Cánh đồng lớn của hợp tác xã kiểu mới

Cập nhật, 18:13, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn), không còn cảnh nông dân than phiền mua phân, thuốc bảo vệ thực vật giá trên trời hay bán lúa khó khăn. Họ được hợp tác xã “môi giới” với các công ty bán phân thuốc trực tiếp, giảm khâu trung gian, còn lúa sau thu hoạch thương lái đến mua tận nơi.

Từ cách làm hay, tháng 6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến công tác tại Vĩnh Long, đã đến thăm mô hình, đánh giá đây là hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, cần được nhân rộng. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến công tác tại Vĩnh Long đã đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến công tác tại Vĩnh Long đã đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp.

Hợp tác xã kiểu mới

Cuối tháng 12/2015, chúng tôi theo chân chị Lê Thị Lệ Hoa- Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp cùng một số thành viên len lỏi quanh những con đê, vào sâu trong đồng thăm lúa, nắm bắt tình hình, thời điểm thu hoạch để “lên lịch” phân công công việc.

Sau khi bàn bạc, chị Hoa kết luận: “Còn khoảng tháng nữa lúa chín”, rồi quay sang chú Nguyễn Phước Dũng- kiểm soát viên: “Anh liên hệ một số thương lái để họ biết thời gian đến mua lúa cho bà con”.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp được thành lập cách nay hơn 5 năm với tiền thân là CLB sản xuất giống lúa cấp xác nhận.

Chị Hoa đi thăm đồng định ngày thu hoạch.
Chị Hoa đi thăm đồng định ngày thu hoạch.

Căn nhà chị Hoa cũng là trụ sở của hợp tác xã. Chị Hoa cho biết, những ngày đầu thành lập có 11 thành viên. Tuy còn khá mới mẻ, nhưng qua các lớp tập huấn, họ nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, tiếng lành đồn xa nên lúa giống sản xuất ra bao nhiêu đều bán hết.

Nông dân ở tận Trà Vinh cũng đến tìm mua. Còn nông dân các xã lân cận xin vào CLB. “Do xã này xã kia xa xôi, tôi bàn với các địa phương gom thành nhóm, mỗi nhóm chừng vài ba hộ cũng sản xuất lúa giống tương tự, chúng tôi trực tiếp điều hành. Đầu vụ, tại mỗi nhóm sẽ khảo sát thị trường về số lượng, nhu cầu giống, sau đó báo lại, chúng tôi sẽ bố trí sản xuất. Nhờ làm bài bản, giống sản xuất đúng nhu cầu nông dân nên ít khi nào bị kêu ca chuyện thừa hay thiếu.”- chị Hoa nói.

Là tổ sản xuất giống nhưng CLB này không ít lần gây “ồn ào”, khi chủ động mời cán bộ đến tập huấn cho nông dân kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến tại hàng chục buổi hội thảo. Nhờ vậy, lúa xã viên ngày càng trúng, mùa Đông Xuân có ruộng đạt hơn 8 tấn/ha.

Nông dân và xã viên ngày càng tin tưởng nên ai có máy móc nông nghiệp gì cũng tự nguyện đóng góp vào để sản xuất. Bản thân chị Hoa cũng sang tận An Giang, Đồng Tháp học hỏi về kỹ thuật, bỏ hàng chục triệu đồng làm lò sấy lúa, bảo quản nâng cao chất lượng giống lúa.

Năm 2010, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp chính thức thành lập với vốn điều lệ 200 triệu đồng. Vốn ít ỏi, phải cáng đáng nhiều thứ nhưng mỗi năm hợp tác xã vẫn sản xuất 400- 500 tấn lúa giống chất lượng cao.

Chị Hoa cho biết, hiện nay ngoài đội cấy lúa, hợp tác xã đang bàn bạc thành lập đội làm đất, sạ hàng, rải phân, xịt thuốc,… tiến tới dịch vụ làm ăn trọn gói!

Cánh đồng liên kết

Là nông dân, chị Hoa cũng như nhiều thành viên hiểu, chỉ khâu giống tốt chưa quyết định lợi nhuận mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác- nhất là thị trường. Không ít vụ “lúa trúng bể bồ” nhưng giá bán thấp lè tè, thương lái kỳ kèo. Vì vậy, chị Hoa nghĩ tới chuyện bao tiêu lúa cho nông dân.

Chị phân công thành viên sau đầu mùa vụ xuống địa bàn vận động nông dân có diện tích liền kề gieo sạ cùng một loại giống, nắm số lượng, sau đó hợp tác xã sẽ hỗ trợ giống. Đồng thời phối hợp cán bộ FF (cán bộ kỹ thuật) các công ty thuốc bảo vệ thực vật hướng dẫn bón phân, xịt thuốc theo quy trình.

Sau thu hoạch, hợp tác xã sẽ thu mua với giá cả tương đương thị trường. “Cách tụi tui muốn làm như cánh đồng lớn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ theo quy trình. Nông dân nghe nói được bao tiêu mừng lắm, tham gia liền, tôi làm được cũng vài vụ. Tuy nhiên, do nguồn vốn hợp tác xã còn yếu nên việc bao tiêu trở nên khó khăn”- chị Hoa cho biết. Hiện hợp tác xã chủ yếu “làm mai” cho những thương lái thu mua lúa do hợp tác xã cung ứng giống.

Hôm chúng tôi đến, chị Hoa lại báo tin Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Long Hồ- Vĩnh Long) vừa đặt vấn đề ký hợp đồng mua lúa của hợp tác xã vài trăm tấn/vụ.

“Nếu việc hợp tác thuận lợi, phía công ty này còn cho biết sẽ đặt hàng thu mua giống lúa RVT số lượng vài ngàn tấn/vụ, với giá cao hơn thị trường 1.000 đ/kg. Chúng tôi đang liên hệ với các hợp tác xã ở Sóc Trăng tìm nguồn giống về gieo sạ để đáp ứng yêu cầu.”- chị Hoa phấn khởi.

Nhiều công ty thuốc bảo vệ thực vật cũng tìm đến hợp tác xã ngoài hỗ trợ kỹ thuật còn ngỏ ý cung ứng trực tiếp vật tư cho bà con, giảm bớt khâu trung gian.

Ông Nguyễn Việt Quang- Kiểm soát viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp cho biết, hiện có gần 40 hộ nông dân mua phân thuốc trực tiếp, giảm chi phí từ 200.000- 300.000 đ/công.

Làm ăn uy tín nên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp đang nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cùng bà con nông dân. Chị Hoa thông tin, hiện có rất nhiều nông dân tự nguyện xin tham gia để được sản xuất lúa giống, làm theo quy trình và được bao tiêu ổn định.

Thời gian tới, sau mỗi vụ lúa, hợp tác xã có kế hoạch cử các các thành viên đi khảo sát thị trường giống, đầu ra để phổ biến cho bà con.

“Chúng tôi đang tiến tới hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trọn gói từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và cả bao tiêu ổn định cho nông dân. Nông dân có nhu cầu dịch vụ nào thì chỉ cần “alô” cho ban điều hành là xong. Đến khi thu hoạch, họ chỉ cần có mặt tại điểm bán lúa để... nhận tiền.”- chị Hoa đầy tin tưởng cho biết.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Các tin khác: