3-2014 với tổng mức đầu tư trên 9.781 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án này gặp nhiều khó khăn: khan hiếm nguồn vật liệu, bất lợi về thời tiết; 2.400 hộ dân trong chín xã ở ba huyện, thị bị ảnh hưởng, phải di dời tái định cư hơn 700 hộ dân. Chưa hết, phải cắt một đoạn Quốc lộ 53 và đê biển Hải Thành Hòa ở huyện Duyên Hải, xây dựng bến phà đi lại nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của hàng nghìn người dân trong vùng.

Những bất lợi trên, ảnh hưởng không nhỏ đến dự án và có lúc tưởng “vỡ” tiến độ. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo chặt chẽ Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thực hiện dự án. Đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xuống tận công trường, điều chuyển các phần việc từ nhà thầu thi công không kịp tiến độ sang nhà thầu mạnh; các khó khăn được tháo gỡ tại chỗ kịp thời.

Bên cạnh đó, dự án đã được cán bộ và người dân trong vùng chia sẻ, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân trong vùng ảnh hưởng. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời tái định cư, bàn giao mặt bằng cơ bản kịp tiến độ. Đặc biệt, Chính phủ, Quốc hội đã tổ chức nhiều đoàn đến công trường giám sát tiến độ cũng như chất lượng công trình.

Theo Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Hàng hải (chủ đầu tư dự án) Trần Anh: Đúng kế hoạch phải đến tháng 10-2016 dự án mới hoàn thành, tuy nhiên với tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Hàng hải phải vượt qua mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, phải thông luồng kỹ thuật ngay đầu năm 2016.

Cũng trong năm 2016, dự án tiếp tục triển khai giai đoạn hai, gồm các hạng mục: xây dựng kè bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố, đường dân sinh dài 5 km dọc bờ nam kênh, bến sà lan 500 tấn..., với tổng kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng.

Khai thác luồng hiệu quả

Lễ thông luồng kỹ thuật sông Hậu vào đúng ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn đối với miền Tây Nam Bộ. Công trình càng ý nghĩa hơn, khi chỉ còn ít tháng nữa, những công đoạn cuối cùng của dự án sẽ được các đơn vị chuyên môn của ngành GTVT hoàn tất, để sớm đón những chuyến tàu biển trọng tải lớn đầu tiên vào sông Hậu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Đây là luồng duy nhất ở miền Tây Nam Bộ có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 20 nghìn tấn; đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450 nghìn đến 500 nghìn TEU/năm cho cả vùng ĐBCL.

Khi dự án đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác hiệu quả hệ thống cảng trên sông Hậu. Phục vụ tối đa cho việc vận chuyển hàng hóa, trong đó có hàng xuất nhập khẩu (XNK) các tỉnh ĐBCL; nhập nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện sông Hậu, Long Phú; đồng thời, sẽ thu hút một lượng hàng hóa rất lớn XNK từ Campuchia qua sông Mê Công.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết thêm: Thời gian qua, không chỉ đầu tư Luồng sông Hậu, ngành GTVT còn ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như hoàn thành việc đầu tư Quốc lộ Hồ Chí Minh xuống đến đất Mũi Cà Mau cùng một loạt cầu lớn (Hàm Luông, Cổ Chiên…) nhằm tạo bước phát triển mới cho cả vùng ĐBSCL.

Lối ra biển lớn đã mở là thời cơ cho cả vùng ĐBSCL. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Anh Dũng: "Công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển đời sống xã hội của người dân Trà Vinh nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Các địa phương trong vùng sớm nắm bắt cơ hội này, điều chỉnh quy hoạch hợp lý gắn với đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ kinh doanh XNK dọc theo sông Hậu, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế biển.

Không chỉ có vậy, các chủ tàu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực XNK cùng các thương lái đã có những tính toán, chuẩn bị cho việc chuyển hướng vận chuyển hàng hóa, nông sản từ đường bộ sang đường biển. Trước mắt là những lô hàng nông, thủy sản xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL đi nước ngoài...”

Bà Cao Thị Thu Vân (SN 1970) ở khóm 2, thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải cùng cháu nội và những người dân trong vùng có mặt trong buổi lễ thông luồng kỹ thuật này đã vui mừng khi nhìn thấy những con tàu biển lớn đang từ từ đi vào luồng.

Bà Vân chia sẻ: “Giờ đây, việc đi lại của người dân ở vùng cuối đất này phải qua lại bằng phà (do phải cắt Quốc lộ 53, đào luồng), chậm so với trước đây khoảng 30 phút. Nhưng kệ đi, chậm chút nhưng vui (!)”.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là nỗi niềm không chỉ của bà Vân và cả những người dân mà chúng tôi được gặp, khi họ băn khoăn về những khó khăn trong việc giao thương phát triển khi phải qua lại bằng phà hay việc không biết sau này có bị thu lệ phí qua phà hay không…

Nhưng bỏ lại suy tư về khó khăn thường nhật, những người dân chân chất Nam Bộ đều sẵn sàng chia sẻ những thiệt thòi bé nhỏ của mình để đổi lấy cái tổng thể lớn hơn, có ý nghĩa quan trọng cho cả vùng ĐBSCL, đó là nhường đường mở lối ra biển lớn. Họ và chúng tôi đều chung một niềm hy vọng, thời gian tới, Luồng sông Hậu sẽ là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất nước, góp phần đưa ĐBSCL sớm trở thành một vùng kinh tế sầm uất.

Giai đoạn một của dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục: Cải tạo tuyến luồng dài 46,5 km, rộng 85 m, độ sâu (- 6,5) m; bảo đảm cho tàu 10 nghìn tấn đầy tải, tàu 20 nghìn tấn giảm tải ra vào sông Hậu. Đoạn kênh Quan Chánh Bố được đào mới thông ra biển dài 8,2 km. Xây dựng đê chắn sóng phía nam dài 2,4 km, kè bảo vệ dọc hai bên kênh, bến phà khách có trọng tải 60 tấn.. với kinh phí hơn 7.500 tỷ đồng.

Theo http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/28617002-mo-canh-cua-ra-bien-lon-o-dong-bang-song-cuu-long.html