Huyện Trà Ôn

Đột phá từ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật, 18:13, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)
Đồng chí Nguyễn Thanh Triều -Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn
Đồng chí Nguyễn Thanh Triều -Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn

Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ Trà Ôn tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: “Thương mại- dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng”.

Trong đó, lấy việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác hợp tác liên doanh, liên kết nhằm giải quyết tốt đầu ra cho nông sản hàng hóa, là 1 trong 3 khâu đột phá của huyện.

Nhận định tiềm năng và những khó khăn

Trà Ôn nằm trên tuyến Quốc lộ 54, hành lang của TP Cần Thơ, TX Bình Minh và thuộc tiểu vùng III.

Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp sẽ có thêm điều kiện thuận lợi, để Trà Ôn đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội.

Nhìn lại 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Trà Ôn đã không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

Giá trị sản xuất của các ngành, các lĩnh vực đều tăng. Trong đó, giá trị nông- lâm- thủy sản tăng bình quân 3,51%; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 10,66%; tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 15,09%. Bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

Sản xuất nông nghiệp với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày cũng là thế mạnh vài năm trở lại đây của huyện Trà Ôn. Ảnh: Minh Thái
Sản xuất nông nghiệp với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày cũng là thế mạnh vài năm trở lại đây của huyện Trà Ôn. Ảnh: Minh Thái

Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Trồng trọt chiếm tỷ trọng 70,19% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Diện tích trồng lúa giảm dần và ổn định ở diện tích 11.000ha, sản lượng bình quân hàng năm đều tăng. Kinh tế vườn tiếp tục phát triển, có khoảng 70% diện tích cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân khoảng 180- 200 triệu đồng/ha/năm.

Hình thành một số vùng sản xuất rau màu chuyên canh, luân canh ở các xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành, Thiện Mỹ, Tích Thiện, Xuân Hiệp, nâng mức thu nhập bình quân cao gấp 2- 3 lần trồng lúa.

Giá trị gia súc, gia cầm, thủy sản chiếm 22,67% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặc dù được cải thiện dần chất lượng giống, duy trì tốt công việc tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh, nhưng do giá cả thị trường thiếu ổn định, tổng đàn chung có xu hướng giảm theo thời gian, diện tích ao nuôi thủy sản- đặc biệt cá tra có nguy cơ thu hẹp lại. Dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển khá và chiếm 7,14% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản có tăng trưởng nhưng chỉ đạt 49,17% so với nghị quyết, chuyển dịch cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị sản xuất chưa đạt yêu cầu.

Cây lúa còn chiếm tỷ trọng lớn, chăn nuôi phát triển không ổn định, thiếu bền vững; thủy sản gặp khó đầu vào, thị trường không ổn định. Các mô hình kinh tế trong nông nghiệp chậm được nhân rộng; quy mô sản xuất chủ yếu cá thể, nhỏ lẻ. Còn lúng túng trong tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Do đó, cần phải tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa; nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Giao thông thủy bộ thuận lợi để Trà Ôn mời gọi đầu tư. Ảnh: NVH
Giao thông thủy bộ thuận lợi để Trà Ôn mời gọi đầu tư. Ảnh: NVH

Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trà Ôn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng ngành nông nghiệp, thực hiện toàn diện, hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào sản xuất các sản phẩm có thị trường tiêu thụ và có lợi thế, xem đây là khâu đột phá.

Do đó, cần triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng chuyên canh và giám sát chặt chẽ việc thực hiện đối với hàng hóa nông sản có lợi thế, thực hiện tái cơ cấu từ sản xuất sản phẩm có giá trị thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiêu thụ được trên thị trường.

Chú trọng việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, công nghệ sinh học, giống; công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý chăn nuôi; kỹ thuật khâu cải tạo đất xử lý ra hoa làm trái; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; kỹ thuật thâm canh cây lúa, cây màu tăng năng suất, an toàn; kỹ thuật sơ chế, phân loại đóng gói, bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, thực hiện liên doanh, liên kết từ các khâu đầu vào của sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Hình thành tư duy sản xuất theo quy hoạch, kỹ thuật khâu chăm sóc tạo ra sản phẩm chủ lực đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế rủi ro. Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ nông nghiệp.

Bố trí nguồn lực ngân sách phù hợp để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp huyện. Đầu tư xây dựng kiên cố các cống, đập, củng cố, nâng cấp các tuyến đê bao khép kín vùng sản xuất, đảm bảo tưới tiêu, chủ động thời vụ sản xuất.

Tuy nhiên, dự báo trong những năm tới không ít khó khăn. Thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường, những thách thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Là huyện có hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, nhất là trong đồng bào Khmer. Các mô hình kinh tế còn nhiều bất cập...

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, nhiệt tình cách mạng, tập trung trí tuệ, huy động mọi nguồn lực, phát huy lợi thế, hành động theo quy luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới.

 

Củng cố nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, hợp tác sản xuất; tiếp tục phát huy nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, nâng cao vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo liên kết giúp nông dân tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

 

Các tin khác: