Rừng đước Viên An

Cập nhật, 09:14, Thứ Ba, 27/10/2015 (GMT+7)

Theo miêu tả của ông Tám Đoàn (Tô Văn Đoàn, cán bộ lão thành của vùng Viên An), xã Viên An cũ ở thời Mỹ - Diệm có 11 ấp, dân cư thưa thớt kéo dài từ Vàm Ông Định đến Đất Mũi ngày nay, gồm cả Viên An Đông và Lâm Hải (huyện Năm Căn). Trong đó, bà con ở thành xóm đông đúc nhất là ở Nhưng Miên, Tắc Biển, Xóm Mới…, còn lại là rừng, là vương quốc của cây đước.

Mối lương duyên giữa con người và cây đước nơi đây hình thành từ thời khẩn hoang, mở đất. Suốt hành trình, cây đước là hình tượng đại diện duy nhất, độc nhất và tiêu biểu nhất cho từng biến thiên thời cuộc diễn ra tại vùng đất biển Viên An. Vật lộn mưu sinh, bom đạn giặc thù, con người nơi đây nương tựa vào rừng đước, và từ màu xanh đại ngàn vang lên lời thề, “chết ôm gốc đước chớ không phản bội cách mạng”.

Nhân chứng lịch sử

Sinh ra tại đất Viên An, qua 80 năm đời người, ông Tám Ðoàn thổ lộ: “Những người kháng chiến như chúng tôi chỉ hiểu biết từng thời đoạn, từng hoàn cảnh, chớ biết làm sao hết sự kiên trung, anh dũng và vất vả, hy sinh của Nhân dân trong thời kháng Mỹ”.

Trong ký ức, ông Tám như chưa quên được nỗi đau khi chứng kiến cảnh “tế cờ” thời Diệm: “Những cán bộ của ta có tư tưởng chống đối, tụi nó trói lại mít-tinh, bắt mỗi người dùng cây đước làm hàng rào đánh một cái, tới chết thì thôi”. Không khí chiến tranh ngày càng ác liệt, tụi giặc bắt đầu gom dân lập ấp chiến lược, hòng tách cách mạng ra khỏi dân, “tát nước, bắt cá”".

Sản vật dưới tán rừng đước vẫn được người Viên An bảo tồn, phát huy giá trị.       Ảnh: QUỐC RIN
Sản vật dưới tán rừng đước vẫn được người Viên An bảo tồn, phát huy giá trị. Ảnh: QUỐC RIN

Trong bối cảnh ấy, gần như toàn bộ người dân Viên An rút vào rừng đước để lập nên mô hình làng rừng kháng chiến độc nhất vô nhị. Làng rừng có chi bộ Ðảng, có trường học, nhà giam, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt diễn ra bình thường.

Ông Ba Chanh (Nguyễn Ngọc Chanh, nguyên Ðảng uỷ viên xã Viên An), kể chuyện cây cầu đước bắc qua sông Ông Trang khiến chúng tôi "mắt tròn, mắt dẹt". Năm 1962, Viên An phát động làm cầu, sông Ông Trang gần cửa biển nước chảy xiết, bề rộng hơn 5 miệng đáy. Nhà nhà đốn đước, đẽo gọt, thui, khoan, bắc giàn rồi lót ván, trên làm lan can tay vịn.

Ông Ba nói: “Dân ở đây là vậy, hễ hợp tình, hợp lý, có chủ trương của cách mạng thì hô một tiếng tất cả đều đồng lòng”. Tiếc rằng cây cầu “huyền thoại ấy” chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, giặc mở chiến dịch “Sóng tình thương” năm 1963, cây cầu bị phá huỷ.

Ông Tám Ðoàn nhớ về cuộc sống của bà con Viên An thời điểm khốn khó nhất của cuộc chiến mà không khỏi bùi ngùi: “Giặc cho hải thuyền, tàu ụ nổi cắt luôn tuyến huyết mạch trên sông Tam Giang - Bảy Háp - Cửa Lớn, coi như lương thực, nước uống không cách nào vận chuyển được”. Vậy rồi dân Viên An xẻ rừng đước “mở đường máu” để gom củi đước, cua, ốc len… lên Nhà Di, Cả Chim, lên tận Hộ Phòng để đổi gạo, chuối, dừa khô... về để dùng.

Ông Bảy Quốc (Tạ Nhuỵ Quốc, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Viên An) tiếp lời: “Lúc ngặt quá, tụi này trồng rẫy, ăn bí, ăn bắp cầm cự qua ngày”. Nước uống thì phải “hấp” bằng thùng thiếc. Giai đoạn 1970-1972 ác liệt quá thì “hết cách”, đành phải ăn trái mắm lót lòng.

Bọn giặc sợ rừng đước, tuyên bố thấy bóng người lãng vãng trong rừng là bắn bỏ. Ông Tám Ðoàn cười: “Ai bước vô rừng đước cũng là cán bộ cách mạng hết mà, nó sợ cũng phải”. Bà con Viên An lúc ấy căm tức bọn giặc, bỏ hết cơ ngơi để vô rừng mò cua, bắt ốc cầm cự qua ngày.

Ông Ba Chanh nhớ: “Chạy giặc mà, nhà lợp cao su, kiếm đước xung quanh là đủ cột, trên lót thêm bao Mỹ vì sợ trái đước rớt xuống lủng. Có khi một ngày làm 2 cái nhà vì trúng tầm đạn giặc”. Suốt chặng đường kháng Mỹ, người Viên An không đầu hàng giặc, không phản bội cách mạng, sống trong rừng đước, sống nhờ rừng đước như vậy.

Rừng đước kháng chiến

Thời Tây, Viên An được chia ra làm 20 khu, mỗi năm khai thác đước 1 khu, sau đó lần lượt đến chỗ khác. Tây đánh dấu cây làm giống, đào kinh ranh. Trông coi khai thác củi, mở cúp có nhiều cặp rằng và quan Kiểm lâm. Việc quản lý hầm than thì có tằng khạo, đây là chuyên gia về xếp củi, đốt lửa, coi khói… như lời ông Tám Ðoàn, bà con mình có làm cũng không ăn thua do không biết bí quyết. Ông Tám cho biết, thời đó mỗi lò ra vài ngàn ký than, củi đòn sao than ra nguyên thỏi vậy, chất lượng vô cùng tốt.

Về sau, bà Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Ðình Nhu, độc chiếm việc hầm than, buôn bán than. Ông Tám Ðoàn lắc đầu: “Tụi này phá hoại, không làm như Tây, vả lại cách mạng mình đánh phá liên tục nên làm ăn dần lụn bại”. Rồi nghề hầm than lác đác xuất hiện đây đó, giờ thì mất dấu hẳn trên đất Viên An. Nhưng hầu như trong tất cả các sách địa chí trước đây, than đước được coi là mặt hàng thượng hạng của Cà Mau.

Ðước Viên An cũng chịu kiếp nạn chiến tranh, khi nghe kể lại ai cũng xót xa. Mỹ dùng chất độc hoá học rải xuống các cánh rừng, ông Ba Chanh thuật lại: “Nó rải từng sọc, ý đồ gom cán bộ, bộ đội lại những chỗ còn rừng hòng diệt gọn”.

Ông Tám Ðoàn kể chi tiết hơn: “Hai vợ chồng tui cùng 2 đứa con trong rừng, nó rải xuống ướt mình, nước uống nổi màng màng”. Cây sau đó chỉ một ngày lá bắt đầu héo và cuốn lại, sau đó chết đứng từ từ. Ngày giải phóng, rừng Viên An, xóm làng Viên An trơ trụi. Mãi đến khoảng những năm 80 thì rừng mới bắt đầu tái sinh, nhưng không bao giờ được như xưa.

Riêng ông Bảy Quốc có những kỷ niệm rất vui với trái đước: “Tui thấy anh em lượm trái đước, cắt đầu, cặp vô ruột xe giả làm băng đạn, đeo lòng thòng vậy đó, nhìn oai lắm, rồi cũng làm theo”.

Thời thanh niên, những anh em cùng lứa với ông Bảy mê súng đạn một cách lạ kỳ. “Mấy chục anh em “thèm súng” quá nên xung phong tìm các đơn vị chủ lực để thoả chí. Ai ngờ, mấy anh bên Ðoàn 962 bơi xuồng “lú lú” ra cây B41 bắp chuối, vậy là tụi này ngoắc lại, mấy ổng rước đi hết”, ông Bảy nhớ lại.

Ông Ba Chanh thì không quên cảnh thụt khí đá, cầm đước vây đồn Nhưng Miên. Nhiều đồng chí lấy “đước lụt” đẽo gọt làm bá súng lên nước bóng ngời…

Viên An giải phóng, người Viên An từ rừng đước tràn ra để bảo vệ, dựng xây cuộc sống mới. Chợ Ông Trang ngày nào chỉ 5, 6 nóc gia giờ đã sầm uất, bề thế. Có điều, rừng đước Viên An giờ ít hơn, thưa hơn ngày trước.

Ngồi trên nhà sàn làm từ gỗ "đước lụt", ông Bảy Quốc ngẫm nghĩ: “Rừng đước giờ nhường chỗ cho con người nên ít đi cũng phải. Nhưng chú bảo đảm với mấy con rằng, ở Viên An này, cây đước sẽ không bao giờ mất đi. Nó giống như bao lớp người ở đây, không bao giờ phản bội cách mạng...”

Theo http://baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=38193