Thốt nốt vùng Thất Sơn

Cập nhật, 10:48, Thứ Ba, 06/10/2015 (GMT+7)

 

 

Hôm qua, nhận được ổ bánh bò thốt nốt to như cái mâm ở tận An Giang gửi về, lòng lại nhớ! Nhớ “Ai bánh bò đường thốt nốt hôn?”, lời rao ngọt liệm của cô gái miền tây như mời gọi người khách thập phương trên chuyến phà Vàm Cống.

Nhớ hương vị không lẫn vào đâu được của các sản phẩm chế biến từ trái thốt nốt. Một loại đặc sản của An Giang là món quà thơm thảo với khách phương xa. Nhớ chuyến xe đã đưa tôi men theo con lộ nhỏ nhấp nhô giữa đồng lúa bạc ngàn, hai bên là núi đá trong mờ ảo nắng của vùng bán sơn địa Tri Tôn.

Cũng từ đây, những cây thốt nốt dần xuất hiện trong mắt người lữ hành trải dài đến tận chân trời. Những cây thốt nốt cằn cỏi, nghạo nghễ vươn mình trong cái nắng ôi ả của vùng thất sơn huyền bí. Cằn cỏi là thế, nhưng lại ban tặng cho con người những trái ngọt thơm mà bất cứ ai dù một lần nếm thử cũng không thể quên.

Thời điểm thu hoạch thốt nốt thường rơi vào tháng 6, tháng 7 âm lịch hàng năm, cao điểm nhất là vào dịp lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (thị xã Châu Đốc). Cây thốt nốt trưởng thành có thể cao đến 15m nên việc hái trái, lấy nước cũng khiến người dân nơi đây gặp khá nhiều khó khăn.

Đến đây, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đàn ông gánh trên vai một đòn gánh dài, hai đầu đòn gánh là những ống mật thốt nốt.

Để có được những ống mật này là công lao của chiều hôm trước, người ta leo lên ngọn cây thốt nốt bằng thang tre, dùng dao cắt đầu cuống bông sau đó gắn những chai nhựa hoặc ống tre vào để nước mật tinh khiết cứ từ từ chảy vào.

Đến hôm sau, lại trèo lên cây đem cái ống ấy xuống. Nước thốt nốt tươi nguyên chất có vị ngọt thanh tao, mát lạnh. Giữa cái nắng hè “cháy da” chỉ cần uống một ngụm nước thốt nốt cũng đủ để xua tan hết những nóng bức.

 

 

Những ai được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, sẽ khó mà quên được hình ảnh người cha, người anh  trèo lên cây thốt nốt để lấy nước, những giọt mồ hôi buổi ban trưa mặn đắng nhưng vẫn không tắt nụ cười. Nước thốt nốt được mang về ngoài làm nước uống, người ta còn dùng để nấu đường.

Thứ đường thốt nốt trứ danh ấy, được làm ra bằng cách nấu sôi nước thốt nốt từ 20-30 phút, sau đó để nguội rồi lọc kỹ. Công đoạn khuấy đường vừa làm nguội cũng như tăng độ dẻo và giúp đường có màu trắng vàng đẹp mắt hơn.

Theo người dân sản xuất đường thốt nốt, bình quân cứ 4 lít nước sẽ cho ra 1kg đường thành phẩm. Loại đường này được nhiều khách hành hương chọn mua về nấu chè, làm bánh bò, bánh canh,… thưởng thức hương vị ngọt thanh mà các loại đường khác không có được.

Nhiều người còn thích khi uống trà, nhâm nhi miếng đường thốt nốt với khoai lang luộc, như thế, hương vị đường thốt nốt sẽ từ từ thấm vào lòng như bao nhiêu hương vị của quê hương khác.

Ngoài nước thốt nốt thì trái thốt nốt cũng được hái nguyên cả buồng, dùng dao chẻ ra lấy phần cơm ướp lạnh.

Cơm thốt nốt có vị béo, bùi, mùi thơm nhẹ đặc trưng, càng ngon hơn khi kết hợp với hạt é, hạt lười ươi thêm ít đá sẽ đánh tan cái nắng nóng trời nam. Độc đáo hơn, khéo léo hơn cả, các bà, các mẹ, đem cơm thốt nốt nấu chè cùng đậu xanh, đường thốt nốt.

 

 

Đối với khách tham quan, khi đến vùng bảy núi mà không thưởng thức ly mật thốt nốt hay ăn một ly thốt nốt đá thì xem như chưa đến nơi đây. Và nếu quên mua ít đường, ít trái thốt nốt về làm quà thì thật là một thiếu sót lớn.

Còn đối với người dân Tri tôn, thốt nốt được trồng ngoài để chia ranh, giữ đất, nó cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định và thu hút khách tham quan bởi mang trong mình hương vị nắng gió nơi này.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC