Phấn đấu chiến thắng dịch bệnh, phát triển kinh tế

Cập nhật, 06:09, Thứ Ba, 11/01/2022 (GMT+7)

 

Vườn bưởi có giá trị kinh tế cao. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Vườn bưởi có giá trị kinh tế cao. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ xác định năm 2022 với chủ đề: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phấn đấu năm 2022 chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi và phát triển, xã hội trật tự và kỷ cương, chủ quyền quốc gia được giữ vững, chính trị được ổn định, nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc.

10 điểm sáng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh năm 2021 nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu với 10 điểm sáng.

Một là, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vắc xin; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế- xã hội.

Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới. Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128.

Hai là, GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ. Tính chung cả năm, GDP tăng 2,58%, cao hơn năm 2020. Ba là, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,8% so đầu năm, thấp nhất trong vòng 20 năm. Huy động vốn có tốc độ tăng chậm hơn nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo do điều hành linh hoạt hơn.

Bốn là, vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Năm là, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Sáu là, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc. Bảy là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng.

Đã dành gần 71,5 ngàn tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động; xuất cấp trên 158 ngàn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

“Những năm trước, mỗi năm, bình thường chúng ta cố gắng làm an sinh xã hội nhiều nhất cho 1 triệu người đã thấy khó khăn. Năm nay chúng ta tổ chức lo an sinh xã hội cho 42,8 triệu người trong thời gian kéo dài với khối lượng công việc rất gấp rút. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị”- Thủ tướng nói.

Tám là, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chín là, chính trị- xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Mười là, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó chiến lược ngoại giao vắc xin giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam.

Phấn đấu chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi và phát triển

Năm 2021, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.Ảnh: TUYẾT HIỀN
Năm 2021, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.Ảnh: TUYẾT HIỀN

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đề xuất 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP 6- 6,5%, đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng…

Thủ tướng nhấn mạnh: “Dự báo tình hình năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Xác định như vậy để có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh”. Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Về phòng chống dịch COVID-19, phải thần tốc về tiêm phủ vắc xin; nhanh chóng về thuốc chữa bệnh, không để đầu cơ, tích trữ; đề cao ý thức người dân với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp về hành chính. Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp.

Về phát triển văn hóa, xã hội, phải cụ thể hóa và triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua. Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân đều có Tết an lành…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức hết sức nặng nề, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tổng Bí thư lưu ý, năm 2022 cần tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 đã được ban hành, để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm.

Bên cạnh, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế- xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

TUYẾT HIỀN