Triển vọng phát triển giống lúa mới theo nhu cầu thực tế

Cập nhật, 15:35, Thứ Ba, 09/01/2018 (GMT+7)

 

Phát triển giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường là nhu cầu cấp thiết. Trong ảnh: Khảo nghiệm giống tại Trại Lúa giống tỉnh.
Phát triển giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường là nhu cầu cấp thiết. Trong ảnh: Khảo nghiệm giống tại Trại Lúa giống tỉnh.

Sau một năm triển khai thực hiện, dự án “Củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020” đã gặt hái kết quả khả quan.

Dự án giúp củng cố và nâng cao năng lực sản xuất cho hệ thống nhân giống lúa thuần đảm bảo hạt giống đạt chất lượng, cho năng suất cao, đồng thời góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho lúa gạo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân.

Bà Trương Thị Thu Hương- Trưởng Trại Lúa giống (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết trong năm 2017, dự án triển khai với quy mô 65ha tại 5 huyện: Vũng Liêm (20ha), Tam Bình (17ha), Trà Ôn (12ha), Mang Thít (8ha) và Long Hồ (8ha).

36 cơ sở, nông hộ đủ điều kiện tham gia nhân giống lúa thuần được hỗ trợ 30% chi phí sản xuất trong 3 vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông, góp phần cung ứng 318,5 tấn giống lúa thuần cho các cơ sở nhân giống lúa trong tỉnh.

Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 2,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 926 triệu đồng và 1,3 tỷ đồng do người dân tham gia dự án đối ứng.

Kết quả sản xuất cho thấy, năng suất lúa tươi 3 vụ trong năm 2017 đạt bình quân 7 tấn/ha, giá thành sản xuất 3.603 đ/kg, giá bán lúa tưới 7.000 đ/kg. Chưa kể khoản hỗ trợ của dự án, lợi nhuận người dân thu được là 23.780.000 đ/ha.

Bà Trương Thị Thu Hương cũng cho biết, một số khó khăn trong thực hiện dự án là số lượng lúa siêu nguyên chủng không đủ theo yêu cầu đặt hàng.

Hơn 70% cơ sở tham gia yêu cầu giống OM 5451, tuy nhiên Viện Lúa ĐBSCL chỉ đáp ứng được 43,8% nhu cầu này. Trong khi đó, việc khan hiếm nhân công cấy lúa, khử lẫn, cũng như điều kiện khách quan tác động là xâm nhập mặn ảnh hưởng đến lịch thời vụ và sản lượng lúa giống.

Ông Trần Văn Bé Bảy- Giám đốc HTX Hồi Tường (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn)- nêu thực tế là hiện vẫn còn một số hộ sản xuất giống bán lúa giống tươi cho người sử dụng. Bởi công nghệ sấy, làm sạch vẫn còn hạn chế, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giống cũng như uy tín của cơ sở sản xuất giống.

Bên cạnh đó, nguồn giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng không thể đáp ứng đủ chủng loại theo nhu cầu đã gây khó khăn cho đầu ra của giống thành phẩm.

Theo ông Bé Bảy, vụ Hè Thu và Thu Đông vừa qua thì nhu cầu thị trường cao về giống OM 5451, trong khi khả năng cung ứng lượng giống này có hạn, kể cả dự án cũng có đặt hàng nhưng Viện Lúa ĐBSCL đưa về giống OM 6976. Còn ở vụ Đông Xuân thì trên 90% bà con trong HTX cần sản xuất giống OM 4900, nhưng HTX chỉ sản xuất được 0,5ha giống này, còn lại là sản xuất giống OM 6976.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu lượng giống OM 4900 cho xã viên thì HTX phải mua giống này từ nơi khác.

Theo bà Cao Thị Đẹp- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, hiện có trên 80% nông dân trong huyện sản xuất giống lúa tròn ML202, trong khi trong tỉnh chưa thể sản xuất giống lúa này mà phải lấy giống từ tỉnh Bình Thuận, vì đây là giống lúa độc quyền của địa phương này.

Bà đề nghị phát triển giống lúa tròn thay thế giống ML202 để chủ động nguồn giống, đáp ứng nhu cầu nông dân.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bình- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, vụ Đông Xuân hàng năm, Trà Ôn xuống giống khá sớm. Đây vừa là lợi thế mà cũng là thiệt thòi của huyện, vì xuống giống sớm thì không đảm bảo tiến độ dự án, bởi khi đó chưa có giống để sản xuất.

Nhưng nếu có điều kiện tốt hơn thì Trà Ôn sẽ làm giống và cung ứng cho các huyện khác thì đó lại là lợi thế cho huyện. Riêng ở xã Thiện Mỹ có những cơ sở trước đây trình diễn, khảo nghiệm giống cho kết quả rất tốt. Từ những lợi thế và đặc thù sản xuất giống tại địa phương thì “rất mong được hỗ trợ” để phát triển giống lúa đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Giải đáp một số đề xuất của địa phương, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp- PTNT) thông tin, theo đề nghị của Trà Ôn trong việc linh hoạt triển khai dự án sớm hơn theo tập quán sản xuất tại địa phương thì có thể làm được nhưng địa phương cần đảm bảo các khoản quyết toán tài chính theo tiến độ dự án.

Liên quan đến đề nghị của huyện Mang Thít về việc phát triển giống lúa tròn có thể thay thế ML202, cụ thể là đưa vào cơ cấu giống để khảo nghiệm sắp tới thì bà Tuyết Mai cho rằng đây là việc làm cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất và thị trường trong và ngoài nước.

Riêng giống ML202 cấp nguyên chủng độc quyền của tỉnh Bình Thuận nên Vĩnh Long không thể sản xuất giống và giống lúa này cũng không được đưa vào cơ cấu giống chủ lực của tỉnh.

Hướng mở cho nguồn cung giống lúa này là Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã liên hệ với tỉnh Bình Thuận, làm đầu mối cung cấp giống ML202 cấp xác nhận, khoảng 50 tấn hoặc tùy nhu cầu mỗi năm và Trại Lúa giống tỉnh sẽ tổng hợp nhu cầu, để làm đầu mối cung ứng cho người dân trong thời gian tới.

Về tình trạng khan hiến giống lúa OM 5451, qua làm việc với Viện Lúa ĐBSCL, muốn có đủ lượng giống nguyên chủng thì phải đăng ký trước một vụ. Do đó các cơ sở, nông hộ có nhu cầu sản xuất giống lúa này thì cần đăng ký trước với Trại Lúa giống tỉnh, để tổng hợp và đặt hàng cụ thể với Viện Lúa ĐBSCL.

Theo bà Nguyễn Hồng Cúc- Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, do việc sản xuất lúa hạt dài ở ĐBSCL trở nên phổ biến, giống hạt tròn ngày càng mai một.

Sắp tới đây, viện sẽ chuẩn bị một số giống hạt tròn để đưa về Vĩnh Long thử nghiệm. Hy vọng trong vụ tới, tỉnh sẽ có nguồn giống lúa hạt tròn mới để người dân có thêm chọn lựa sản xuất và thay thế giống ML202.

Bài, ảnh: LÊ SƠN