Vĩnh Long đẹp qua những vần ca dao

Cập nhật, 05:43, Thứ Bảy, 24/10/2015 (GMT+7)

Mỗi con người Việt Nam nói chung đều có tấm lòng yêu quê hương đất nước mãnh liệt và con người Vĩnh Long cũng vậy. Tình yêu đó được gửi gắm vào những vần ca dao mộc mạc, bình dị mà đậm sắc thái riêng của vùng Tây Nam Bộ.

“An Bình đất mẹ cù lao” .Ảnh: VINH HIỂN
“An Bình đất mẹ cù lao” .Ảnh: VINH HIỂN

Chính những đặc tính tiêu biểu đó đã tạo dựng nên tình yêu quê hương trong mỗi con người Vĩnh Long. Ca dao nói về tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau, từ việc mô tả những địa danh đặc trưng, lịch sử đấu tranh dân tộc, những anh hùng,… cho đến tình yêu thương, đùm bọc mang đậm tình làng nghĩa xóm của nhân dân.Đối với Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh Nam Bộ nói chung, việc hình thành nên những địa danh, những nét văn hóa bắt nguồn từ công cuộc khai hoang mở mang bờ cõi thời chúa Nguyễn. Từ việc mở mang bờ cõi, đất lành chim đậu, dân tứ xứ tập trung về ngày càng đông, từ đó hình thành nên những nét văn hóa, phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt riêng của vùng sông nước.

Nhắc đến Vĩnh Long là nhắc đến vùng đất phì nhiêu màu mỡ, mang vẻ đẹp thanh tao, hiền hòa, níu chân biết bao du khách gần xa. Đó chính là vẻ đẹp của cảnh vật hữu tình và vẻ đẹp của lòng người: “Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh/ Quyện lòng du khách, gợi tình nước non”.

Về mặt địa lý, Vĩnh Long nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, tạo ra hệ thống kinh rạch, sông ngòi chằng chịt. Trên những con sông ấy đã hình thành nên chợ nổi, nét đặc trưng của Tây Nam Bộ: Sông Long Hồ chảy ngang chợ Vãng/ Vàm Long Hồ nối ngọn Cổ Chiên/ Như con bên cạnh mẹ hiền/ Uống dòng sữa ngọt, tuổi tên gắn liền. “Sông” gắn liền với “chợ”, “vàm” gắn liền với “ngọn” trong thế so sánh tương quan với hình ảnh mẹ hiền- con thảo trong ca dao, đã thể hiện tình yêu của nhân dân đối với vùng đất Vĩnh.

Tình yêu ấy được nuôi dưỡng trong dòng “sữa” ngọt phù sa mà chẳng bao giờ họ quên đi, luôn muốn gắn liền đời đời chẳng phai. Tình yêu ấy còn được ví như sự gắn bó sống còn của thân cây bần và chùm rễ của nó, chẳng thể nào tách rời chúng ra khỏi nhau được: Uống nguồn nước trong nhớ dòng sông Cổ/ Ăn chén cơm đầy nhớ thuở Cù Lao/ Quanh năm sóng gió ba đào/ Như bần xanh chắc rễ, chẳng khi nào cách xa. 

Ngoài bồi đắp phù sa, sông Vĩnh Long còn mang hình dáng như rồng uốn khúc, một vẻ đẹp vừa mạnh mẽ vừa nên thơ. Vẻ đẹp ấy đã được thể hiện lại trong những câu hò đêm trăng trên dòng sông thơ mộng: Sông Vĩnh Long như rồng uốn khúc/ Đất Vĩnh Long ngoạn mục như mơ/ Giàu lòng đất sử tình thơ/ Dòng sông man mác câu hò đêm trăng.

Những câu hò ấy như là một món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ. Hoạt động hát hò trên thuyền mang nét văn hóa riêng, là những phút giây giải trí hay những phút ngẫu hứng cho quên đi những mệt nhọc hàng ngày.

Và khi những điệu hò ấy đã ăn sâu vào tâm khảm con người thì dù đi đâu chăng nữa họ cũng luôn: Bâng khuâng điệu lý câu hò/ Vang lên trầm bổng dưới đò khách qua/ Người xa vẫn nhớ quê nhà/ Thương dòng Măng Thít đậm đà tình chung.

