Tiếp tục nâng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp

Cập nhật, 11:49, Thứ Năm, 04/01/2018 (GMT+7)

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở huyện Trà Ôn bước đầu đã cho kết quả đáng ghi nhận năm qua. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ với quá trình dài, ở đó ngoài sự vào cuộc của chính quyền và ngành chức năng các cấp, thì vai trò của người nông dân phải thật sự chủ động, phải bật lên hăng hái để sản xuất làm sao thu nhiều lợi nhuận hơn trên cùng diện tích.

Củ sắn năm nay được coi là trúng mùa, được giá, bà con lợi nhuận cao. Ảnh: TL
Củ sắn năm nay được coi là trúng mùa, được giá, bà con lợi nhuận cao. Ảnh: TL

Cơ cấu lại nhìn từ vùng chuyên canh củ sắn

Xã Lục Sĩ Thành có diện tích rau màu gần 200ha, trong đó diện tích củ sắn hơn 100ha. Nhiều năm qua, củ sắn là một trong các loại cây trồng thích hợp với đất cù lao.

Là loại cây màu dễ trồng, khoảng 4 tháng từ trồng tới kỳ thu hoạch. Hiện mỗi năm bà con ở đây trồng 2 vụ sắn, khoảng tháng 2- 3 âl để thu hoạch giữa năm và lối tháng 8- 9 âl để “canh” vào vụ tết.

Nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất và sản phẩm được an toàn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp huyện và địa phương hỗ trợ dự án xây dựng mô hình “Vùng sản xuất củ sắn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng VietGAP” cho 10ha trồng củ sắn, chủ yếu ở ấp Mỹ Thạnh A và triển khai từ tháng 9/2017.

Tham gia mô hình, nông dân Đặng Văn Dũng có 0,3ha trồng củ sắn. Theo ông, hầu như trước giờ bà con đây trồng củ sắn không sử dụng phân hữu cơ, chỉ sử dụng phân vô cơ, phun thuốc sâu nhiều nên chi phí cao.

Làm thí điểm theo hướng VietGAP, ông Dũng đã giảm được 3 lần phun thuốc, 2 bao phân, nhưng năng suất lại tăng 0,2 tấn/công, đạt 10 tấn/công. Hồi thu hoạch, ông bán củ sắn với giá bán 4.600 đ/kg, thu được 138 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 80 triệu đồng.

Cũng ở Mỹ Thạnh A, nông dân Nguyễn Văn Khỏe cho biết: Lúc thu hoạch vụ củ sắn năm nay, giá bán trung bình 4.600 đ/kg và năng suất rất khá, 10 tấn/công. Không như thời điểm giá củ sắn ở mức 3.500 đ/kg, năm nay giá cao nên sau khi trừ chi phí, hộ trồng sắn có thể lợi nhuận 30 triệu đồng/công, tức đạt 300 triệu đồng/ha.

Điều mới mẻ trong canh tác theo mô hình trên được bà con nông dân chỉ ra chung là: giảm sử dụng phân thuốc vô cơ, giảm tần suất phun bón; chuyển sang dùng phân thuốc hữu cơ nhiều hơn; tiết giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Kết quả cuối cùng là trúng mùa, vào vụ thu hoạch được giá cao, nên hiệu quả mô hình đem lại khả quan. Có thể thấy sự đồng tình ứng dụng mô hình mới vào sản xuất đã được bà con thể hiện tích cực. Điều bà con mong mỏi là giá cả đầu ra ổn định để tăng giá trị sản xuất và lợi nhuận mỗi vụ mùa.

Không riêng Lục Sĩ Thành, các địa bàn phù hợp với cây màu này ở Trà Ôn còn có Phú Thành, Tích Thiện, Thiện Mỹ. Với hiệu quả mà củ sắn mang lại, loại cây trồng này đã dần trở thành cây hàng hóa, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Tiếp tục cơ cấu lại, nâng hiệu quả sản xuất

Ngoài vùng trồng củ sắn nhiều ở Lục Sĩ Thành, cây màu này còn bén rễ ở các xã Phú Thành, Tích Thiện, Thiện Mỹ.
Ngoài vùng trồng củ sắn nhiều ở Lục Sĩ Thành, cây màu này còn bén rễ ở các xã Phú Thành, Tích Thiện, Thiện Mỹ.

Diện tích trồng lúa toàn huyện Trà Ôn năm 2017 giảm 3.022ha so năm 2016. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, số này được chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu có hiệu quả.

Toàn huyện hiện có 4.983ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó rau màu có 4.093ha (gồm màu chuyên canh 1.006ha, màu xen canh và màu trên đất lúa 3.087ha).

Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết Huyện ủy năm 2017, Trà Ôn năm qua triển khai 22 mô hình thuộc đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp với tổng kinh phí 3,4 tỷ đồng (do tỉnh đầu tư) và hầu hết mang lại hiệu quả khá cao.

Trong đó có 8 mô hình nhân rộng: cánh đồng mẫu; sản xuất lúa giống; trồng nấm rơm; trồng bắp; trồng dưa hấu; trồng củ sắn theo hướng bền vững; chăn nuôi gà trên đệm sinh học... đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đúng định hướng.

Theo cơ cấu, hiện lĩnh vực trồng trọt chiếm 57,43%, chăn nuôi 34,53% và dịch vụ nông nghiệp 8,04%.

BCĐ thực hiện “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa tổng kết đề án này năm 2017, triển khai kế hoạch 2018, do ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- chủ trì.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn- cho biết: Năm 2018, BCĐ huyện tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích; chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị trồng trọt, tăng nhanh hơn giá trị chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.

Cơ cấu lại nông nghiệp sẽ gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển kinh tế tập thể, tạo được liên kết sản xuất với tiêu thụ hàng nông sản...

BCĐ còn cho rằng, ngoài vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và ngành chức năng, để từng bước cơ cấu lại nông nghiệp sâu rộng và hiệu quả, thì phải làm cho thấy được sự chủ động tích cực của người nông khi tham gia tiến trình này, nhằm gia tăng giá trị canh tác và nuôi trồng cho họ.

Bài, ảnh: MINH THÁI