Vĩnh Long sản xuất lúa sạch- gạo ngon

Cập nhật, 06:21, Thứ Sáu, 07/01/2022 (GMT+7)

(VLO) Dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp cũng như sản xuất- tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, năng động, Vĩnh Long phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để hạt gạo vươn xa, nâng cao chất lượng và hình thành chuỗi giá trị.

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng phát triển lúa sạch- gạo ngon.
Vĩnh Long có nhiều tiềm năng phát triển lúa sạch- gạo ngon.

Cơ hội mới cho ngành lúa gạo

Phát triển nông nghiệp của Vĩnh Long có nhiều điều kiện khá thuận lợi, đặc biệt là sản xuất lúa, bởi đất đai tương đối bằng phẳng, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, mạng lưới kinh rạch chằng chịt, đất nông nghiệp thích ứng với trồng lúa được bồi đắp phù sa hàng năm.

Tỉnh còn có hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ, khép kín. Bên cạnh đó, trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020, lúa là loại cây trồng chủ lực xếp thứ 2 trong 6 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo tỉnh nhà.

Bước đầu, tỉnh đã xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm cây lúa với hệ thống cung ứng đầu vào, đầu ra, sơ chế, xay xát, đóng gói chuyên nghiệp và liên kết trong sản xuất- tiêu thụ lúa. Từ đó đã nâng cao hiệu quả, giá trị hạt lúa và xây dựng được một số vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, hữu cơ, thảo dược…

Trong đó, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vũng Liêm), đã sáng tạo, đột phá mô hình tích tụ, tập trung đất sản xuất lúa. HTX đã xây dựng và phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị và định hình thương hiệu gạo hữu cơ Tấn Đạt.

Mô hình này đã tạo ảnh hưởng tích cực trong việc bảo vệ môi trường, thu hút, giải quyết việc làm cho lao động, tạo điều kiện mở rộng liên kết với nông dân.

Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX, cho biết: “Để tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nông dân phải sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; hay thậm chí cao hơn là sản xuất hữu cơ; có thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc. Có như vậy, đầu ra mới bền vững, sản phẩm mới vươn xa hơn”.

Gần đây, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực tích hợp chỉ đạo sản xuất gắn với thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Các hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa được quan tâm. Cụ thể, mô hình liên kết sản xuất của Tập đoàn Lộc Trời với các tổ chức nông dân có diện tích gần 1.300ha; HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận (Vũng Liêm) liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Lương thực MS2019 MASTER-RUMA với 35ha, sản lượng ước đạt 420 tấn/năm; HTX Tấn Đạt liên kết sản xuất, tiêu thụ với Công ty Đại Dương Xanh và Công ty Đại Nông Phát 60ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và 300ha sản xuất theo hướng an toàn, sản lượng ước đạt 3.780 tấn/năm.

Để phát triển bền vững

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song, thời gian qua, thực trạng sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Bên cạnh đó, giá cả không ổn định gây không ít khó khăn cho nông dân.

Việc thu hoạch và bảo quản chưa được cải tiến nhiều đã làm suy giảm đáng kể năng suất và chất lượng lúa gạo, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tìm ra biện pháp giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Nhằm đảm bảo lợi ích, gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân cũng như nâng cao tính cạnh tranh của lúa gạo trên thị trường trong và ngoài nước.

Dịch COVID-19 bùng phát đã bộc lộ một số hạn chế của ngành nông nghiệp. Chẳng hạn, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, một số địa phương trong tỉnh gặp khó khăn về nhân công, máy móc, phương tiện sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ lúa gạo.

Đồng thời, chuỗi cung ứng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật bị gián đoạn, nguồn cung bị thiếu hụt làm cho giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, chi phí đầu tư lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Đây là khó khăn lớn nhất trong giai đoạn hiện nay và dự báo sẽ còn kéo dài.

Việt Nam tham gia vào WTO và Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) là cơ hội lớn, đầy tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng để mở rộng thị phần trong kênh xuất khẩu.

Hiện nay, Liên minh Châu Âu (EU) chỉ mới cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này với hạn mức 80.000 tấn/năm. Khả năng những năm tới sẽ tăng lên 200.000- 300.000 tấn/năm.

Do đó, cần sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Cùng với đó, chi phí logistics các mặt hàng nông sản hiện chiếm gần 1/2 giá thành xuất khẩu, công nghệ chế biến- bảo quản nông sản còn hạn chế nên việc xuất khẩu hàng hóa đi xa còn nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm, cho rằng: Thời gian tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ vấn đề nội tại đến các yếu tố khách quan.

Nhất là phương thức sản xuất, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, rất cần sự nỗ lực, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

“Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các giải pháp phát triển sản xuất theo hướng chất lượng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao nhằm giảm giá thành sản xuất; phát triển các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, theo hướng GAP, hướng hữu cơ. Đồng thời, thực hiện cầu nối giao thương, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản,…”- ông Liêm cho biết thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm

Để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo của tỉnh, đặc biệt sản xuất- tiêu thụ lúa gạo, doanh nghiệp cần phát huy tốt vai trò trung tâm liên kết với nông dân trong đầu vào và đầu ra. Triển khai hiệu quả chính sách, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản lương thực; ưu tiên tập trung nguồn lực, kinh phí đầu tư trọng điểm nhằm nghiên cứu chọn lai tạo, phát triển các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và chống chịu tốt, phù hợp tới từng vùng sinh thái; đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật, công nghệ canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; nghiên cứu giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu: khô hạn, xâm nhập mặn tác động đến sản xuất lúa.

Bài, ảnh: TRÀ MY