Tình yêu của người dân ở Vĩnh Long dành cho quê hương xứ sở của mình qua từng câu ca dao ca ngợi về đặc trưng của từng vùng đất trong tỉnh cho ta thấy được lòng tự hào của con người ở đây với quê cha đất mẹ trù phú của mình.

Chẳng hạn nói về sự phong phú về các loại cây ăn trái như nhãn long của huyện Long Hồ, bưởi của TX Bình Minh, vú sữa của huyện Mang Thít, cam quýt của huyện Tam Bình hay lúa gạo của huyện Vũng Liêm: Vĩnh Long có bưởi Bình Minh/ Cam quýt Tam Bình, đồng ruộng Vũng Liêm hay Mang Thít vú sữa thơm ngon/ Long Hồ hương nhãn tiếng đồn bay xa.

Không chỉ là lòng tự hào đối với cảnh vật đẹp tươi hay sản vật trù phú mà ca dao còn là những lời thơ ca ngợi con người lao động cần cù trên mảnh đất quê hương, những con người hiền lương, thật thà, dễ mến: Vĩnh Long cảnh lịch, người xinh/ Ruộng vườn tươi tốt dân tình hiền lương hay Đất Vĩnh Long cò bay thẳng cánh/ Người Vĩnh Long thẳng tánh, thật thà. Ca dao Việt Nam thường ca ngợi người phụ nữ với vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng trong từng lời ăn, tiếng nói.

Và, người con gái Vĩnh Long cũng như thế: Vĩnh Long gái đẹp thật thà/ Nói năng nhỏ nhẹ, mặn mà có duyên. Niềm tự hào của Vĩnh Long không chỉ dừng lại ở những con người bình dị, mà còn có những bậc nhân tài như: Bùi Hữu Nghĩa, Phan Thanh Giản…

Nhân dân tôn kính ví họ như “rồng vàng” bởi vì họ là những người tài cao học rộng, yêu quê hương đất nước, dùng bút lông thay gươm đao chống Pháp: Vĩnh Long có cặp rồng vàng/ Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Công Thần.

Chùa chiền, đình miếu cũng là những công trình lịch sử được nhắc đến nhiều trong ca dao Vĩnh Long. Nổi tiếng có Văn Thánh miếu, Văn Xương các hay Đình Khao, chùa Phước Hậu, miếu Ông Điều Bát: Đình Khao ơi hỡi Đình Khao/ Nhớ em đứt ruột, tính sao bây giờ hay Bao giờ cạn rạch Thầy Cai/ Nát chùa Phước Hậu em mới sai lời nguyền.

Ca dao Vĩnh Long còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, không ít câu ca dao miêu tả lòng căm thù bọn Nhật- Pháp đã vơ vét của cải của dân tộc hay bọn đế quốc Mỹ câu kết cùng Ngô Đình Diệm giày xéo quê hương. Sự căm thù đó phát xuất từ những uất ức mà nhân dân phải chịu, đẩy lên thành nỗi căm phẫn tột độ.

Và tất yếu, sự căm phẫn sẽ hình thành nên tinh thần đấu tranh bảo vệ quê hương, dân tộc. Trong lúc nơi nơi như Sài Gòn còn mơ màng danh lợi thì Vĩnh Long đã tìm cách đấu tranh: Chợ Sài Gòn còn đương buôn bán/ Chợ Vĩnh Long lập quán cầu hiền.

Trải qua bao nhiêu năm, từ thời chúa Nguyễn vào Nam mở mang bờ cõi, năm tháng đấu tranh cho đến giai đoạn độc lập, tình yêu của nhân dân không ngừng được viết tiếp: Bây giờ sự thật như mơ/ Vĩnh Long từng phút từng giờ đổi thay. Họ viết về sự đổi thay từng phút, từng giờ của vùng đất Vĩnh Long như một sự tự hào, hay đó cũng chính là ước mơ, niềm tin vào một ngày mai giàu đẹp.

MINH SƠN- MINH SONG