Nông nghiệp trước vận hội mới

Cập nhật, 05:47, Thứ Năm, 18/02/2016 (GMT+7)

Năm 2016 mở ra với dấu mốc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán, mang đến cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, mở rộng hợp tác với các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực.

Bên cạnh những thách thức đang chờ đợi, nhiều cơ hội hợp tác, phát triển và hội nhập sẽ được mở ra cho ngành nông nghiệp.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tiềm năng sẵn có

Để đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp, Vĩnh Long đang có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong 3 năm qua, Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra diện mạo mới, nhất là những thành tựu trong sản xuất nông, thủy sản, xây dựng nông thôn mới.

Theo Thạc sĩ Phan Nhựt Ái- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, tỉnh đã hình thành vùng luân canh màu trên đất lúa quy mô lớn, tập trung, có thương hiệu như vùng trồng khoai lang tím Nhật, rau xà lách xoong,… kết hợp xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, xây dựng được những cánh đồng lớn, chất lượng cao gắn sản xuất với tiêu thụ.

Hiện nay, tỉnh có rất nhiều loại nông sản sản xuất được quanh năm, năng suất và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường. Ông Phan Nhựt Ái cho biết, đến nay đã đáp ứng gần 100% nhu cầu giống nguyên chủng và gần 80% diện tích sử dụng giống xác nhận. Một thành tựu nổi bật của ngành là hoàn thành vượt mức yêu cầu an ninh lương thực, sản lượng lúa luôn đạt trên 1 triệu tấn/năm và đảm bảo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng; sản lượng rau màu gần 1 triệu tấn/năm.

Cây ăn trái chiếm tỷ trọng gần 50% giá trị ngành trồng trọt, với nhiều loại cho sản lượng, chất lượng và hiệu quả cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 45.000ha vườn cây lâu năm, trong đó diện tích cây ăn trái gần 39.000ha, sản lượng trên 500.000 tấn/năm.

Từ sự đầu tư bài bản nên giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản giai đoạn 2010- 2015 tăng bình quân 2,74%/năm, chiếm 33,1% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 101,39 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 160 triệu đồng/ha (năm 2015).

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành nông nghiệp đang chú trọng thực hiện dự án: “Tăng cường năng lực xúc tiến thương mại cho sản phẩm ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2017”, nhằm tạo ra hàng hóa nông sản lớn, tập trung với chất lượng cao gắn thương hiệu; đẩy mạnh thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường; nâng cao năng lực maketing cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Chuẩn bị cho hội nhập

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nông nghiệp Vĩnh Long cũng sẽ tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ thị trường bên ngoài, nhất là giá cả, năng suất và chất lượng. Mặt khác, các nguyên liệu đầu vào để sản xuất nông sản luôn có xu hướng ngày càng tăng giá, nông nghiệp cần phát triển ở trình độ cao hơn, chuyên sâu hơn để đi vào thế ổn định và bền vững.

Trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, xác định giai đoạn 2016- 2020 tiếp tục ưu tiên công nghiệp chế biến từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp- thủy sản; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp. Điều này cho thấy, trong 5 năm tới, phát triển kinh tế vẫn phải dựa không nhỏ vào nông nghiệp.

Tuy nhiên, có thực tế đáng lo ngại là giá trị sản xuất ngành này hiện vẫn tăng trưởng nhưng với chiều hướng chậm lại. Nếu giai đoạn 2006- 2010 giá trị sản xuất tăng bình quân 6,7% thì đến giai đoạn 2010- 2015 chỉ tăng gần 3%. Theo định hướng giai đoạn 2015- 2020, giá trị sản xuất tăng bình quân 3,5%.

Và để đạt chỉ tiêu đề ra Vĩnh Long cần có những kế hoạch phát triển đồng bộ. Đặc biệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần đi vào trọng tâm, có định hướng.

Ngành nông nghiệp cũng xác định bối cảnh hội nhập sâu rộng, nông nghiệp sẽ tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ thị trường bên ngoài, nhất là về giá cả, nguyên liệu đầu vào. Để giải quyết khó khăn đòi hỏi cần có sự đầu tư, kêu gọi đầu tư mạnh hơn, nhất là chế biến nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ngành nông nghiệp, thời gian tới, đề án tái cơ cấu nông nghiệp sẽ chú trọng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, để hạn chế dịch bệnh; chú trọng đến công tác lai tạo giống mới, đạt chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất; khuyến khích các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP để có những nông sản an toàn; tích cực giải quyết đầu ra cho nông sản… 

Cùng với đó, ngành nông nghiệp phân vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung phát triển một số nông sản như: xà lách xoong ở xã Thuận An; bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, Đông Bình và Thuận An (TX Bình Minh); khoai lang ở xã Thành Đông, Tân Thành, Tân Lược (Bình Tân); cam sành ở xã Tường Lộc, Bình Ninh, Ngãi Tứ (Tam Bình) và vùng sản xuất giống cá tra thương phẩm ở các huyện Mang Thít, Long Hồ. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng vùng lúa chất lượng cao thông qua các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất.

Với những tiềm năng và lợi thế, nông nghiệp Vĩnh Long hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, hội nhập thế giới trong tương lai.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Các tin khác: