Nông nghiệp vượt khó tăng trưởng

Cập nhật, 13:41, Thứ Ba, 02/01/2018 (GMT+7)

Năm qua, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hơn năm 2016. Việc chuyển đổi cây trồng phát huy hiệu quả, nhất là cây ăn trái và rau màu. Nhiều loại nông sản tiêu thụ khá tốt. Trong năm, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng giá trị sản xuất ước tăng hơn 2%.

Trải qua năm 2017 nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng hơn 2%.
Trải qua năm 2017 nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng hơn 2%.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, ước giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản trên 22.100 tỷ đồng, tăng 2,14% so với năm 2016.

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chủ động nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thực hiện các dự án hỗ trợ giống phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái, rau màu, qua đó góp phần ngăn chặn sự suy giảm và phục hồi sản xuất khu vực nông nghiệp.

Diện tích gieo trồng 3 vụ lúa đạt 169.394ha, sản lượng thu hoạch đạt 941.682 tấn, so với năm 2016, diện tích lúa giảm gần 4%, năng suất tăng 4,2% nên sản lượng vẫn tăng 0,1%, tương đương 692 tấn.

Qua 3 vụ sản xuất, diện tích trồng màu cả năm đạt 54.281ha, tăng mạnh trong những năm gần đây khoảng 17,4% (hay 8.026ha), trong đó diện tích tăng đáng kể nhất là khoai lang, bắp và rau các loại.

Nhìn chung, cây màu phát triển mạnh do hiệu quả sản xuất lúa thấp nên người dân chuyển đổi sang trồng màu, đồng thời giá các loại rau màu ổn định ở mức cao, đảm bảo người sản xuất có lời.

Diện tích cây lâu năm toàn tỉnh đạt 54.379ha, trong đó diện tích cây ăn trái trên 45.000ha, sản lượng 436.175 tấn, tăng 14,2% so năm trước.

Năm qua có sự phát triển mạnh, các loại cây trồng chuyển đổi từ đất lúa như cam sành, thanh long do hiệu quả kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo người dân sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, tránh phát triển nóng.

Bên cạnh, ngành tập trung hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái và liên kết tiêu thụ theo chuỗi nên các vùng cây ăn trái duy trì và phát triển ổn định, góp phần giúp lĩnh vực trồng trọt đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hơn 5%.

Trong năm, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giảm 5,5% so năm trước, nguyên nhân chủ yếu do tổng đàn heo giảm mạnh.

Riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ghi nhận được tín hiệu tích cực với diện tích, sản lượng và giá thu mua đều tăng, giá trị sản xuất thủy sản tăng 1,38% so với năm 2016.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phục hồi, nếu giá một số sản phẩm chăn nuôi mà chủ yếu là thịt heo giảm thì đa số các sản phẩm nông nghiệp còn lại như lúa, cá tra, rau màu, cây ăn trái đều có giá ổn định hoặc tăng nên người dân có lãi và an tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp dần có hiệu quả, cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch đúng hướng, diện tích lúa tiếp tục giảm để thay vào đó là các loại rau màu, cây lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên trong năm việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa hiệu quả, phát triển kinh tế hợp tác làm đầu mối để đẩy mạnh liên kết sản xuất vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp mặc dù phát huy được hiệu quả kỹ thuật, chất lượng nông sản nâng lên nhưng việc duy trì và nhân rộng chưa nhiều.

Dự báo sản xuất nông nghiệp năm 2018 của tỉnh vẫn còn khó khăn như ngành chăn nuôi heo tiếp tục trải qua giai đoạn phục hồi, các khó khăn của sản phẩm này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng giá trị sản xuất.

Nhiều loại nông sản có năng suất đã đạt tới hạn, một số sản phẩm có dấu hiệu suy giảm năng suất như khoai lang và một số loại rau màu khác.

Theo đó, trong năm ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Đề xuất và thực hiện các dự án đầu tư có trọng điểm vào các nông sản chủ lực, đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ, chuyển đổi sản xuất mùa vụ, quản lý thời vụ thống nhất, kiểm tra giám sát chặt chẽ vật tư nông nghiệp,…

Nhằm phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Long kiến nghị Trung ương cho phép tỉnh giảm diện tích đất lúa từ 64.500ha xuống còn 60.000ha, đồng thời chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và các cây lâu năm khác.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh cũng như đề xuất giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất lúa nhằm giảm chi phí đầu tư của cho doanh nghiệp.

Bài, ảnh: THÀNH LONG